Bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam: "Có thể bảo tồn di sản văn hóa bằng văn hóa đọc"

23/01/2025 10:26 GMT+7 | Văn hoá

Diễn ra tại Đà Nẵng, Huế, Hà Nội và TP.HCM từ 18 - 21/1 vừa qua, Đêm đọc sách 2024 là sự kiện do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức. Với chủ đề "i sản", chương trình đưa ra một cách tiếp cận thú vị: Mong muốn khơi gợi những giá trị của di sản văn hóa đối với các bạn trẻ Việt Nam thông qua văn hóa đọc.

Trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động văn hóa tại Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, cho biết:

- Chúng tôi cảm thấy có mối liên hệ thực sự giữa việc đọc và việc bảo tồn di sản văn hóa, nên đã quyết định chọn chủ đề "Di sản" cho chương trình Đêm đọc sách năm nay.

Và trong buổi đọc sách diễn ra tại Hà Nội, khi cho các em học sinh đọc sách về Tết, về các món ăn truyền thống trong dịp này, về những gì chúng ta có thể làm ra từ cây tre, chúng tôi đã nhận thấy rất rõ: Di sản văn hóa thực sự có thể được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ trẻ thông qua việc đọc sách, đọc truyện tranh hoặc các loại ấn phẩm khác.

Bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam: "Có thể bảo tồn di sản văn hóa bằng văn hóa đọc" - Ảnh 1.

Sophie Maysonnave, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam

* Như bà từng chia sẻ, việc gắn kết giữa văn hóa và đọc sách tại Pháp cũng rất mạnh mẽ?

- Đúng là ở Pháp, mối liên hệ giữa văn hóa và việc đọc rất quan trọng. Chúng tôi luôn cố gắng khuyến khích cả người già và người trẻ quan tâm đến văn hóa thông qua việc đọc.

Ví dụ, để làm được điều này, chúng tôi có thẻ tham gia các hoạt động văn hóa (Pass culture) được Nhà nước cấp cho mỗi thanh niên dưới 25 tuổi. Họ được sử dụng số tiền trong thẻ cho mục đích văn hóa như mua sách, đi bảo tàng hoặc tham dự buổi hòa nhạc. Đây là cách chúng ta dạy những người trẻ quan tâm đến văn hóa ngay từ khi còn rất nhỏ và rất sớm, để khi lớn lên, họ sẽ chủ động dành thời gian quan tâm đến văn hóa nhiều hơn.

 Một ví dụ khác, các em học sinh từ nhỏ đã được đưa đến các nhà hát, bảo tàng, các buổi triển lãm để khơi dậy niềm yêu thích văn hóa. Thêm nữa, việc đưa các em đến thư viện, thư viện đa phương tiện cũng góp phần khơi gợi niềm đam mê đọc sách.

Bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam: "Có thể bảo tồn di sản văn hóa bằng văn hóa đọc" - Ảnh 2.

"Đêm đọc sách" 2024 diễn ra tại Hà Nội

* Vậy theo bà, Việt Nam nên có những hoạt động nào để giúp giới trẻ hiểu thêm về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng thông qua đọc sách?

- Trước hết, tôi rất ấn tượng với sự phong phú của văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi thấy giới trẻ tại Việt Nam cũng rất quan tâm đến văn hóa của mình, từ phim ảnh, đời sống đến cách ăn mặc vào dịp Tết chẳng hạn. Điều này chính là cơ hội để chúng ta thúc đẩy sự quan tâm của họ với văn hóa nói chung, di sản nói riêng bằng nhiều hoạt động mở rộng khác, trong đó có đọc sách.

* Trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội đang chiếm ưu thế, đọc sách đơn thuần sẽ không thể hấp dẫn bằng những cách kết hợp với ứng dụng của công nghệ số. Bà nghĩ sao?

- Đúng là công nghệ và mạng xã hội chiếm rất nhiều thời gian và đôi khi ngăn cản một số thế hệ dành thời gian để trau dồi và học hỏi tri thức, văn hóa. Nhưng công nghệ cũng là một loại công cụ để tiếp cận văn hóa. Như ở Viện Pháp, chúng tôi đã mua máy đọc sách điện tử. Đây là phương tiện rất hữu ích và tiện lợi cho các bạn trẻ.

Bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam: "Có thể bảo tồn di sản văn hóa bằng văn hóa đọc" - Ảnh 3.

 * Theo lời bà, văn hóa đọc là cơ hội kết nối với di sản dân tộc và cũng là dịp mở rộng kiến thức về di sản thế giới. Vậy, nên làm thế nào để cân bằng giữa việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc và tiếp nhận các giá trị văn hóa toàn cầu?

- Tôi nghĩ, thực tế hoàn toàn không có sự mâu thuẫn giữa việc coi trọng di sản văn hóa quốc gia và tiếp nhận các giá trị văn hóa toàn cầu ở mỗi người.

Chẳng hạn, khi tham dự buổi ra mắt bộ truyện tranh mang tên Sống (NXB Kim Đồng) kể về câu chuyện của một người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi thấy đây là câu chuyện thực sự làm nổi bật văn hóa Việt Nam nhưng được thể hiện qua hình thức truyện tranh hiện đại.

Vừa qua, Viện Pháp tại Việt Nam cũng tổ chức các khóa học và lớp học vẽ truyện tranh tại Trường Đại học Mỹ thuật với ý tưởng là sử dụng các kỹ thuật hiện đại được ưa chuộng trên toàn thế giới, chẳng hạn như truyện tranh, để quảng bá văn hóa Việt Nam.

Nhìn chung, trong thế giới ngày nay, mỗi quốc gia đều đặt trọng tâm vào việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa riêng của mình. Mặc dù điều này có vẻ như mâu thuẫn, nhưng chính từ sự khác biệt đó, chúng ta lại có thể tìm thấy những điểm chung. Đây chính là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến khi hợp tác với bạn bè Việt Nam.

Bà Sophie Maysonnave - Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam: "Có thể bảo tồn di sản văn hóa bằng văn hóa đọc" - Ảnh 4.

Đêm đọc sách 2024 diễn ra tại Huế

* Vậy theo bà, các hoạt động như "Đêm đọc sách" có thể trở thành một phần trong chiến lược bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Việt Nam không? Xa hơn, phía Viện Pháp có thể hợp tác thêm những gì với Việt Nam trong tương lai để phát triển hoạt động này?

- Đúng là chúng tôi thực hiện điều này thông qua Đêm đọc sách. Nhưng Viện Pháp tại Việt Nam cũng đã và đang có nhiều hợp tác nhiều năm với Việt Nam để quảng bá di sản của đất nước các bạn. Có thể kể đến việc sáng kiến tổ chức Liên hoan nghệ thuật quốc tế Huế (Festival Internationale Hue) 20 năm trước cũng đến từ Pháp và sau đó được chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện.

Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp và Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp với Huế tổ chức Lễ hội ánh sáng. Chương trình này được thực hiện với mục đích làm nổi bật di sản văn hóa Việt Nam, cố đô Huế, thông qua việc trình chiếu video mapping kèm theo nhạc Việt Nam và Pháp. Chương trình này thực sự thành công với hơn 12 triệu lượt xem trên các nền tảng.

Hoặc, cũng trong năm 2023, chúng tôi cùng thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Photo Hanoi - Biennale nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên. Năm nay, sự kiện Biennale sẽ trở lại Hà Nội vào tháng 11. Tại sự kiện này, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng bá di sản lịch sử Việt Nam thông qua một triển lãm tại Văn Miếu, với những bức ảnh chụp các cuộc thi tuyển quan lại cuối thế kỷ XIX.

* Cuối cùng, bà có thể nói về tầm quan trọng của văn hóa đọc với giới trẻ  Việt Nam?

- Đọc thực sự là công cụ cơ bản để tiếp cận văn hóa. Đây là bước đầu tiên và cần thiết để chúng ta nuôi dưỡng trí tưởng tượng và tiếp cận với văn hóa toàn cầu. Để giúp trẻ quen với việc đọc sách, trước tiên bạn hãy đọc truyện cho trẻ nghe, sau đó cho trẻ xem sách thiếu nhi, sách minh họa và khuyến khích trẻ đọc sách, điều này sẽ nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ. Trẻ em chăm đọc sách sẽ sáng tạo hơn nhiều so với những đứa trẻ dành cả ngày nhìn vào màn hình điện thoại hoặc máy tính.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Đêm đọc sách là sự kiện thường niên do Trung tâm Sách Quốc gia tổ chức tại Pháp theo sáng kiến của Bộ Văn hóa Pháp, đã mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu thông qua mạng lưới các trung tâm văn hóa và Viện Pháp. Chương trình được tổ chức tại Việt Nam thông qua Viện Pháp tại Việt Nam từ năm 2017.

Ngọc Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link