Bài 2: Lưu Quang Vũ đi mang theo gì?

18/05/2010 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Thoắt cái, đã hơn 20 năm ngày Lưu Quang Vũ ra đi, và dù nhân hay không nhân ngày giỗ Vũ, thiên hạ có nói gì thì nói về Vũ, các nhà phê bình hoặc không phê bình có thể choàng bao nhiêu vòng nguyệt quế lên cổ Vũ hay chê bai cái yếu đuối tình cảm “sến đặc” của Vũ, thì với tôi Vũ vẫn cứ mãi mãi là gã bạn mang đậm chất đàn ông, không dễ gặp, nhất là trong cõi văn thơ, mà ngay cả khi túng đói nhất vẫn hấp dẫn phụ nữ, rất nhiều phụ nữ, dù ít hay nhiều tuổi hơn Vũ, và vẫn hào phóng với bạn bè.


 Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh năm 1973
Tôi lỡ vô phúc (chữ của cụ Kim Lân) sa chân vào kiếp văn, may đỡ hơn là không có thơ, có thể ngang như Vũ, như nhiều kẻ sĩ khác hồi đó, nhưng hình như tôi, may mắn mà bất tài nên không ném cả đời mình vào đó tới mức như Vũ. Ngày ấy, chả cứ văn thơ, hễ ai hát hò đóng phim vẽ vời được tí chút là đều lập tức tuyên bố hiến đời mình cho nghệ thuật. Tôi chả nghi ngờ gì cái tuyên bố ấy, càng không nghi ngờ gì Vũ sống chết với thơ, dù Vũ chả tuyên bố gì. Trước 1979, tôi ở Ngõ chợ Khâm Thiên với bố mẹ, Vũ đi bộ đến nhà tôi, ngồi trên chồng cửa lùa xếp thành ghế mà trước mặt là những măng miến mộc nhĩ khoai tây… tại ngay quán hàng khô của mẹ tôi, để mà mê mải đọc thơ, át đi mọi thứ ồn ào nơi xóm chợ. Rồi khi tôi chuyển lên phố Liên Trì, thì không ít lần lòng vòng quanh hồ Ha-le để Vũ đọc tôi nghe những bài thơ Vũ làm, đôi khi chỉ vừa xong trước khi gặp tôi mấy phút, để rồi họa hoằn, mấy hôm sau, thấy trên báo bài thơ ấy lại mang tên người khác. Tôi không hỏi, vì biết chắc, mấy chuyện đó với Vũ chẳng quan trọng gì.


Vũ nửa sau của những năm 1980 hừng hực làm, hừng hực thu hoạch, vẫn hừng hực buồn và lại hừng hực yêu. Chuyện gia đình văn nghệ sĩ hồi đó nói chung chả mấy khi… biển Đông tát cạn. Vũ cũng chả ngoại lệ, nhưng ít khi nói ra vào những dịp đáng lẽ nên nói ra, mà đôi khi bất chợt buông một hai câu, chỉ một hai câu, rồi thôi, như cái buổi chiều rượu suông ở “Gù” (tên quán) Trần Nhân Tông, hay thịt chó “Lùn” (cũng tên quán) chợ Hôm, đột ngột một điều không thuận nào đó trong tình cảm vợ chồng, mà nghe như thắc mắc với chính mình chứ không phải than với bạn bè…. Khi ấy, Xuân Quỳnh, cũng là nhà Vũ, tất nhiên, tuy chưa là giàu có, nhưng cũng đã có được vài ba năm tạm coi khá giả nhưng chưa thể bù lại được hàng chục năm vất vả khốn khó từng trải qua…

Trước đó, một lần lên nhà tìm Vũ, vẫn là Quỳnh ngồi ở hành lang giặt giũ hoặc đun nấu, lưng quay ra đón khách, không quay đầu, thậm chí không liếc mắt, mà nghe tiếng chào biết là ai rồi, xưa kia thì vẫn, “Bách vào nhà đi, ông Vũ chạy ra mua thuốc lào” hoặc “Ngồi đọc cái gì đi, ông Vũ sang Tuổi Trẻ (nhà hát), về bây giờ đấy”… thì lần này là, “Ông biết thừa ông Vũ ở đâu rồi, sao còn lên đây”.


Gia đình Lưu Quang Vũ
Rồi mọi chuyện kết thúc bằng cái chết. Kết thúc một lúc mấy kiếp người, nhưng cũng là kết thúc cả một tấn bi kịch chồng chéo. Cái chết oan nghiệt ấy, theo tôi, “dường như” là Thượng đế an bài cho Quỳnh, vào cái năm Quỳnh 47 tuổi ta, và Quỳnh đã mang được theo những gì quý giá nhất đời mình.

Còn Vũ, trước một chuyến đi không vé khứ hồi, nếu bảo chỉ được mang theo một, hai trong dăm bảy thứ quý giá nhất đời mình, thì ngoài thơ chắc chắn anh có thể chọn kịch hoặc Mí đứa con nhỏ, hoặc thậm chí cô hay gã bạn nào đó… Giờ đây nhiều năm sau nghĩ về bạn, tôi vẫn cho rằng, với một người như Vũ, “Yêu” không bao giờ là tội cả, dù nhiều dù ít, bởi họ đâu có lấy “yêu” để đạt tới một cái gì khác ngoài yêu.

Bài 3: Vừa phải và đúng lúc

Trần Hoàng Bách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link