Bài 1: Hollywood vắng bóng - châu Á lên ngôi

24/05/2010 07:00 GMT+7 | Phim

LHP Cannes: Những góc nhìn 2010

Một phần quan trọng của điện ảnh thế giới bên cạnh Oscar và phim Hollywood chính là LHP Cannes. Diễn ra từ ngày 12 đến hết 23/5, LHP Cannes 2010 đang thu hút nhiều sự chú ý của giới hâm mộ điện ảnh toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm nay cũng là năm điện ảnh Việt Nam có cuộc ra quân rầm rộ nhất từ trước tới nay ở một LHP tầm cỡ như Cannes.


Chuyên đề tuần này, TT&VH Cuối tuần mong muốn mang tới cho bạn đọc một toàn cảnh LHP Cannes 2010 từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ việc tuyển chọn phim, làn sóng châu Á “lấn át” Hollywood tại Cannes cho đến cách thức tổ chức một LHP quốc tế uy tín...

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG


(TT&VH Cuối tuần) - Năm nay, tuy vẫn có nhiều tên tuổi lớn của điện ảnh Hollywood xuất hiện nhưng phim của họ chỉ được giới thiệu mà không tham gia tranh giải trừ một phim tham gia tranh giải Cành cọ vàng, Fair Game của đạo diễn Doug Liman. Thực tế này rất khác với sự thật rằng trong năm 2010 này, cũng như các năm trước, đã có vài trăm phim Mỹ trên tổng số 1.700 phim tham dự đã được nhóm chuyên môn của LHP Cannes xem qua. Các bộ phim Mỹ năm nay quá “yếu” nên không được chọn mặt gửi vàng?

Cannes còn hấp dẫn người Mỹ?

Đây quả là một hiện tượng. Mặc dầu năm nay trưởng ban tổ chức, ông Thierry Frémaux, cũng chính là người đã thành công khi đưa được nền điện ảnh Mỹ vào LHP Cannes từ năm 2004. Trong những năm trở lại đây, cứ đến mỗi kỳ Cannes, ông lại gửi 4 hoặc 5 phim ra tuyển chọn chính thức, và cũng ngần ấy phim cho các chương trình chuyên đề khác. Còn năm nay, chỉ có 2 phim được chọn “chính thức”, ngoài Fair Game kể trên là Blue Valentine của đạo diễn Derek Cianfrance, nhưng chỉ giới thiệu trong thể loại giải thưởng Un Certain Regard (tạm hiểu Một Góc nhìn khác, giải dành cho các bộ phim ở dạng thể nghiệm và mang tính sáng tạo).

Thierry Frémaux phân trần: “Trong những kỳ LHP Cannes trước, đôi khi phim Mỹ quá dư thừa. Nhưng lần này, phim của đạo diễn Terrence Malick, với các diễn viên Sean Penn và Brad Pitt chưa hoàn tất. Còn Restless của Gus Van Sant thì cũng chưa… xong. Nếu không thì chúng tôi đã có được 3 phim Mỹ rồi!”.

Có thể xem đó là một cách lí giải sự “hờ hững” của người Mỹ tại Cannes năm nay. Thierry Frémaux thêm rằng: “Cần phải mất 18 tháng để làm một bộ phim. Mà cách đây 18 tháng, tức vào tháng 10/2008, chúng ta đang trong giữa đợt khủng hoảng nặng nề nhất”. Và các con số thống kê từ tổ chức Motion Picture Association đã chứng minh hiện tượng “thụt lùi” của Hollywood: có 677 phim truyện được sản xuất trong năm 2009 so với 920 phim vào năm 2005, tức giảm đi 26,4% trong vòng 5 năm. Thêm vào đó, cuộc đình công của các nhà viết kịch bản cũng đã khiến lịch quay bị xáo trộn và việc phát hành theo đó cũng chậm lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia sừng sỏ về điện ảnh đã đưa ra một phân tích nghiêm khắc hơn, như lời của Michael Barker thuộc công ty sản xuất và phát hành phim Sony Pictures Classics của Mỹ: “Nhiều hãng phim (Mỹ) đã từ bỏ các thể loại mà trước đây Cannes rất ưa chuộng. Nay họ tập trung vào các bộ phim “bom tấn” hoặc làm tiếp các bộ phim đang thành công”. Sony Pictures Classics là một trong số ít các đơn vị kinh doanh độc lập còn sống sót, bởi đa số các hãng khác tại Mỹ đã phá sản: Warner Independent Pictures và Paramount Vantage đóng cửa; Miramax và MGM đang được rao bán; New Line được sát nhập vào tập đoàn Time Warner. Vậy là, chính việc thay đổi quan điểm và cơ cấu sản xuất phim của người Mỹ, thiên về những bộ phim nhắm đến một đối tượng khán giả rộng rãi hơn, là nguyên nhân khiến Hollywood ít có sẵn phim để gửi đến Pháp lần này.

