18/06/2022 15:27 GMT+7 | Bạn cần biết
Chịu áp lực lớn từ thị trường thế giới khi Cục dự trữ liên bang (Fed) ra quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%, VN-Index đã có tuần giảm mạnh nhất trong 1 tháng với mức giảm 5,2%, tương ứng giảm 66,78 điểm.
Trong tuần chỉ số có lúc đã xuyên thủng mốc 1.200 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy đã xuất hiện giúp VN-Index hồi phục để chốt tuần tại mức 1.217,30 điểm. Với diễn biến hiện tại của thị trường, giới phân tích cho rằng xu hướng giảm điểm ngắn hạn vẫn đang duy trì.
VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng 1.200 điểm
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, dù thị trường biến động, nhưng cổ phiếu cơ bản vẫn hút tiền. Chỉ số VN-Index hình thành nến rút chân vào cuối phiên cuối tuần (17/6) nên có thể tạo đà hồi phục vào đầu phiên tới với vùng mục tiêu gần là khu vực từ 1.223 - 1.230 điểm. Dù vậy, với xu hướng giảm ngắn hạn vẫn đang duy trì, VN-Index có thể sẽ phải kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm sau nhịp hồi phục kể trên.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), thị trường đã có diễn biến phân hóa khá rõ nét trong tuần. Trong khi các nhóm cổ phiếu dầu khí, điện, thủy sản ghi nhận diễn biến tích cực với nhiều cổ phiếu tăng trên 10%.
Đáng chú ý, GAS tăng tới 12,9% trong tuần qua, trở thành là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực lớn nhất đến VN-Index.
Trong khi đó, nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng của thị trường như bất động sản, chứng khoán và ngân hàng lại chịu áp lực giảm mạnh. Thậm chí xuất hiện nhiều mã giảm từ 25 - 30% trong tuần.
Khối ngoại có tuần mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, đây cũng là tuần 2 quỹ ETF FTSE và ETF VNM thực hiện cơ cấu danh mục cho Q2/2022. HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất với giá trị 448 tỷ đồng, tiếp đến là GAS với giá trị 198 tỷ đồng và DPM xếp thứ 3 với giá trị 159 tỷ đồng. Trong khi đó, chứng chỉ quỹ VN-Diamond (FUEVFVND) bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 273 tỷ đồng.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, cùng với diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới, VN-Index cũng đang trong diễn biến tiêu cực. Ngưỡng 1.200 điểm đã thành công giúp chỉ số 2 lần hồi phục trong tuần và trở thành ngưỡng cân bằng ngắn hạn. Nếu ngưỡng này bị xuyên thủng, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) lo ngại rủi ro VN-Index sẽ hình thành xu hướng giảm điểm tại các chu kỳ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Thực tế, thị trường điều chỉnh trong tuần thứ hai liên tiếp với mức giảm khá mạnh và thanh khoản cũng gia tăng. Kết thúc tuần giao dịch từ 13 - 17/6, VN-Index giảm 66,78 điểm xuống 1.217,3 điểm, HNX-Index giảm 26,38 điểm xuống 280,06 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 6,6% so với tuần trước đó với 78.029 tỷ đồng; giá trị giao dịch trên HNX tăng 16% so với tuần trước đó với 10.253 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm mạnh (đều trên 1%) và hồi phục trong 2 phiên giao dịch còn lại vào thứ 3 và thứ 5 với mức hồi yếu hơn.
Nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất trong tuần qua với 8% giá trị vốn hóa nhờ đà tăng mạnh của các mã như: GAS tăng 12,9%, REE tăng 9,9%, POW tăng 7,3%, TDM tăng 5,2%, BWE tăng 1,7%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức tăng 0,4% giá trị vốn hóa, nhờ trụ cột trong nhóm là FPT tăng 1,2%.
Các ngành còn lại đều có mức giảm mạnh. Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 8,2% giá trị vốn hóa do sự sụt giảm của các cổ phiếu thép. Cụ thể, HPG giảm 8,9%, NKG giảm 23,9%, HSG giảm 26,8%.
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường ngân hàng với mức giảm 7,9% giá trị vốn hóa, đã tạo ra áp lực lớn lên thị trường. Theo đó, VCB giảm 2,1%, BID giảm 6,5%, ACB giảm 8,3%, TCB giảm 9,1%, SHB giảm 9,4%, VPB giảm 9,7%, CTG giảm 13,1%, MBB giảm 15,3%.
