Bếp lửa của người vùng cao Bắc Hà

09/03/2009 15:56 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Thuở nhỏ tôi đã được nghe câu chuyện về thần Prômêtê lấy trộm lửa của nhà trời đem cho loài người, giúp loài người phát triển và cũng từ đó ngọn lửa trở thành một trong những biểu tượng của sự sống con người. Từ thế hệ này qua thế hệ khác con người giữ và truyền lửa cho nhau…


Bếp lửa của người vùng cao Bắc Hà - Hà Mạnh Dũng
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 12/03/2009


Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao ở Bắc Hà (Lào Cai) nơi mà mùa đông phải vùi mình trong sương muối và giá rét thì ngọn lửa trong căn bếp không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn thể hiện sự chống chọi mãnh liệt của con người với thiên nhiên khắc nghiệt. Chiều tối đứng trên cao nguyên Bắc Hà nhìn về phía thung lũng sông Chảy thấy trên khắp các triền núi những ánh lửa chiếu từ căn nhà của người vùng cao như những con đom đóm khổng lồ nối từ dãy núi này đến dãy núi kia càng làm cho núi rừng hùng vĩ bao nhiêu thì càng thấy sự sống của đồng bào nơi đây mãnh liệt bấy nhiêu.

Những làn khói bay lên từ mái nhà hòa vào sương núi khiến người ta dễ cảm thấy buồn nhưng riêng tôi lại thấy vui bởi dưới làn khói kia là hơi ấm của bếp lửa. Trong mỗi căn nhà truyền thống của người Tày, Nùng hay Mông, Hà Nhì…kiến trúc có thể khác nhau nhưng đều có một điểm chung là bếp lửa được đặt ở giữa nhà hoặc lệch về một góc sao cho ánh nắng chiều không chiếu thẳng vào giữa bếp và quan trọng hơn quanh bếp phải có một khoảng rộng. Đối với đồng bào các dân tộc vùng cao nơi này, bếp lửa không chỉ là nơi dành cho phụ nữ nấu đồ ăn, thức uống mà còn là nơi để tiếp khách chính điều đó đã tạo nên một nét đẹp trong văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây. Bếp lửa đối với họ còn là nơi thiêng liêng thờ vua bếp, thần lửa do vậy có rất nhiều điều kiêng kị liên quan đến bếp lửa, ngồi cạnh bếp lửa sưởi không được đặt chân lên hoặc xê dịch hòn đá kê làm kiềng vì theo quan niệm của một số dân tộc họn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa. Khi đun nấu đồng bào Tày, Thái, Nùng… đều chú ý đặt quai nồi lên bếp theo chiều dọc của nhà, không đặt theo chiều ngang vì đó là hướng nằm của người chết.
 


Ở vùng đồng bào Mông, Dao... ngồi gần bếp không được quay lưng, khi đưa củi vào bếp không đưa ngọn vào trước vì quan niệm sợ con gái gia chủ sinh ngược…Nhưng trên hết những điều kiêng kị đó, người vùng cao coi bếp lửa là nơi để họ gặp gỡ, chuyện trò bởi giữa không gian của vùng núi cao quanh năm lạnh giá ấy có nơi nào ấm cúng hơn bếp lửa. Đối với họ những bếp ga, bếp điện hiện đại mà người dưới xuôi vẫn dùng dường như là một cái gì đó quá xa lạ. Căn nhà của người vùng cao nơi đây lúc nào cũng ấm cúng bởi bếp lửa lúc nào cũng có ánh than hồng. Bên bếp lửa những người già vẫn kể cho con cháu nghe về bản làng, về dòng họ.. như muốn truyền tiếp ngọn lửa của thế hệ cha ông cho thế hệ sau.

Vào dịp lễ tết ngồi quanh bếp lửa người ta cùng chúc nhau cho bản làng ấm no, mùa màng tươi tốt, ngọn lửa nhỏ trong bếp của nhảy nhót chia vui với chủ và khách. Bếp lửa không cháy bùng lửa nhưng than lúc nào cũng rực hồng, hơi ấm của bếp lửa hòa cùng hơi ấm của những chén rượu ngô thơm nức. Bếp lửa trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Tôi đã có dịp ngồi bên những bếp lửa như thế trong căn nhà sàn rộng rãi mà theo cách nói của người vùng cao là có thể ngồi được 30 mâm cỗ. Căn nhà rộng và thoáng nhưng lúc nào cũng ấm áp mặc cho ngoài trời gió vẫn gào rít.
 

Ông Triệu Văn Chuyên cho biết ông dựng căn nhà này cách đây mấy chục năm rồi và từ đó đến nay ông vẫn đặt bếp lửa ở giữa nhà theo đúng phong tục trước kia. Con cháu cụ muốn chuyến bếp đi chỗ khác mấy lần vì nhìn khói bếp nhuốm đen cả mái nhà nhưng cụ không chịu. Cụ Chuyên nhấp chén nước chè rồi khơi những hòn than cho bếp cháy vừa đủ ấm, cụ bảo trước đây khi chăn không đủ ấm, quần áo không đủ mặc nếu không có bếp lửa thì làm sao qua được mùa đông ở vùng núi đá này, ăn cơm cũng ngồi quanh bếp, tiếp khách cũng ngồi quanh bếp…chỉ trừ lúc đi ngủ và đi nương rẫy còn lúc nào cũng ngồi bên bếp lửa bây giờ bỏ đi trống trải lắm. Những cây củi khô bén lửa, cháy đượm khiến bụi tro bay lên mái tóc bạc, mắt ông cụ đỏ hoe bởi làn khói nhỏ, cụ nói tiếp bây giờ nhiều ngôi nhà ở đây người ta không còn làm bếp trong nhà chính nữa chỉ khổ người già thôi lạnh thế này ngồi trong nhà mà không có bếp chịu sao nổi.

Nói đến bếp lửa của người vùng cao không phải chỉ nói đến bếp lửa với thanh củi và hòn than rực lửa mà nói đến cả không gian bếp lửa trong những căn nhà truyền thống với những cuộc trò chuyện quây quần. Bếp lửa tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình cả hơi thở cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao. Bởi vậy mà người ta nói bếp lửa cũng có lúc vui lúc buồn, khi vui ngọn lửa cũng nhảy nhót và khi buồn nó cũng chỉ nhưng ngọn đèn dầu mà thôi, bếp lửa buồn thì dẫu có cháy cũng chẳng xua đi được cái lạnh giá.

Hà Mạnh Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link