Khiếu kiện hợp đồng VFF-AVG: Một câu hỏi lớn…

15/03/2012 09:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH)- Không ai cảm thấy ngạc nhiên khi khiếu nại của VPF về kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL liên quan tới bản hợp đồng VFF-AVG bị Thanh tra Bộ từ chối. Lý do đơn giản là bởi trước khi công bố kết luận thanh tra, Bộ VH-TT&DL đã cẩn thận tham khảo ý kiến của Bộ Thông tin&Truyền thông và Bộ Tư pháp, và cả 2 Bộ này đều xác nhận rằng bản hợp đồng VFF-AVG là không trái pháp luật.

Thế nên, nếu VPF có không hài lòng với câu trả lời của Thanh tra Bộ VH-TT&DL và tiếp tục khiếu nại với các cơ quan quản lý Nhà nước khác thì dám chắc kết quả cũng vẫn không thay đổi, bởi bản hợp đồng VFF-AVG đã được xem xét rất kỹ dưới góc độ pháp luật cũng như các quy định đặc thù của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

Đấy còn chưa kể tới chuyện bản thân trong nội bộ HĐQT VPF cũng không tán thành 100% với việc để VPF tiếp tục khiếu nại về bản hợp đồng VFF-AVG, mà bằng chứng là 3 thành viên của VFF trong HĐQT VPF đã làm công văn để phản đối động thái này của VPF. Chưa hết, mới đây sau khi AVG đạt được thỏa thuận với VTV, VTC về việc hợp tác khai thác thương quyền truyền hình bóng đá VN thì sự phản đối của VPF lại càng trở nên lạc lõng.



Một giải đấu mà vòng nào hầu như cũng xảy ra sự cố như V-League hiện tại mà muốn giá bản quyền truyền hình lên tới hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng một năm thì đúng là chuyện viễn tưởng. Ảnh: VSI

Nói thế là bởi tuy AVG chưa coi VPF là đối tác có đủ tư cách pháp lý để đàm phán về thương quyền truyền hình, nhưng trên thực tế những yêu cầu mà VPF đặt ra trong cuộc làm việc với AVG đều được AVG thực hiện một cách rất nghiêm túc.

VPF muốn để VTV được tạo điều kiện truyền hình tối đa? AVG và VTC mỗi đài chỉ nhận sản xuất 30% số trận đấu bóng đá, còn 40% thuộc về VTV và VTV còn được ưu tiên bốc thăm chọn trận, như thế có phải “VTV được tạo điều kiện truyền hình tối đa” hay không?

VPF muốn tăng giá trị hợp đồng? VTV, AVG, VTC nhất trí tăng giá trị hợp đồng thương quyền từ 6 tỷ lên thành 10 tỷ/năm và chỉ chờ VFF gật đầu là sẽ thực hiện.

VPF muốn giảm thời hạn hợp đồng? AVG đã đề nghị VTV và VTC ký hợp đồng hợp tác khai thác thương quyền trong thời hạn tùy thích, và kể cả một năm cũng được, nhưng chính 2 Đài truyền hình này lại muốn ký dài hạn.

Với những gì mà VTV, AVG và VTC vừa thỏa thuận, lợi ích của bóng đá VN và người hâm mộ VN chắc chắn sẽ được bảo đảm, vì số tiền bản quyền truyền hình chia cho các đội bóng sẽ được tăng lên, số trận đấu được phát sóng trực tiếp ở mỗi vòng sẽ ở mức tối đa và lại tiết kiệm được rất nhiều kinh phí vì 3 bên VTV, AVG, VTC cùng chia nhau phối hợp thực hiện sản xuất.

Trong điều kiện hiện tại của bóng đá VN  thì bản quyền truyền hình trị giá 10 tỷ đồng/mùa thậm chí còn có thể coi là nhiều, bởi một giải đấu đã sắp hết lượt đi đến nơi mà mọi chuyện còn nháo nhào lộn xộn từ trên xuống dưới, khiến người trong cuộc kêu than oán thán không ngớt, còn dư luận thì chán nản buồn phiền, thì lấy gì để mà đòi hỏi con số nhiều hơn?!

Cần nhớ rằng bóng đá chuyên nghiệp VN đang đi theo một con đường không giống với bóng đá chuyên nghiệp ở nhiều nước, nên nếu cứ đòi hỏi bản quyền truyền hình phải cao tới mức đủ để nuôi sống các đội bóng thì đúng là chuyện vớ vẩn. Chi phí trung bình để nuôi một đội bóng vào khoảng từ 50 tỷ đến 100 tỷ đồng/mùa giải, nếu nhân con số này với 28 CLB V-League và hạng Nhất để từ đó quy ra con số mà các nhà đài phải trả để đổi lấy bản quyền truyền hình thì dám chắc bóng đá VN sẽ rơi vào cảnh “đá cho nhau xem”, vì chẳng ai bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng một năm để mua bản quyền một giải đấu mà khán đài luôn trong tình cảnh “chùa Bà Đanh”, còn dưới sân thì toàn chuyện chướng tai gai mắt.

Thế thì VPF có nên tiếp tục khiếu kiện hợp đồng VFF-AVG dưới lá cờ “vì bóng đá VN, vì người hâm mộ VN” nữa hay không?

Hoàng Huy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link