06/09/2014 20:01 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 4 mùa giải liên tiếp Arsenal đã bị loại khỏi Champions League ngay từ đầu vòng knock-out. Sự sụt giảm thành tích của họ ở châu Âu phủ lên mùa giải mới này những câu hỏi về sức mạnh thật sự của The Gunners. Và nguy cơ Arsenal tiếp tục xì hơi tại vòng bảng Champions League mùa này (khởi tranh vào ngày 16/9 tới) là hoàn toàn có thật với kết quả bốc thăm vừa đây.
Sa sút ở châu lục
Trong những câu chuyện thể thao mà người ta hay truyền tụng lại với nhau, câu chuyện “mỗi năm họ lại xì khói” hay “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất” lại thường xuyên xuất hiện và có đối tượng trở thành trò cười cho những kẻ thích giễu cợt vì sự thất bại vào những thời điểm quan trọng nhất của một đội thể thao.
Ví như tuyển Anh, họ bị cười nhạo vì lúc nào cũng vào World Cup với đội hình toàn ngôi sao để rồi ra về tay trắng đã gần 50 năm nay. Một ví dụ khác là Hà Lan, “đội bóng vĩ đại nhất chưa từng vô địch cái gì”, hay Bồ Đào Nha. Với bóng đá nữ thì có ĐT Brazil, với Premier League là Liverpool trong hơn 20 năm nay, hay ở Đông Nam Á chúng ta có ĐT Indonesia. Ở tennis thì có Tim Henman, golf có Phil Mickelson, và Tour de France có Raymond Poulidor.
Vậy thì ở UEFA Champions League, ai là kẻ năm nào cũng “xì khói”? Chelsea trước đây là kẻ đó, nhưng rồi xóa bỏ được vết tích nhờ chức vô địch năm 2012. Real Madrid cũng vừa mới chấm dứt những năm chờ đợi. Chỉ còn lại một kẻ, đó là Arsenal.
Nếu như Liverpool đã 2 thập kỷ trắng tay ở giải VĐQG nhưng vẫn có một lịch sử đáng tự hào ở Cúp C1/Champions League, Arsenal chỉ là một dấu chấm nhỏ trong lịch sử của giải đấu. Arsene Wenger đã phải tới mùa bóng thứ 5 mới đưa Arsenal lọt vào vòng knock-out (tứ kết mùa 2000-01). Ngay cả khi có mùa giải 2003-04 huyền thoại, The Gunners xa lắm cũng chỉ vào đến tứ kết, cho tới khi họ lọt vào chung kết năm 2006 nhưng bị Barcelona đánh bại.
Kể từ sau trận chung kết tại Stade de France, Arsenal có thành tích như sau ở cấp độ châu lục: vòng 1/8, tứ kết, bán kết, tứ kết, vòng 1/8, vòng 1/8, vòng 1/8, vòng 1/8.
Đáng lo ngại phải không? Arsenal đã xì khói liên tiếp ở vòng 1/8 trong 4 mùa giải liên tiếp. Barcelona, AC Milan, Bayern Munich (2 lần) là những đội đã cho các cầu thủ đến từ Bắc London nói lời tạm biệt sớm ở Champions League. Chưa hết, trong 4 mùa bóng bị loại sớm ấy, Arsenal 3 lần phải đứng nhì ở vòng bảng, sau những Shakhtar Donetsk, Schalke 04 và Borussia Dortmund.
Thế lực của Arsenal ở châu Âu đang suy sút một cách đáng kể, biến họ trở thành một “hổ giấy” trong mắt thế giới bóng đá. Sự thiếu hụt thành công ở Champions League là nguồn cơn của sự mất kiên nhẫn với nhiều CĐV bên cạnh cơn hạn hán danh hiệu gần 10 năm, và đối với cá nhân Arsene Wenger, ông có thể vô địch thêm một tá cúp Premier League nữa nhưng vẫn sẽ coi mình là một thất bại nếu không vô địch Champions League.
Con đường thực dụng
Arsene Wenger đã đưa Arsenal dự Champions League liên tục kể từ năm 1998 đến nay, một thành tựu đáng kể nếu chúng ta biết những thăng trầm họ phải trải qua trong giai đoạn 10 năm gần đây. Tuy nhiên 15 mùa giải tham dự vẫn chưa cho Arsenal một chức vô địch châu Âu, với lần vào sâu nhất bên cạnh trận chung kết năm 2006 là loạt bán kết năm 2009, khi họ thua cay đắng Manchester United.
