Arsenal: Mùa Hè mang tính bước ngoặt

14/06/2011 11:30 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Dù tình hình nhân sự ở Emirates có kết cục như thế nào, nó sẽ mang tính bước ngoặt đối với quan điểm, chiến lược và tương lai của Arsenal.

Arsenal đang bước vào một mùa Hè mang tính bước ngoặt - Ảnh Getty

Tỷ phú người Uzbek, Alisher Usmanov, chắc chắn có động cơ cá nhân khi tấn công BLĐ Arsenal, đội bóng mà ông đang nắm quyền sở hữu 30% cổ phần. Nhưng những gì ông nói rất đáng để suy nghĩ và có lẽ không hề sai: "Muốn có được những hợp đồng thương mại lớn, bạn trước hết phải giành các danh hiệu. Để giành danh hiệu, bạn cần phải đầu tư và xây dựng đội hình đủ mạnh. Điều này mang tính logic".

Khía cạnh đầu tư mà Usmanov muốn nói đến chính là cầu thủ. Hoặc phải chỉ ra nhiều tiền để mua cầu thủ giỏi, thuyết phục các CLB khác bán cho mình, như Liverpool đang làm. Hoặc chấp nhận trả lương cao, như M.U đang tiến hành. Hoặc vừa mua với giá cao vừa trả lương cao, như Chelsea và Man City đã làm những năm qua.

Trong khi Liverpool trả đến 20 triệu bảng để mua tài năng trẻ chỉ mới 20 tuổi từ Sunderland là Jordan Henderson thì chữ ký đắt giá nhất trong lịch sử Arsenal là Arshavin, với giá 16 triệu bảng từ Zenit. Trong khi M.U sẵn sàng trả mức lương lên đến 180 nghìn bảng/tuần để giữ chân Wayne Rooney thì Arsenal đang đứng trước nguy cơ mất cầu thủ xuất sắc nhất của họ mùa trước, Samir Nasri, vì không đáp ứng yêu cầu lương 110 nghìn bảng/tuần. Bản thân HLV Arsene Wenger từng thừa nhận số tiền mà Chelsea mua Fernando Torres, 50 triệu bảng, đã tương đương với tổng số tiền mà Arsenal đầu tư để xây dựng đội hình chính. Xét về mức độ chi tiêu, Arsenal không đủ "tầm" để so sánh với Man City.

Ở khía cạnh nào đó, Wenger đã rất đúng khi nói rằng Arsenal cần phải tự hào vì năm nào cũng có tên trong nhóm dự Champions League. Thành tích ấy được tạo nên từ tài năng của HLV người Pháp, sức mạnh của lò đào tạo cũng như đội ngũ săn lùng tài năng trẻ. Nhưng như thế không thể đủ để cạnh tranh các danh hiệu. Ở những lò đào tạo, Barca còn xuất sắc hơn Arsenal, nhưng họ vẫn chi mạnh để mua cầu thủ cũng như trả lương cực cao để giữ chân các ngôi sao (quỹ lương của Barca hiện cao nhất thế giới).

Liệu Arsenal có thay đổi quan điểm theo hướng Usmanov đã đề ra? Điều này sẽ được thể hiện qua tương lai của Cesc FabregasSamir Nasri. Hai cầu thủ này là biểu tượng, là niềm tự hào cho chính sách mà Arsenal đang áp dụng. Fabregas được lôi kéo đến từ lò đào tạo của Barca lúc anh chỉ mới 16 tuổi. Nasri được mua về với cái giá rất mềm, 12 triệu bảng, khi các đại gia châu Âu chưa quan tâm đến anh. Dưới sự chỉ đạo, huấn luyện của Wenger, Fabregas đã trở thành tiền vệ hàng đầu châu Âu trong khi Nasri hiện đã thuộc đẳng cấp cao.

Fabregas hiện 24 tuổi còn vào ngày 26/6 tới đây, Nasri cũng chừng ấy tuổi. Trong bóng đá hiện đại, đó mới là độ tuổi đẹp nhất của sự nghiệp (chứ không phải 27, 28 như trước đây). Bao năm đào tạo, hướng dẫn, Arsenal chỉ chờ đến ngày họ cống hiến tài năng, phong độ đỉnh cao. Nhưng nếu để mất họ, kế hoạch và chiến lược của Arsenal sẽ phá sản.

Để giữ chân được bộ đôi này, Arsenal phải thay đổi. Họ phải đáp ứng được những yêu cầu quan trọng nhất của cầu thủ. Thứ nhất là chấp nhận phá vỡ cơ cấu lương hiện tại, tăng lương cho họ lên tầm những ngôi sao của Premier League. Thứ hai là phải đưa về sân Emirates những gương mặt đẳng cấp cao, đủ giúp đội bóng cạnh tranh các danh hiệu. Tiền bạc và danh hiệu là hai thứ quan trọng nhất của cầu thủ.

Nếu Arsenal không thay đổi, Fabregas lẫn Nasri sẽ chẳng được gì nếu tiếp tục ở lại Emirates. Những ngôi sao khác sẽ noi gương họ. Và khi ấy, Arsenal chẳng khác gì sân sau của các đội bóng lớn.

Đ.Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link