(TT&VH) -
Đó là ý kiến của ông Hoàng Vĩnh Giang, phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á kiêm phó Chủ tịch UB Olympic Việt Nam.Ông Giang phân tích: Mục đích ký hợp đồng mua bản quyền truyền hình 20 năm thì AVG đã giải thích rất rõ ràng rồi. Mua trong 20 năm, nhưng chia thành từng giai đoạn 5 năm một lần sẽ xem lại về giá trị hợp đồng hợp tác (có thể ± 20%) là một phương án tốt. Vì sao? Vì bấy lâu nay nhiều LĐ thể thao để bản quyền truyền hình “mốc meo” ra, tự dưng bây giờ có người xông vào mua, lại mua dài hạn như thế thì sao lại không bán? Thể thao là một hoạt động xã hội, nó có thể tiến, có thể lùi, có thể lên, mà cũng có thể xuống, không ai lường trước được tương lai sẽ ra sao. Lần đầu tiên AVG ra mắt ở Bộ VHTT&DL, tôi là người chất vấn AVG nhiều nhất về vấn đề thời hạn hợp đồng. Nhưng sau đó qua làm việc, tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi thấy đề nghị này của AVG là tốt cho thể thao Việt Nam. Từ trước tới nay chưa có một nhà đài nào đặt vấn đề hoành tráng và dài hơi như thế.
Ông Hoàng Vĩnh Giang, TTK UB Olympic VN |
Theo tôi biết, hiện nay AVG mới hoàn thành phát sóng thử nghiệm, họ còn phải tiếp tục đầu tư lớn. Ký dài hơi 20 năm như thế là rất có cơ sở để khai thác, thu hồi vốn và phát triển, nhưng cũng phải chấp nhận một thời gian dài ban đầu sẽ bị lỗ.
Cùng ý kiến này với ông Hoàng Vĩnh Giang, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó Tổng Thư ký LĐ Điền kinh Việt Nam thẳng thắn cho biết: Có một thực tế là muốn lên truyền hình, nhiều LĐ phải mất tiền, thậm chí chi tiền rồi mà vẫn không chủ động được thời gian phát sóng, khiến LĐ rất bị động khi đàm phán với đối tác. Ký hợp đồng dài hạn, chúng tôi sẽ chủ động được thời gian, thời lượng phát sóng để đàm phán với nhà tài trợ.
Điền kinh vẫn là LĐ còn nhiều khó khăn so với bóng chuyền, bóng đá... Chúng tôi từng tổ chức một số giải thi đấu điền kinh quốc tế ở trong nước và qua các giải này chúng tôi nhận thấy truyền thông là khâu hết sức quan trọng quyết định thành công của giải. Truyền thông có tốt thì mới kêu gọi được tài trợ. Qua việc hợp tác với AVG, hình ảnh của các HLV, VĐV cũng sẽ được khai thác, phản ánh về nhiều mặt; để công chúng hiểu rõ hơn những đóng góp, cống hiến, cũng như những khó khăn, vất vả trong quá trình khổ luyện của họ để đạt được những thành tích cao cho Tổ quốc… Một số bộ môn đến nay vẫn chưa thành lập được Liên đoàn (ví dụ như Karate, Wushu, Vật, Đua thuyền…), AVG cũng đã đặt vấn đề tài trợ hoặc giới thiệu nhà tài trợ cho việc thành lập và hoạt động của các LĐ này. Đó sẽ là những cái “được” lớn nhất cho TTVN.
Tuy nhiên không phải là không còn băn khoăn từ một số LĐ, đơn cử như LĐ Bóng bàn. Ông Phạm Đức Thành, TTK LĐ cho biết: Băn khoăn của tôi là BCH LĐ nhiệm kỳ chỉ có 5 năm, nếu ký HĐ 20 năm thì có còn thuộc quyền hạn của BCH LĐ hay không? Có ý kiến nói về sự kế thừa, nhưng theo tôi, người ta kế thừa về tôn chỉ, mục đích của LĐ, còn đối với các HĐ kinh tế thì tôi cũng chưa hiểu luật pháp quy định như thế nào?
Về vấn đề này, ông Hùng “điền kinh” lại có ý kiến khác: Trước kia, quyền ký hợp đồng 20 năm từng là vướng mắc lớn của LĐ Điền kinh, nhưng qua tìm hiểu thì về mặt pháp lý, các LĐ hoàn toàn được phép.
Điều này lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng khẳng định và cho các LĐ quyền chủ động đàm phán. Ông Hoàng Vĩnh Giang có một lời khuyên gửi các LĐ: Rõ ràng là hiện nay tình trạng bản quyền truyền hình ở VN đang bị đóng băng. Cách đây không lâu VFF (LĐ bóng đá) bán được mấy chục triệu tiền bản quyền đã ầm lên là thành công rồi. Nhưng phải nói thật, giá này quá “bèo” so với giá trị thực của nó. Bây giờ có người mua trường kỳ hình ảnh của anh, giúp anh có thể thu được nhiều tài trợ hơn, làm cho chương trình thể thao được nhiều người biết đến. Vì vậy, các LĐ nên cân nhắc và đi đến quyết định sớm, sau mỗi 5 năm, hai bên vẫn có thể điều chỉnh mức giá sao cho hài hòa, hợp lý. Bản quyền truyền hình dứt khoát phải bán. Nếu không quyết ngay từ bây giờ, để đến khi các chương trình thể thao của AVG phát huy hiệu quả, thì lúc ấy các điều kiện ký kết có khi sẽ khác đi, và như vậy cũng không có gì chắc chắn là các LĐ sẽ được lợi hơn.