Lý do có lẽ là bởi vì Arsenal, một tập thể phản ánh triết lý bóng đá đẹp và mượt mà của Wenger, không được xây dựng để chiến thắng trong những trận đánh lớn. Họ có thể vượt trội so với đối thủ ở Premier League nhờ cách chơi của mình, nhưng không thể vận dụng lối chơi tương tự ở mặt trận Cúp vì đội bạn luôn tỏ ra chặt chẽ hơn rất nhiều trong những trận đấu như thế, và các Pháo thủ bắt đầu gục vì không đủ kiên nhẫn, không đủ bền bỉ để chịu đựng sức ép.
Không phải ngẫu nhiên mà lần họ đi sâu nhất ở Champions League lại là lần mà họ chơi chặt chẽ nhất. Trong mùa 2005-06 đó, Arsenal tiến vào chung kết với phần lớn thời gian đá bằng sơ đồ 4-5-1, Thierry Henry là tiền đạo cắm duy nhất và hàng tiền vệ gồm Cesc Fabregas, Gilberto Silva, Alexander Hleb, Freddie Ljungberg và Robert Pires. Khi vào bán kết năm 2009, Arsenal chơi với cách gần tương tự với Emmanuel Adebayor đá cắm, và còn được lịch thi đấu phần nào ủng hộ (chỉ phải gặp Roma và Villarreal trước khi đụng Man United).
Hai đội bóng đó của Arsenal chơi một lối chơi đề cao phòng ngự hơn thường lệ và tập trung cao độ vào việc thu hẹp không gian triển khai bóng của đối thủ, hay nói trắng ra là “dựng xe bus”. Arsenal đã đá như vậy trước Barcelona, nhất là sau khi Jens Lehmann bị thẻ đỏ, và nếu Henry tận dụng một cơ hội không thể tốt hơn trong hiệp 2, Arsenal đã có thể vô địch.
Thành tích của Arsenal ở Champions League đã đến lúc phải thay đổi, bởi nó là cần thiết để khiến họ hấp dẫn hơn trong mắt CĐV và đặc biệt là các cầu thủ ngôi sao chứ không phải thứ bóng đá đẹp mà họ vẫn tự hào. Arsenal giờ đã có những Mesut Oezil, Alexis Sanchez hay Mathieu Debuchy, nhưng họ sẽ tiếp tục xì khói ở Champions League nếu vẫn giữ nguyên lối đá cũ. Nói cách khác, tư tưởng của Arsene Wenger phải thay đổi.
Wenger liệu có chấp nhận thay đổi? Đã lâu lắm rồi ông kiên định với tư tưởng của mình, điều đó khiến người khác tôn trọng ông nhưng không đánh giá cao Arsenal về khả năng cạnh tranh. Chỉ cần “Giáo sư” thay đổi tư tưởng thôi, một kỷ nguyên thành công cho Arsenal ở châu Âu có thể bắt đầu.
Khoảng trắng trên bản đồ bóng đá Mặc dù là một trong những đội bóng giàu thành tích và nổi bật nhất của bóng đá Anh kể từ trước Đệ nhị Thế chiến cho tới ngày nay, Arsenal sở hữu một thành tích khá nghèo nàn và ít lịch sử ở cấp độ châu lục. Họ đoạt Cúp Hội chợ năm 1970, nhưng chức vô địch này không được UEFA công nhận. Lần đầu tiên Arsenal đánh hơi rất gần với một chức vô địch chính thức của UEFA là năm 1980, khi họ là Á quân của Cúp C2 sau khi thua Valencia trên chấm 11m. Chức vô địch châu Âu đầu tiên và duy nhất của Arsenal là vào năm 1994, khi họ đoạt Cúp C2 với chiến thắng sát nút 1-0 trước Parma. Ngay sau đó, họ thua AC Milan trong trận tranh Siêu Cúp châu Âu và năm sau bị Real Zaragoza đánh bại trong nỗ lực bảo vệ ngôi vô địch. Arsenal là Á quân của UEFA Cup năm 2000, để thua Galatasaray. Mùa giải 1998-99 là mùa đầu tiên Arsenal góp mặt ở Champions League (họ trước đó đã từng dự Cúp C1 hai lần). Năm 2001 là lần đầu tiên các Pháo thủ vào vòng knock-out, nhưng họ phải tới mùa 2003-04 mới bắt đầu chuỗi 10 mùa giải liên tiếp dự knock-out của mình, mà đỉnh điểm là trận chung kết năm 2006, thua Barcelona. |
Quân Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất