21/12/2011 13:03 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Như số báo ngày hôm qua của TT&VH đã phản ánh, hầu hết đại diện các đội bóng khi được TT&VH hỏi ý kiến về vấn đề bản quyền truyền hình V-League hiện nay đều tỏ thái độ không quá mặn mà. Đấy cũng là điều không khiến ai cảm thấy ngạc nhiên, bởi mới cách đây một tuần, tại Đại hội cổ đông lần đầu tiên của VPF, những người nêu ý tưởng sáng lập Công ty này, mà tiêu biểu là ông bầu Nguyễn Đức Kiên của CLB bóng đá Hà Nội, đã một lần nữa xác nhận lại rằng VPF ra đời với mục tiêu “là làm sao để điều hành giải tốt hơn, bóng đá có chất lượng hơn và vì sự phát triển của bóng đá VN”.
Nói một cách khác, tổ chức thi đấu để V-League và giải hạng Nhất QG diễn ra thực sự nghiêm túc, công bằng và minh bạch mới là ưu tiên số một của VPF và đấy cũng là điều mà các đội bóng chờ đợi khi thống nhất biểu quyết cho sự ra đời của VPF. Vì thế, thật ngạc nhiên khi thời điểm khởi tranh V-League và giải hạng Nhất mùa giải 2012 đã rất cận kề, nhưng VPF lúc này lại chưa tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm và đã gây nhức nhối dư luận từ nhiều mùa bóng vừa qua như tình trạng “một ông chủ, 2 đội bóng”, tình trạng hỗn loạn trên thị trường chuyển nhượng cả nội lẫn ngoại…
Nếu tính tổng cộng của tất cả các đài trung ương và địa phương thì số trận đấu của V-League
được truyền hình trực tiếp trong năm 2011 lên tới 177 trận - tăng 53% so với năm 2010 (116 trận). Ảnh: VSI
Thay vào đó, sự chú ý của một bộ phận không nhỏ dư luận đang được dẫn dắt một cách khéo léo vào cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình, mà suốt từ trước tới giờ mới chỉ có bầu Kiên lên tiếng quyết liệt để yêu cầu xem xét lại bản hợp đồng có thời hạn 20 năm mà VFF đã ký với AVG, còn “nhân vật chính” trong cuộc tranh cãi này là AVG tuyệt nhiên vẫn chưa đưa ra bất cứ phát ngôn nào.
Thống kê của TT&VH cho thấy, kinh doanh bóng đá nội trên truyền hình tại VN đã, đang và sẽ tiếp tục lỗ, bởi chỉ cần nhìn vào số lượng khán giả tới sân đang giảm dần đều qua 3 mùa giải gần đây nhất thì cũng có thể đoán ra phần nào tỷ lệ CĐV theo dõi trực tiếp bóng đá qua truyền hình, nhất là trong hoàn cảnh các fan VN đang được truyền hình thể thao phục vụ tận răng với những bữa tiệc bóng đá quốc tế thịnh soạn.
Thất bại của ĐT U23 VN ở SEA Games 26 vừa qua lại càng khiến cho bóng đá VN trở nên kém hấp dẫn thêm nữa trong con mắt người hâm mộ, và khi mà bản thân những ông chủ sáng lập ra VPF đều thừa nhận họ không hy vọng sự ra đời của VPF sẽ giúp bóng đá VN cải biến chất lượng ngay tức khắc thì chuyện kéo khán giả trở lại sân bóng lúc này là chuyện không hề đơn giản.
Thế mà lúc này người ta lại nghĩ tới việc xem xét bản hợp đồng truyền hình giữa VFF và AVG như là một nhiệm vụ ưu tiên, trong khi còn rất nhiều vấn đề quan trọng hơn đang chờ VPF giải quyết. Đồng ý là thời hạn 20 năm của bản hợp đồng giữa AVG và VFF là quá “khủng” và chưa có tiền lệ, nhưng nếu một khi cả VFF, VPF và AVG đều vì sự phát triển của bóng đá VN để làm kim chỉ nam hành động thì chẳng có khó khăn nào là chẳng thể giải quyết.
Năm ngoái, cuộc thương thảo về bản quyền truyền hình giữa các đài truyền hình lớn với đơn vị nắm giữ bản quyền là AVG cũng kéo dài cho tới sát ngày khai mạc giải, nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy, khi mà khán giả cả nước vẫn được theo dõi trực tiếp V-League và giải hạng Nhất qua truyền hình, thậm chí với số lượng trận đấu được tường thuật trực tiếp nhiều chưa từng thấy (tăng 53% so với năm 2010), bởi sự xuất hiện của AVG đã giúp rất nhiều đài truyền hình địa phương lần đầu tiên được có mặt trong lịch phát sóng trực tiếp hàng tuần của V-League và giải hạng Nhất.
Không ai muốn bỏ tiền ra mua một món hàng đáng giá rồi chỉ để đó mà đắp chiếu và dám chắc AVG cũng không phải ngoại lệ, và để AVG và các đài truyền hình lớn có diện tích phủ sóng rộng trên toàn quốc sớm đạt được thỏa thuận nhằm cùng phục vụ lợi ích của số đông người hâm mộ mới là điều mà các CĐV chờ mong hơn cả. Lẽ ra với tư cách là đơn vị được tiếp quản quyền sở hữu bản quyền hình ảnh giải VĐQG từ VFF, VPF nên đứng ra làm trung gian xúc tác để quá trình đàm phán này mau chóng đi tới kết thúc tốt đẹp, thay vì lại làm rối tung thêm tình hình bằng cách đòi xem lại hợp đồng để thay đổi các điều khoản đã ký kết.
Hoàng Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất