19/09/2020 10:03 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay 19/9 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước chỉ tăng dè dặt 20.000 - 200.000 đồng/lượng, thậm chí giữ nguyên. Hiện, kim loại quý đang đợi chờ thời cơ mới.
Phiên giao dịch ngày 19/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,10 triệu đồng/lượng mua vào - 56,57 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ 50.000 ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua - bán hiện là 470.000 đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo tín Minh Châu, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 56,16 triệu đồng/lượng mua vào - 56,50 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ ở cả giá mua và bán, với mức chênh lệch 340.000 đồng/lượng
Thương hiệu Vàng rồng Thăng Long niêm yết ở mốc 54,28 triệu đồng/lượng mua vào - 54,98 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ so với phiên liền trước.
Giá vàng thế giới
Quy đổi theo giá USD của ngân hàng Vietcombank 23.270 đồng, giá vàng thế giới tương đương 54,75 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,82 triệu đồng/lượng so với mức vàng trong nước.
Theo Reuters, giá vàng tăng vào hôm thứ Sáu (18/9) do đồng USD suy yếu trở lại, bên cạnh những lo ngại kéo dài về sự phục hồi kinh tế từ thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra sau khi dữ liệu thất nghiệp hàng tuần của Mỹ được công bố.
Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất thấp trên toàn cầu và các biện pháp kích thích rộng rãi đã giúp vàng tăng hơn 28% trong năm nay, giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không sinh lợi và củng cố sức hấp dẫn của vàng với vai trò là hàng rào chống lại lạm phát.
Dự báo giá vàng
Theo nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya của OANDA, những quan ngại về dịch vẫn ảnh hưởng tới sự hồi phục kinh tế và các nước sẽ vẫn cần thêm những biện pháp hỗ trợ.
Chiến lược gia Margaret Yang thuộc DailyFx cho rằng các nhà đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương dường như không quan tâm nhiều tới cuộc họp vừa qua của Ủy ban thị trường mở liên bang thuộc Fed.
Fed dường như không muốn bổ sung các biện pháp kích thích bởi các yếu tố cơ bản đang cải thiện. Theo chuyên gia, điều này đã làm đồng USD mạnh lên và giá vàng giảm thấp hơn nữa.
Ngân hàng Canada CIBC cho rằng, giá vàng trung bình sẽ đạt mức 1.925 USD/ounce trong quý III và 2.000 USD/ounce trong quý IV; 2.300 USD/ounce vào năm 2021; 2.200 USD trong năm 2020 trước khi trở về mức 2.000 USD/ounce vào năm 2024.
Tỷ giá ngày 19/9: Đồng USD tiếp tục giảm giá
Sáng nay 19/9, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên ở mức: 23.196 VND đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.849 đồng, giảm 7 đồng.
Tỷ giá tại Vietcombank, Vietinbank được niêm yết không đổi ở mức: 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD (mua vào - bán ra). BIDV niêm yết tương ứng ở mức 23.090 đồng/USD và 23.270 đồng/USD không đổi so với chốt phiên ngày hôm trước.
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 92,93 điểm, giảm 0,04%.
Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày, đã có thêm 860.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến hết ngày 12/9, giảm từ mức 884.000 người được ghi nhận một tuần trước đó.
Đây là lần thứ 4 số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Song, con số trên vẫn cao hơn so với mức 700.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận trong một tuần vào thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Trong thông báo được đưa ra sau cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 15-16/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan thiết lập chính sách của Fed, đã quyết định giữ nguyên phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang ở mức 0-0,25%.
Hiện tại các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Kết quả 'sáng' bất chấp COVID-19, lợi nhuận ngân hàng 2020 sẽ ra sao?
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 được các ngân hàng công bố, dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế vẫn là những cái tên quen thuộc dù trật tự xếp hạng đã có nhiều thay đổi.
Giữ ngôi đầu về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức lãi 8.798 tỷ đồng sau thuế. Tuy vậy, không còn sự cách biệt gấp đôi so với ngân hàng kế tiếp như năm trước, khoảng cách này đã bị rút ngắn lại do mức tăng trưởng âm hơn 3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tăng trưởng đến gần 40% so với cùng kỳ năm 2019, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã vượt qua Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để giữ vị trí thứ 2 khi báo lãi sau thuế là 6.015 tỷ đồng. Techcombank với lãi 5.395 tỷ đồng sau thuế, tăng 19,2% so với cùng kỳ xếp ở vị trí thứ 3.
Đáng chú ý, ngoài Vietcombank, còn có 8/27 ngân hàng đã công bố lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank).
Trong khi đó, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao so với quý II/2019 như Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tăng trưởng ở mức 160%, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là 76%, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) 72%, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) gần 67%, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 52%... Đây đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.
Nhìn lại báo cáo tài chính của các ngân hàng, nếu như Vietcombank tăng trưởng âm là do sự sụt giảm hơn 5% trong tổng thu nhập hoạt động mà chủ yếu là giảm từ thu nhập lãi thuần (nguồn thu nhập thường chiếm tỉ trọng cao nhất của các ngân hàng đến từ hoạt động huy động và cho vay), thì VietinBank hay VPBank lại tăng trưởng ấn tượng nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro.
Theo phân tích của công ty chuyên về dữ liệu tài chính FiinGroup, một trong những lý do khiến trích lập dự phòng rủi ro giảm là do Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho phép các ngân hàng được hạch toán dư nợ được cơ cấu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích lập dự phòng.
"Do đó, khi các chính sách này thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của các ngân hàng chịu tác động đáng kể", FiinGroup nhận định.
Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng trong các quý tới dự báo sẽ tăng khi Thông tư 01 thay đổi, kéo theo chi phí dự phòng tăng mạnh, ''bào mòn'' lợi nhuận ngân hàng.
Theo giới chuyên gia, chi phí trích lập dự phòng giảm do các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 là một trong những nguyên nhân chính giúp bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm vẫn "sáng'' bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thêm vào đó, các ngân hàng đồng loạt cắt giảm mạnh tay chi phí hoạt động, ngưng tuyển mới nhân viên, ngưng việc tăng lương, thậm chí một số ngân hàng còn giảm lương thưởng của người lao động từ 7-30%. Báo cáo tài chính quý II cho thấy, Vietcombank đã giảm mạnh đến 23% chi phí hoạt động so với cùng kỳ, VPBank cũng giảm 16%, Sacombank giảm 14%...
Ngoài ra, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, bán chéo bảo hiểm hoặc tập trung vào các lĩnh vực tín dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như mua nhà, mua xe... cũng được các ngân hàng chú trọng để ''cứu'' lợi nhuận.
Hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù vậy Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh vẫn khá thận trọng: "Ngành tài chính vẫn chưa thấy hết ảnh hưởng từ đại dịch bởi chưa biết bao giờ khủng hoảng kết thúc. Đại dịch sẽ có tác động ngay đến kinh tế, đến các ngành sản xuất, tiêu dùng rồi sau đó mới "ngấm" tới tài chính - ngân hàng".
FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng 4,9% so với năm 2019, trừ Vietcombank vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 10%. Đây là một dự báo khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng trong nửa đầu năm nay.
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thu hẹp.
"Năm 2020, các ngân hàng thương mại nhà nước chịu nhiều áp lực hơn từ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ khách hàng giai đoạn đại dịch, còn ngân hàng cổ phần vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng thương mại nhà nước được dự báo giảm 15,9%, trong khi vẫn tăng 3,3% đối với ngân hàng cổ phần", báo cáo từ SSI cho hay.
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất