Bài học tôn trọng tác quyền từ nước Nhật

08/10/2014 08:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên sau vài thập kỷ, vấn đề tác quyền văn học trong sách giáo khoa được bàn đến ở Việt Nam. Còn ở Nhật Bản, việc đó tự nhiên như hơi thở, thơ Việt dịch ra tiếng Nhật cũng phải mua tác quyền từng bài.

Vừa qua, NXB Giáo dục được Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị trả tác quyền cho việc sử dụng và trích dẫn các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa phổ thông môn văn.

Cần biết rằng, sách giáo khoa được Nhà nước bù giá, in hàng chục triệu bản trong hàng chục năm qua, lợi nhuận cao, trong khi đó lại sử dụng miễn phí các tác phẩm, nên hoàn toàn có nghĩa vụ nộp tiền tác quyền.

Một so sánh nhỏ: Mới đây, một tạp chí thơ của Nhật có tên là Coal Sack đăng bản dịch những bài thơ tiêu biểu của Việt Nam trong số 79 phát hành vào tháng 8/2014. Chuyện đằng sau những bản dịch cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

Đó là thời điểm Việt Nam đang nóng chuyện biển đảo, hai trí thức người Việt sống ở Nhật là Phan Thị Mỹ Loan và Nguyễn Đỗ An Nhiên nảy ra ý tưởng dịch chùm thơ 20 bài về tình yêu, đất nước của Việt Nam sang tiếng Nhật để phổ biến cho độc giả Nhật. Họ đã dịch xong và sẵn sàng in, nhưng NXB ở Nhật đã ra một yêu cầu: tất cả các bản dịch đều phải đảm bảo đã mua tác quyền.

Vậy là hai dịch giả liên hệ với VLCC ở Việt Nam để mua tác quyền tất cả những bài thơ mà họ dịch. Đó đều là những tác phẩm nổi tiếng như Biển (Xuân Diệu), Quê hương (Tế Hanh), Sóng, Thuyền và biển (Xuân Quỳnh), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Thơ tình người lính biển (Trần Đăng Khoa), Như chưa hề có cuộc chia ly (Đoàn Ngọc)…

Cuối cùng, những bản dịch vẫn được in, nhưng vẫn thiếu tác quyền của 2 bài thơ Mượn lời vợ người lính biển (không rõ tác giả) và Biển nhớ (Nguyễn Khánh Chân). Trong thư cảm ơn gửi VLCC, nhóm dịch giả ghi rõ: “Chúng tôi xin lỗi vì đã tìm kiếm nhưng không có được thông tin về hai tác giả này” và đề nghị Hội Nhà văn TP.HCM giúp đỡ để tìm ra hai tác giả.

Tinh thần tôn trọng tác quyền của người Nhật, chỉ qua một lần hợp tác, cho phía Việt Nam một kinh nghiệm quý báu. Người lớn soạn sách giáo khoa để giáo dục trẻ nhỏ, và giá trị giáo dục của sách giáo khoa không chỉ nằm trong trang sách. Nếu trẻ con được dạy về tinh thần tôn trọng tác quyền, tôn trọng công sức lao động nghệ thuật của người khác từ khi còn nhỏ, chúng sẽ trở thành những người lớn có trách nhiệm.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link