06/09/2017 10:43 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup chính thức được khởi công tại Hải Phòng đúng dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, với kỳ vọng sẽ mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp cơ giới tại Việt Nam.
Điều này cũng đáp ứng sự mong mỏi về một chiếc ô tô “made in Vietnam” của người Việt, và câu chuyện bắt đầu từ chiếc La Dalat từ hồi đầu thập niên 1970…
Với La Dalat, nhiều người coi đây là loại xe ô tô đầu tiên “do người Việt tự chế tạo”, nhưng điều này phải cải chính lại là việc thiết kế, chế tạo và đăng ký thương hiệu La Dalat hoàn toàn thuộc về sở hữu của Hãng Citroën (Pháp).
Người Việt lúc bấy giờ chỉ được thuê để gia công, lắp ráp những linh kiện đơn giản như đèn, kèn báo hiệu, ghế nệm, vỏ xe bằng tôn hoặc vải... La Dalat hẳn được biết đến nhiều bởi cái tên địa danh Đà Lạt của Việt Nam và cũng được Công ty Xe hơi Sài Gòn xuất hơn 5.000 chiếc xe dân dụng ra thị trường nội địa. Về chiếc xe ô tô đầu tiên do người Việt tự chế tạo thực tế đã được nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) xuất xưởng vào ngày 21/12/1958 có tên gọi là Xe hơi Chiến Thắng, lấy mẫu từ chiếc Fregate của Pháp.
Đó là câu chuyện của nhiều thập niên trước, hơn một thập niên qua, nhiều công ty liên doanh lắp ráp ô tô với nước ngoài ở Việt Nam đã có thị trường ổn định trong nước cũng như quốc tế.
Trong khuôn khổ nội dung bài viết, chúng tôi muốn nhắc đến Vinaxuki, một nhãn hiệu ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên được giới thiệu lần đầu vào tháng 9/2005 và sau đó đã sản xuất ra các sản phẩm bao gồm: một loại xe bán tải, hai loại xe tải thùng loại nhỏ tải trọng dưới 1 tấn, bảy loại xe tải tự đổ trọng tải từ 1 đến 7 tấn.
Tuy vậy, Vinaxuki đã gặp khó khăn khi làm xe tải nội địa hoá rồi chuyển sang xe con. Ở đây, Vinaxuki đã không cạnh tranh được với nhiều hãng xe hơi nước ngoài, lắp ráp tại Việt Nam. Chưa kể, Vinaxuki cũng gặp rất nhiều khó khăn về vốn khi mà chi phí để sản xuất linh kiện, phụ tùng xe hơi là rất cao.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, chiến lược quy hoạch công nghiệp phát triển ô tô Việt Nam hiện nay là tập trung phát triển xe tải, xe bus, xe khách, những xe bây giờ có nhu cầu phát triển thị trường và phục vụ sản xuất. Bộ Công Thương cũng chỉ hỗ trợ cách làm thủ tục nếu có yêu cầu, hoặc chỉ hỗ trợ chính sách, thúc đẩy bán hàng, chứ không hỗ trợ vốn được nên vấn đề của Vinaxuki là rất nan giải.
Trở lại với sự kỳ vọng vào Vinfast khi mục tiêu của dự án này là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường. Chỉ hai năm để cho ra lò một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu Việt, mục tiêu nói trên mà Vingroup đặt ra cho Vinfast là rõ ràng và có cơ sở dù vẫn hàm chứa không ít mạo hiểm.
Một chuyên gia kinh tế đã nhận xét như vậy về chiến lược “đi đường thẳng” của Vingroup thay vì đường vòng để biến mình thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu như Trường Hải hay Hyundai Thành Công. Dù thế nào thì theo quy luật của sự phát triển, Vinfast hẳn sẽ xứng đáng là dự án đáng để người Việt kỳ vọng về một chiếc ô tô “made in Vietnam”.
HĐ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất