31/03/2025 07:17 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 29/3/2025, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - tác giả của Bài ca đất phương Nam - rời cõi tạm, tại thế 90 tuổi. Bên cạnh kho tàng âm nhạc dân gian đã sưu tầm, nghiên cứu, ông còn để lại nhiều ca khúc có giá trị đi cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí và nhà thơ Từ Nguyên Thạch - những nghệ sĩ từng có nhiều năm gắn bó với Lư Nhất Vũ - chia sẻ những điều sâu sắc còn đọng lại về nhạc sĩ của Bài ca đất phương Nam, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Hãy yên lòng mẹ ơi, Ra Giêng anh cưới em (viết chung với Lê Giang)...
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí: từ những chuyến sưu tầm dân ca
Với tôi, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trước hết là Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM, còn tôi là nhân viên; nhạc sĩ và nhà thơ Lê Giang có những đợt đi sưu tầm dân ca Nam bộ thì tôi là người trong đoàn đó. Khi chúng tôi đến địa bàn nào đó, thường địa phương hay mời đoàn dân ca hát một bài. Có lúc tôi hát, nhạc sĩ Phan Nhân đệm đàn, tình cảm gắn bó của chúng tôi sâu sắc từ những kỷ niệm nhẹ nhàng như thế.
Vợ chồng nhà thơ Lê Giang - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Ảnh: Nguyễn Á
Tôi luôn mến mộ cả nhà thơ Lê Giang lẫn nhạc sĩ Lư Nhất Vũ qua những ngày tháng làm việc, công tác cùng nhau. Và ngoài ra, cô Lê Giang có người con tên là Lê Anh Trung, là bạn học chung lớp 5 với tôi, vì thế có nhiều thời gian gắn bó với nhau.
Tháng 11 năm ngoái, khi đến thăm nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, tôi vẫn hát cho ông nghe, dù khi đó ông đã nằm trên giường bệnh. Ông vui, nhận ra và gật đầu ra hiệu. Thế nhưng đầu tháng 3 này, khi tôi đến thăm thì ông nằm im lặng, không biết ông còn nhận ra những giai điệu, bài hát của mình không nữa, nhưng tôi vẫn hát bên tai ông.
Với vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ, tôi có một sự trân trọng, tình cảm luôn sâu sắc. Bao nhiêu năm, có bao giờ tôi dám làm gì trái ý ông đâu, bởi vì đó là thủ trưởng, thứ nữa mình là đàn em, đàn cháu trong nghề và cả trong cuộc sống. Có lần tôi chở bà xã đi bằng xe máy từ TP.HCM đến Bình Dương thăm cô chú, lúc ấy ông còn mạnh khỏe. Ông rất vui, còn cầm máy ảnh chụp hình tôi ngồi cạnh nhà thơ Lê Giang. Ngẫm lại, đó là tình cảm được gắn bó lâu bền qua nhiều năm tháng.
Điều tôi học tập được từ Lư Nhất Vũ là tính kiên trì và luôn luôn sâu sát. Ông thuộc thế hệ nhạc sĩ sáng tác, còn tôi theo chỉ huy dàn nhạc. Dù chưa có dịp chỉ huy tác phẩm nào của ông và được chính ông xem (gần đây Lưu Hữu Chí đã vài lần chỉ huy dàn nhạc biểu diễn Bài ca đất phương Nam - PV) nhưng mỗi khi vui vẻ thích hát, thích hò thì tôi vẫn thường hát những bài của ông như "chim kêu, chim kêu bên đường suối gọi, ta lên đường nặng trĩu hai vai", hoặc bài Hãy yên lòng mẹ ơi.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Ảnh: Nguyễn Á
Bài hát này cũng gắn với kỷ niệm của bạn tôi là Lê Anh Trung. Trước khi đi nghĩa vụ, anh đã ôm bố mẹ và nói rằng "Bố mẹ hãy yên lòng!" và đó là ý tưởng để nhà thơ Lê Giang sáng tác bài thơ, nhạc sĩ phổ thành một bài hát rất hay, có ý nghĩa thúc giục tinh thần yêu nước của bao thanh niên lúc bấy giờ và xúc động lòng người mỗi khi cất lên.