Những nhóm ngành cổ phiếu khác cũng giảm mạnh như công nghiệp giảm 7,3% giá trị vốn hóa, tài chính giảm 6,8%, dầu khí giảm 6,2%, dược phẩm và y tế giảm 4,7%, hàng tiêu dùng giảm 3,1%, dịch vụ tiêu dùng giảm 2,6%.
SHS cho biết, trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở từ 13 đến 18 điểm cho thấy các nhà giao dịch vẫn đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh.
SHS nhìn nhận, sau khi quay đầu trong phiên thứ 6 tuần trước (10/6), thị trường lại trải qua một tuần giảm mạnh nữa. Điểm đáng chú ý là thanh khoản trong tuần qua cũng gia tăng và đã vượt mức trung bình 20 tuần gần nhất trên chỉ số VN30 cho thấy áp lực bán thực sự mạnh.
Tuần qua cũng diễn ra một số sự kiện ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế mà tiêu biểu có thể kể đến như quyết định của Fed về việc tăng lãi suất thêm 0,75% để đưa lãi suất lên mức 1,5-1,75% nhằm kiềm chế lạm phát.
Thị trường trong nước cũng diễn ra phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 6/2022 với cách tính giá thanh toán cuối cùng mới, phần nào đó đã khiến diễn biến về cuối phiên trở nên ít bất ngờ hơn.
Phiên cuối tuần cũng là thời điểm mà các quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động) tiến hành tái cơ cấu danh mục cũng khiến cho cung cầu trên thị trường ít nhiều bị ảnh hưởng.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường đã bước vào sóng điều chỉnh c sau khi đánh mất ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong phiên 10/6. Theo lý thuyết sóng elliott thì mục tiêu của sóng điều chỉnh c là quanh ngưỡng 1.130 điểm. Tuy vậy, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, sau khi đã kiểm tra thành công lực cầu dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong hai phiên 15/6 và 17/6.
Định giá của thị trường hiện đang ở mức hấp dẫn với khoảng 13 lần trên cả hai chỉ số VNLo ngại việc Fed đẩy mạnh việc tăng lãi suất. Nếu xét trên triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022, cũng như tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên sàn dự kiến có thể đạt trên 20% trong năm nay thì đây là mức định giá hấp dẫn trong dài hạn, SHS nêu quan điểm.
Lo ngại trước việc Fed đẩy mạnh tăng lãi suất
Thực tế tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh cũng đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần 17/6 trái chiều, với chỉ số Dow Jones đảo ngược đà tăng và đi xuống vào cuối phiên, khi các nhà đầu tư tiếp tục lo ngại kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống mức 29.888,78 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,2% lên 3.674,84 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 10.798,35 điểm. Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,8%, trong khi chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cùng giảm 4,8%.
Theo Dow Jones Market, cả ba chỉ số đều mất điểm tuần thứ ba liên tiếp, với chỉ số S&P 500 có mức giảm tính theo phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, còn chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Người phụ trách chiến lược thị trường tại công ty bảo hiểm tương hỗ CUNA Mutual Group (Mỹ) Scott Knapp cho rằng, lạm phát cần được kiểm soát. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp vừa qua có thể khiến nền kinh tế giảm tốc đáng kể và các thị trường đang có sự điều chỉnh.
Các nhà chiến lược tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) cho rằng các số liệu được công bố tuần qua đã gây lo ngại kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.
Số liệu về sản lượng công nghiệp của Mỹ tháng Năm công bố ngày 17/6 thấp hơn dự kiến nhưng vẫn cho thấy sự tăng trưởng tháng thứ năm.
Theo ông Knapp, sản lượng công nghiệp thấp và nền kinh tế đang giảm tốc rất nhanh. Các số liệu sơ bộ về chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực dịch vụ và chế tạo tháng Sáu được công bố tuần tới.
Trong phát biểu ngày 17/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đang tập trung vào nhiệm vụ đưa lãi suất về mức mục tiêu 2%.
Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cùng ngày nói rằng ông có thể ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng Bảy tới.
Văn Giáp/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất