Bệnh cúm và những điều cần lưu ý

09/03/2017 08:46 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút cúm. Bệnh được xem là bệnh của đường hô hấp nhưng lại gây ảnh hưởng toàn bộ cơ thể.

Bệnh có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng thường xảy ra ở trẻ em, người già và những người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, bệnh tim mạch…. Việc phòng ngừa bệnh cúm là điều cần thiết vì nó mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A, B và C trong đó cúm A thường gặp và là nguyên nhân của nhiều đại dịch lớn trên thế giới. Cúm A được xếp loại dựa vào kháng nguyên bề mặt của chúng: Kháng nguyên H và kháng nguyên N. Trong các chủng cúm, thì H1N1, H5N1 và H7N9 là nguy hiểm nhất đối với con người. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus.

Triệu chứng của bệnh: Giai đoạn đầu của cúm thường kéo dài khoảng 3 ngày gồm các triệu chứng như sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ,mệt mỏi, ăn không ngon. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41oC, sốt thường kéo dài 3 ngày đầu,nhưng có thể đến 4 - 8 ngày.

Virus H5N1

Thông thường bệnh nhân tự hồi phục, nhưng các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc đôi khi nhiều tuần, bệnh nhân có thể bị các biến chứng nặng. Biến chứng có thể gặp khi mắc cúm là viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang.

Bệnh cúm chủ yếu lây theo đường hô hấp nên những biện pháp phòng hộ cá nhân tránh lây nhiễm đường hô hấp là cần thiết để bệnh cúm không lan rộng:

• Rửa tay thích hợp. Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) khuyến khích làm sạch tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc chế phẩm thay thế như nước vệ sinh tay có chứa cồn isopropanol hoặc ethanol.

• Đeo khẩu trang.

• Hạn chế các tiếp xúc không cần thiết với bệnh nhân cúm

• Tỏi, vitamin C, vitamin D có lợi ích chưa rõ ràng trong phòng ngừa cúm.

Điều trị bằng thuốc

Một số thuốc không kê đơn như paracetamol có thể hạ sốt, giảm đau đầu và đau cơ.

Các triệu chứng ho thường tự hết mà không cần điều trị.

Thuốc chống virus có thể được dùng để điều trị hay phòng ngừa cúm, tuy nhiên chỉ những người có triệu chứng nặng hay có nguy cơ bị biến chứng cao mới được bác sĩ chỉ định dùng thuốc này. Thuốc chống virus có hiệu quả nhất khi dùng trong 48 giờ đầu.

Kháng sinh không phải là thuốc dùng để chữa bệnh do virus như cúm. Kháng sinh chỉ nên dùng khi có biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tai hay viêm xoang. Dùng kháng sinh không đúng có thể gây hại như bị tác dụng phụ của thuốc và tạo ra vi trùng kháng thuốc.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm là tiêm ngừa. Người đã tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn, thời gian bị bệnh ngắn hơn và ít tử vong hơn người chưa tiêm ngừa. Chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên bạn cần tiêm ngừa cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm.

DS. Trang Minh Quân – Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link