Sự nhẫn nại kiên trì của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ thể hiện rõ nhất trong những chuyến đi sưu tầm dân ca. Hình ảnh thường thấy, ông không chỉ lắng nghe, ghi chép, mà chụp hình cẩn thận tất cả những điều mắt thấy tai nghe. Tôi có bức hình tôi đang ngồi trên xuồng, đưa chiếc máy ghi âm một cô hát dân ca, còn nhạc sĩ ở trên bờ chụp hình ghi lại khoảnh khắc ấy với vẻ mặt rất phấn khởi. Thực ra, đây là đức tính mà nhiều người dễ nhìn thấy ở nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từ ngày xưa đến nay…
Chỉ riêng nhìn vào gia tài nghiên cứu dân ca các vùng miền, chuyện đi sưu tầm bốn chục năm để tìm vốn quý dân ca như vậy đã đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vô cùng. Vào giai đoạn đó, chúng tôi là lớp trẻ, đi theo học tập và vô cùng ngưỡng mộ về sự chịu khó của ông. Nhìn vào khối lượng nghiên cứu đồ sộ hoặc những giai điệu rất đẹp của ông viết nên, tôi tin nhiều thế hệ sau này đều có thể nhìn thấy điều ấy và biết ơn về những cống hiến của ông trong nền âm nhạc Việt Nam.
Trong một buổi ghi âm dân ca Sông Bé năm 1987. Từ trái sang: nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nghệ nhân hát dân ca, nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Phan Nhân, nhà thơ Từ Nguyên Thạch
Nhà thơ Từ Nguyên Thạch: ấn tượng với sự uyên bác bậc thầy
Ấn tượng của tôi về nhạc sĩ Lư Nhất Vũ có từ những chuyến cùng nhau đi sưu tầm dân ca tỉnh Sông Bé (cũ). Lúc đó, vào năm 1987 - 1988, tôi công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Sông Bé - là đơn vị kết hợp cùng ông suốt 2 năm liền để thực hiện công trình này. Hình ảnh quen thuộc từ rất lâu là hai vợ chồng ông luôn luôn đi với nhau trong những chuyến công tác, ngoài ra còn có nhạc sĩ Nguyễn Văn Hoa và thi thoảng có một số nhạc sĩ khác tham gia.
Lư Nhất Vũ luôn say mê và hết mình trong công việc sưu tầm dân ca, dù công việc hết sức vất vả. Vào những năm đầu đổi mới, đất nước còn rất khó khăn, đi vào nông thôn, vùng sâu vùng xa là phải đi đường đất, đường sỏi, đi vào tận những buôn làng, phum sóc, ở cùng trong nhà dân, ở nhà tranh thắp đèn dầu, đi ròng rã từ xã này qua xã khác toàn tỉnh Sông Bé (tức là tỉnh Bình Dương và Bình Phước bây giờ, địa bàn rất rộng)... tôi đã được cùng ông trên hành trình ấy.
Đọc sách “Đời và nhạc” có thể hình dung diện mạo của Lư Nhất Vũ
Có một chiếc xe Ford của tỉnh cho đoàn mượn, nhưng đó là cái xe rất cũ, có thời điểm xe bị hư cả đèn, cả còi, bị chết máy hoài. Chúng tôi đi chiếc xe như thế vào cả ban đêm, khi đường không có một ngọn đèn, trời tối đen như mực. Cá biệt có lúc có một kỷ niệm nhớ đời là hôm chúng tôi đi từ huyện Bến Cát về nơi nghỉ, trời mưa tầm tã, đèn tắt tối thui, Lư Nhất Vũ phải nhoài ra cửa sổ của xe để la lên, ra hiệu cho người đi đường biết có xe đi tới mà kịp tránh. Những người còn lại ngồi trong xe thì kiếm bất cứ thứ gì có thể gõ ra tiếng động để gõ ầm ĩ báo hiệu. May là cuối cùng cũng an toàn về đến nhà khách được UBND xã cho mượn.
Trong quá trình đi sưu tầm như vậy, đoàn phải tự túc tiền ăn (chỗ ở và xe cộ được cho mượn). Khi chưa tới điểm dừng chân nghỉ lại, mà đề phòng đến bữa đói bụng (ở nông thôn thời đó không có sẵn hàng quán như bây giờ), chúng tôi thường đem theo bánh mì, xôi. Chị Lê Giang còn thường đem theo bắp, khoai lang, cùng ngồi xuống ven đường mở bịch ăn xôi chấm muối mè thôi nhưng rất ngon vì vui. Suốt 2 năm ròng rã cùng nhau như vậy, cuối cùng cũng hoàn thành công trình Dân ca Sông Bé.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Chí ghi âm giọng hát bà Bùi Thị Bảy. Ảnh: Lư Nhất Vũ
Tôi ấn tượng mạnh mẽ về kiến thức rất uyên bác, sự sâu sắc bậc thầy của ông trong lĩnh vực dân ca. Chỉ cần nghe một làn điệu cất lên, nghe một tiếng hò, ông biết ngay ký âm như thế nào cho chính xác và ông nói luôn được xuất xứ của làn điệu này gốc gác từ nơi nào, ý nghĩa, tinh thần của nó ra sao, qua tỉnh Sông Bé thì biến thể thế nào... Lúc đấy tôi không rành về mảng âm nhạc, nên nghe rất cuốn hút, thấy bao điều mới mẻ, thú vị và được truyền nhiều cảm hứng từ ông.