Vậy, chính xác thì LHP Cannes hấp dẫn người Mỹ đến mức độ nào? Alistair Banks Griffith, một đạo diễn Mỹ gốc Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng “vẫn còn những chân trời mới để khám phá bên ngoài nước Mỹ”, tức ám chỉ Cannes vẫn luôn là một thương hiệu được tôn trọng và được rất nhiều đạo diễn tên tuổi quan tâm. Bộ phim truyện đầu tay của Griffith - Two Gates of Sleep, đã được nhóm chuyên đề Quinzaine des réalisateurs (15 ngày dành cho các đạo diễn) chọn, và Alistair Banks Griffith phấn khích: “Tôi đã quyết định không mang bộ phim này đến LHP Sundance tại Mỹ, mà điều quan trọng hơn đối với tôi, đó là được đến Cannes”.

Cuộc đổ bộ mang tên “châu Á”

Ngược lại với sự hờ hững của Hollywood, những thành công tại sân nhà với những bộ phim chiếu rạp ăn khách, đã góp phần làm dậy lên làn sóng “phim châu Á” tại LHP Cannes lần thứ 63 năm nay. Khởi đầu là bộ phim Trung Quốc Nhật chiếu Trùng Khánh của đạo diễn Vương Tiểu Soái. Đại diện Hàn Quốc thì có The housemaid của đạo diễn Im Sang-soo và Poetry của đạo diễn Lee Chang-dong. Nhật Bản có Yakeshi Kitano với Outrage. Đặc biệt hơn, đó là sự hiện diện của Thái Lan, một Long Boonmee raluek chat của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul đã được chọn tranh giải chính thức.


Cảnh trong phim The housemaid của đạo diễn Hàn Quốc Im Sang Soo
Năm nay, giới phê bình cũng đặc biệt chú ý đến “người khổng lồ” Trung Quốc, một quốc gia có doanh thu từ công nghệ điện ảnh đạt 6,2 tỷ Nhân dân tệ, tăng 44% trong vòng một năm so với cùng kỳ năm ngoái. Và nếu như Avatar của Hollywood đã phá kỷ lục doanh thu tại Trung Quốc, thì nước này cũng thành công với nhiều sản phẩm nội địa. Như bộ phim The Founding of a Republic (Kiến Quốc Đại Nghiệp, tổng đạo diễn Hoàng Kiến Tân), kể lại quá trình ra đời của nước CHND Trung Hoa, quy tụ nhiều diễn viên ngôi sao như Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chương Tử Di,… đã thu về hơn 400 triệu Nhân dân tệ.

Nhìn chung, LHP Cannes năm nay đã diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi. Đầu tiên, một cơn bão đã thổi qua miền Nam nước Pháp, gây thiệt hại vật chất đáng kể cho một vài thành phố ven biển, trong đó có Cannes. Bên cạnh đó, tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ lên kế hoạch làm phim của nhiều hãng nổi tiếng, và theo ông Thierry Fremaux, đây là lý do phần nào giải thích được vì sao lượng phim Mỹ năm nay ít hơn, trong khi điện ảnh châu Á vẫn duy trì được sức bật.

Còn điều nữa cũng phải nhắc đến khi trong nhiều năm qua, điện ảnh châu Á duy trì mức độ xuất hiện của mình ở Cannes ngày càng nhiều và đều đặn. Ông Thierry Fremaux nhận xét rằng: “Tôi nghĩ đến hai trường hợp của Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm nay, Hàn Quốc có hai phim gửi đến tranh giải Cành cọ vàng. Đạo diễn Lee Chang-dong là một gương mặt khá quen thuộc tại Cannes. Bộ phim Peppermint Candy của ông đã từng được chọn từ chuyên đề “15 ngày dành cho các đạo diễn” vào năm 2000, Secret sunshine đã đoạt giải diễn xuất năm 2007. Trung Quốc có đạo diễn Vương Tiểu Soái với Nhật chiếu Trùng Khánh. Đạo diễn họ Vương này đã từng đến tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes vào năm 2005 với Shanghai Dreams và trước đó, từ đầu thập niên 2000, ông đã được biết đến qua bộ phim Beijing bicycle. Có khá nhiều “người quen” châu Á ở Cannes và ngày càng nhiều phim châu Á được đón tiếp tại đây.

Điện ảnh châu Á đã vụt sáng lên trên bầu trời nước Pháp. Cho dù theo nhận định của giới chuyên môn, lý do khách quan về kinh tế đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và phát hành phim của nhiều hãng phương Tây và Hollywood, song suy cho cùng, những bước đi lên của châu Á trong nền nghệ thuật thứ 7, đến nay đã thành công.

Tường Nguyễn

Bài 2: LHP Cannes 2010 đã chọn phim như thế nào?

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link