Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

14/01/2011 11:05 GMT+7 | Thế giới

Tại phiên họp chiều 13/1 Đại hội XI của Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua trình bày tham luận vấn đề “Về kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế."

Dưới đây xin trích giới thiệu bài tham luận trên.

Ông Nguyễn Văn Đua, Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tham luận tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Từ thực tiễn hoạt động kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể hóa và nhấn mạnh 5 nhóm chính sách và giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế:


Thứ nhất, cần đổi mới tư duy về chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước thông qua việc sử dụng công cụ kế hoạch hóa phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường. Đổi mới công tác kế hoạch nhằm xác định rõ những nội dung kinh tế-xã hội mà mỗi cấp chính quyền cần hoạch định; đồng thời tính toán sự cân đối các nguồn lực tương ứng với các mục tiêu đã xác định nhằm định hướng cho thị trường phát triển.

Đổi mới công tác kế hoạch và quy hoạch thực chất là xác định lại vai trò của Nhà nước trong suốt quá trình dẫn dắt thị trường phát triển theo mục tiêu của mình. Do đó, một trong các nhiệm vụ quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch là chỉ dẫn và dự báo các nhân tố ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển nhằm định hướng hoạt động cho doanh nghiệp.

Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cần tập trung vào các chỉ tiêu phát triển bền vững như các chỉ tiêu về an sinh xã hội, môi trường vì các chỉ tiêu kinh tế xét cho cùng chỉ là phương tiện, chính các chỉ tiêu về an sinh xã hội mới là mục tiêu của phát triển. Đề nghị sớm xây dựng đạo luật về kế hoạch hóa trong đó xác định rõ nội dung: Làm gì, làm cách nào, vào lúc nào và ai làm đối với từng cấp chính quyền có đặc điểm khác nhau (đô thị, nông thôn)…

Trong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của nhà nước; chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp (trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh) chứ nhà nước không “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, sẽ xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sử dụng các công cụ hỗ trợ thị trường.

Thứ hai, sử dụng hiệu quả công cụ chính sách kinh tế-tài chính để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Trong các chính sách kinh tế-tài chính cần có sự đổi mới các chính sách về thuế, phí, đất đai, đầu tư công, cung ứng dịch vụ công... nhằm khuyến khích có điều kiện để thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và hình thành những “cụm liên kết sản xuất” nhằm chuyển nền công nghiệp từ gia công sang sản xuất.

Kinh nghiệm của nhiều nước thành công trong việc chuyển nền kinh tế từ giai đoạn gia công sang giai đoạn sản xuất là sử dụng linh hoạt và hiệu quả chính sách thuế để định hướng đầu tư cho doanh nghiệp.

Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư kinh doanh thông qua các chính sách sử dụng đất, hỗ trợ tín dụng.... hiệu quả nhưng vẫn còn hạn chế chính sách chung ở tầm vĩ mô. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Quyết định liên quan đến mô hình công-tư đối tác (PPP) là rất cần thiết nhưng cần được xem xét ở khung pháp lý cao hơn vì có liên quan đến chính sách thuế và đất đai.

Thứ ba, sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước như công cụ để khắc phục và hạn chế những khuyết tật của thị trường. Mô hình kinh tế thị trường luôn luôn tồn tại những khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó mà chúng ta thường gọi là mặt trái của thị trường. Năng lực quản trị có hiệu quả của một nhà nước thể hiện ở khả năng sử dụng các công cụ để hạn chế những hệ quả tiêu cực do các “khuyết tật” đó gây ra.

Sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước chính là “tái cấu trúc” lực lượng này để làm tốt vai trò tham gia điều tiết thị trường, cung cấp tốt các loại “hàng hóa và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Do đó, có những lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước như cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng; các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, đầu tư cho thị trường bất động sản sơ cấp, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao. Nhà nước cần phải thể hiện quyết tâm chính trị trong đầu tư phát triển chứ không phải để mặc doanh nghiệp nhà nước cân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuần.

Thứ tư, chuyển từ cơ cấu kinh tế địa phương sang cơ cấu kinh tế vùng. Trong giai đoạn tồn tại nền kinh tế kế hoạch hóa, nhiều tỉnh đã từng được mở rộng về quy mô diện tích để xây dựng thành những nền kinh tế có cơ cấu hoàn chỉnh (công-nông nghiệp), nhưng khi chuyển qua kinh tế thị trường, tư duy cơ cấu kinh tế tỉnh vẫn không mấy thay đổi, dù nhiều tỉnh đã được chia tách nhỏ hơn. Trong khi đó, chúng ta hình thành các vùng kinh tế, đặc biệt là ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền nhưng trên thực tế vẫn chưa có chính sách và cơ chế vận hành để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Tình trạng trên dẫn đến sự phân tán nguồn lực sản xuất quốc gia, đầu tư công và cả đầu tư tư nhân cũng bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm không có được sức mạnh của liên kết vùng. Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn ở quy mô nền kinh tế quốc gia và các vùng kinh tế để có sự liên kết về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương.

Thực tiễn đối với Thành phố Hồ Chí Minh, với vị trí địa lý và quá trình phát triển trong lịch sử có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và trong phạm vi hẹp hơn, Thành phố đã và đang là “hạt nhân” trong mối quan hệ “mang tính cơ cấu” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nếu có chính sách thúc đẩy và cơ chế điều hành phù hợp sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị bền vững cho cả Vùng; đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của cả miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị trong khuôn khổ tổ chức hệ thống chính quyền địa phương theo hướng mở rộng tính tự chủ và chịu trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao hiệu năng quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đặc biệt là quản lý đối với các đô thị trong hệ thống tổ chức chính quyền địa phương các cấp của Việt Nam, cần phải đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng: Nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm toàn bộ, có thẩm quyền đầy đủ như tự quyết, tự quản đối với công việc được giao; không trùng lắp nhiệm vụ do Trung ương thực hiện với nhiệm vụ được giao cho địa phương thực hiện và công việc giữa các cấp chính quyền trong phạm vi một địa phương với nhau... nhằm tránh sự đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo, lẫn lộn, cản trở trong hoạt động.

Khi đã tạo ra sự chủ động cho chính quyền cấp dưới thì nhiệm vụ chính yếu của chính quyền cấp trên là ban hành các quy định và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của cấp dưới. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa mô hình phân cấp hiện hành với mô hình tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương.

Việc phân cấp cần dựa trên nguyên tắc thống nhất của nền hành chính quốc gia, bảo đảm tính chất của một Nhà nước đơn nhất nhưng phải đề cao tính tự chủ của địa phương trên nền tảng lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh của các địa phương, các vùng kinh tế và các đô thị.

Để thích ứng với đặc điểm của cơ chế thị trường và mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường, xu hướng chung của thế giới là mở rộng quyền tự quản về ngân sách và cung cấp dịch vụ đô thị của chính quyền các đô thị. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan tới tổ chức chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền đô thị theo hướng làm rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo đã được đề ra từ Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link