Về cách sống, Lư Nhất Vũ nghị lực, bản lĩnh hiếm có, có lẽ là bởi ông đã từng kinh qua chiến trường gian khổ. Ông kể với chúng tôi, đã từng đi bộ từ Bắc vào Nam, chịu những trận sốt rét tàn khốc, suýt chết mấy lần. Và vì thế, dù hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn ra sao ông vẫn luôn giữ say mê, nhiệt tình với âm nhạc dân gian.
Điều nữa tôi học được về sự đam mê trong nghề nghiệp ông, nhạc sĩ từng nói, Thạch ơi, em thích làm thơ thì phải đầu tư vào đó, chứ đừng xao nhãng, phải học tập, phải tập trung suốt đời. Lúc ấy tôi mới ngoài 30, còn trẻ, chưa chín chắn, bước chân vào nghề chưa lâu nên vẫn còn lơ mơ, chưa ý thức nghiêm túc về nghề của mình. Nhờ hai năm đi cùng ông, tôi học tập được nhiều điều và thay đổi suy nghĩ, trưởng thành hơn.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (trái) thường chụp hình tư liệu rất cẩn thận
Từ ông, tôi nhận ra rằng, nếu mình đam mê thơ ca, văn học, thì phải có trách nhiệm với nó, phải làm việc, phải nghiên cứu. Viết từng chữ cũng phải cân nhắc giống như cách ông nghiên cứu về dân ca, tận gốc cội, hiểu được sau mỗi chữ mỗi lời là gắn liền với văn hóa một vùng đất, với đời sống, lịch sử...
Một điều nữa tôi ấn tượng ở ông là tình nghĩa vợ chồng. Ông luôn vui vẻ, mỗi khi vợ giận, ông chỉ cười hoặc nói chuyện khôi hài, nên không khí gia đình nhẹ nhàng. Tôi chưa thấy một cặp đôi nào mà tình nghĩa vợ chồng đẹp và sâu sắc như vậy. Ông bà rất thương yêu, rất tôn trọng, chăm sóc nhau. Điều này thể hiện trong cuộc sống bình thường thôi.
Tôi đến nhà chơi nhiều lần, khi bà nấu cơm thì ông sẽ nhặt rau hoặc ra hái mấy trái ớt, đứng gần bếp để cùng phụ vợ nấu một bữa ăn. Hoặc trong nhiều ca khúc nổi tiếng, ông đều phổ thơ Lê Giang, từ sự đồng cảm tự nhiên. Và khi ông phổ nhạc thì bà sẽ cùng nghe, cùng có những góp ý để bài hát trọn vẹn hơn.
Tôi đã chứng kiến sự đồng hành của họ rất nhiều năm và vẫn luôn ngưỡng mộ sự hòa hợp từ đời thường cho đến công việc, sáng tạo của cặp vợ chồng nghệ sĩ này.
Vài nét về nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên là Lê Văn Gắt, sinh ngày 13/4/1936 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ông nguyên là Ủy viên ban thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó tổng thư ký Hội Âm nhạc TP.HCM (1981), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP.HCM.
Ông là nhạc sĩ của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Hãy yên lòng mẹ ơi, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Bên tượng đài Bác Hồ, Tiếng cồng vượt thác, Chiều trên bản Mèo, Bài ca đất phương Nam, Khúc hát người đi khai hoang... Âm nhạc của ông đậm chất dân ca Nam bộ, thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước, con người...
Lư Nhất Vũ có một kho tàng nghiên cứu đồ sộ về dân ca Nam bộ, đã xuất bản cùng một số tác giả: Lê Giang (vợ của ông), Nguyễn Đồng Nai, Nguyễn Văn Hoa, Từ Nguyên Thạch… Các công trình nổi bật có thể kể đến như: Tìm hiểu dân ca Nam bộ (1983), Dân ca người Việt ở Nam bộ (1986), tuyển tập Ca khúc Lư Nhất Vũ (1995), Nhạc và đời (1989); 300 điệu lý Nam bộ (2002), Hò trong dân ca Việt Nam (2004), Hát ru Việt Nam (2005), Lý trong dân ca người Việt (2006); Nói thơ - nói vè - thơ rơi Nam bộ (2010); Hành khúc giải phóng (2011); Đi tìm kho báu vô hình (2014); Vi vu tình đời (2022)…
Ông đã được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1, 2001), Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất