18/08/2020 21:10 GMT+7 | Bạn cần biết
(Thethaovanhoa.vn) - Bluezone là gì? Tại sao Bluezone hỏi quyền truy cập ảnh, phương tiện và tệp? Bluezone có theo dõi vị trí người dùng không? Bluezone có lưu lại thông tin người dùng không? Bluezone sẽ xử lý sao với những trường hợp không dùng Smartphone, ví dụ người cao tuổi? Những người bị nhiễm bệnh có cài Bluezone này không? Nếu họ không sử dụng Bluezone thì làm sao có dữ liệu để tìm ra những người đã tiếp xúc gần với họ? Bài viết dưới đây sẽ trả lời các câu hỏi thường gặp về ứng dụng Bluezone.
Hướng dẫn cài đặt Bluezone trên điện thoại:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc vào kho ứng dụng CHPlay (Android) hoặc Appstore (iOS) gõ từ khoá “Bluezone” trong mục tìm kiếm.
Bước 2: Chọn ứng dụng “Bluezone – Khẩu trang điện tử” của Cục tin học hoá, Bộ TT và TT rồi cài đặt.
Bước 3: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 4: Mở ứng dụng và cho phép Bluezone truy cập một số quyền cần thiết.
Bluezone là gì?
Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone” trên smartphone.
Bluezone là ứng dụng cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.
Khi có một ca nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng cho biết bạn đã từng tiếp xúc với người này hay chưa nếu cả hai đều dùng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Chúng ta cùng thách thức sự lây lan của virus bằng sức mạnh của cộng đồng. Cả Việt Nam phấn đấu trong một tháng, mọi smartphone đều được cài đặt Bluezone để bảo vệ cả cộng đồng.
Mỗi người cài đặt Bluezone cho mình và cài tiếp cho 3 người khác. Sau một tháng, cả Việt Nam sẽ được bảo vệ.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân hãy cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác.
Tại sao Bluezone hỏi quyền truy cập ảnh, phương tiện và tệp?
Bluezone chỉ sử dụng quyền "truy cập tệp" để ghi lịch sử "tiếp xúc gần" lên bộ nhớ thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi Bluezone không sử dụng các quyền còn lại. Bạn cần cấp quyền để có thể ghi nhận các "tiếp xúc gần".
Bluezone có theo dõi vị trí người dùng không?
Bluezone không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền đó.
Bluezone có lưu lại thông tin người dùng không?
Bluezone chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server, không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.
Máy phải luôn luôn bật Bluetooth ?
Để Bluezone hoạt động hiệu quả, điện thoại phải luôn luôn bật Bluetooth. Tuy nhiên Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp tiết kiệm pin (Bluetooth Low Energy), nên người dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng.
Nếu điện thoại lúc nào cũng mở Bluetooth như vậy trong cộng đồng có tác hại gì không?
Việc này cũng giống như sử dụng Wifi trong cộng đồng, do Bluetooth và Wifi cùng hoạt động trên tần số 2.4 GHz. Nên người dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng như bình thường.
Bluetooth bật thì điện thoại có dễ bị hack không?
Bluetooth là 1 chuẩn kết nối các thiết bị được sử dụng rộng rãi hiện nay và đã được chứng minh về tính bảo mật.
Cơ chế như thế nào nếu người dân không có thiết bị Bluetooth hay họ không bật. Giám sát sao được vấn đề này?
Việc bật Bluetooth là quyền của từng cá nhân. Nhằm mục đích bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng thì người dân nên sử dụng Bluezone thường xuyên. Nếu người dùng tắt Bluetooth, giả sử họ có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 thì sự tiếp xúc này sẽ không được ghi nhận. Số lượng người dùng đủ lớn thì kể cả những người không sử dụng Smartphone cũng được bảo vệ.
Bluezone sẽ xử lý sao với những trường hợp không dùng Smartphone, ví dụ người cao tuổi?
Khi số lượng người dùng đủ lớn thì cộng đồng sẽ được bảo vệ và trong đó có cả những người không sử dụng Smartphone.
Những người bị nhiễm bệnh có cài Bluezone này không? Nếu họ không sử dụng Bluezone thì làm sao có dữ liệu để tìm ra những người đã tiếp xúc gần với họ?
Trong một số trường hợp kể cả người nhiễm bệnh không sử dụng Bluezone, nhưng họ có bật Bluetooth thì các máy khác cài Bluezone vẫn có thể ghi nhận khi tiếp xúc với máy của người nhiễm bệnh.
Bluezone này có thực tế không, vì không phải ai cũng bật Bluetooth?
Việc bật Bluetooth là quyền của từng cá nhân. Nhằm mục đích bảo vệ chính mình, bảo vệ cộng đồng thì người dân nên sử dụng Bluezone thường xuyên. Nếu người dùng tắt Bluetooth, giả sử họ có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 thì sự tiếp xúc này sẽ không được ghi nhận. Số lượng người dùng đủ lớn thì kể cả những người không sử dụng Smartphone cũng được bảo vệ.
Bluezone này có tốn pin không?
Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) tiết kiệm pin, nên người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng.
Bluezone có chạy ngầm không hay mình sẽ phải bật nó mỗi khi đâu đó nhỉ?
Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Bạn lưu ý là luôn bật Bluetooth để đảm bảo việc ghi nhận tiếp xúc được đầy đủ. Bluezone sử dụng công nghệ Bluetooth BLE năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) tiết kiệm pin, nên người dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng.
Giả sử có dữ liệu Bluezone có chức năng phát ra tín hiệu "bạn đang lại gần Covid 19" không?
Theo quy định người được xác định là đã nhiễm COVID-19 thì sẽ phải cách ly và chữa bệnh, do đó, sẽ không có chuyện bạn vô tình “lại gần” một người bệnh như vậy và Bluezone cũng không có tính năng này.
Các nước khác trên thế giới thì họ sử dụng giải pháp nào? Bluezone có đặc điểm gì nổi bật hơn các giải pháp đó?
Trên thế giới có Singapore, DuBai cũng sử dụng công nghệ BLE để kiểm soát những tiếp xúc của người dân. Khi sử dụng ứng dụng người dân phải kê khai chính xác số điện thoại và phải được cơ quan y tế xác thực. Tuy dùng chung công nghệ nhưng những người sử dụng điện thoại Android sẽ không có số liệu tiếp xúc với những người sử dụng điện thoại IOS và ngược lại dẫn đến việc hạn chế về độ chính xác của thông tin.
Với Bluezone chỉ cần cài đặt trên Smartphone và bật Bluetooth là mọi tiếp xúc đều được ghi nhận. Không những thế, Bluezone không yêu cầu nhập thông tin cá nhân chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyệt đối không đưa lên server, không thu thập vị trí. Bluezone chỉ ghi nhận 2 người có gặp nhau lúc nào đó và trong bao lâu, chứ không biết ở chỗ nào. Người dùng Bluezone sẽ ẩn danh do sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.
Bluetooth cũng là giải pháp được Châu Âu, Mỹ, Singapore bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng trong chống dịch COVID-19. Đặc biệt là cho mục đích giúp cuộc sống trở lại bình thường, sau thời kì cao điểm của dịch.
Thống kê của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho thấy, số lượng người cài đặt ứng dụng Bluezone đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi toàn quốc. Tính đến 11h ngày 16/8/2020, số lượt tải ứng dụng Bluezone là 18,7 triệu.
Tuy nhiên, có một số ít băn khoăn về tính bảo mật của ứng dụng và liệu Bluezone có xâm phạm thông tin riêng tư của người dùng hay không? Giải đáp vấn đề này, Bộ TT-TT khẳng định: Bluezone chỉ sử dụng bluetooth để ghi nhận tiếp xúc và quyền thông báo cho người dùng. Do đó mọi dữ liệu khác trên điện thoại, Bluezone sẽ không có quyền truy cập được. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng chỉ được lưu trên điện thoại của chính người dùng và cung cấp cho cơ quan y tế với sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp họ là người nghi nhiễm.
Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.
Bluezone - Giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch COVID-19
Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone là ứng dụng do Bộ TT-TT và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan, giúp mọi người trở lại cuộc sống bình thường.
Công nghệ Bluetooth năng lượng thấp (Bluetooth Low Energy) của Bluezone sẽ ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm.
Chỉ lưu lịch sử tiếp xúc, không lưu vị trí địa điểm
Theo Bộ TT-TT, Bluezone chỉ lưu lịch sử tiếp xúc mà không ghi nhận cũng như sử dụng vị trí của người dùng. Khi bạn cài đặt Bluezone trên Android và kích hoạt Bluetooth thì máy sẽ xin cấp quyền vị trí, điều này là do chính sách của Google khi bật Bluetooth BLE máy sẽ tự động xin quyền vị trí. Tuy nhiên Bluezone không sử dụng tới quyền đó.
"Bluezone sử dụng công nghệ BLE là một công nghệ phổ biến trên thế giới, đã được trải nghiệm thực tiễn. Mọi ứng dụng chạy trên nền tảng iOS hay Android đều phải tuân thủ các quy định kỹ thuật. Do đó ứng dụng này sẽ không ảnh hưởng đến ứng dụng khác đang được sử dụng trên điện thoại của bạn. Bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và sử dụng Bluezone hàng ngày"- Bộ TT-TT nêu rõ.
Không sử dụng vào các mục đích thương mại
Do sử dụng công nghệ BLE nên dữ liệu tiếp xúc của bạn không bao gồm vị trí, địa điểm. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được lưu và bảo mật trên thiết bị của bạn. Dữ liệu lịch sử tiếp xúc chỉ được sử dụng bởi cơ quan y tế khi có sự đồng ý của bạn hoặc trong trường hợp bạn là ca nghi nhiễm.
Mã Bluezone dùng để trao đổi, ghi nhận lịch sử tiếp xúc của bạn được thay đổi liên tục mỗi 15 phút để đảm bảo tính ẩn danh và chống giả mạo. Mã Bluezone gốc của bạn chỉ được lưu trên thiết bị, không sử dụng để trao đổi. Do đó không có khả năng người khác có thể giả mạo.
Dữ liệu cá nhân và các dữ liệu phát sinh của hệ thống Bluezone sẽ được lưu trữ và bảo mật bởi các cơ quan chính phủ và chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuyệt đối không sử dụng vào các mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.
Không truy cập ảnh, danh bạ người dùng
Bộ TT-TT nhấn mạnh, Bluezone chỉ sử dụng quyền “truy cập tệp” để ghi lịch sử tiếp xúc vào bộ nhớ của thiết bị. Mặc dù vậy, theo chính sách của Google, bất cứ ứng dụng nào khi yêu cầu quyền “truy cập tệp” thì thiết bị vẫn tự động đề nghị "cho phép truy cập vào ảnh, phương tiện và tệp" ngay cả khi các ứng dụng đó (bao gồm cả Bluezone) không sử dụng các quyền còn lại. Bạn cần cấp quyền để có thể lưu lại lịch sử tiếp xúc. Bluezone hoàn toàn không sử dụng đến những quyền truy cập còn lại trong chính sách của Google.
Bluezone là ứng dụng được phát triển bởi các doanh nghiệp công nghệ số và BKAV chỉ là 1 trong số những đơn vị hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống, không có quyền khai thác và sử dụng những dữ liệu phát sinh. Hiện nay đã có quy chế quy định rõ về vấn đề này và các giải pháp kỹ thuật kèm theo tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin và an ninh mạng.
Người dùng có quyền lựa chọn đăng ký thông tin cá nhân của mình để được hướng dẫn trợ giúp của cơ quan y tế khi cần thiết (bao gồm số điện thoại). Bằng việc đăng ký thông tin cá nhân, người dùng đồng ý cho cơ quan y tế sử dụng với mục đích phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Máy chủ không lưu trữ mọi dữ liệu lịch sử tiếp xúc cũng như ID của người dùng. Dữ liệu tiếp xúc sẽ chỉ được phục vụ cơ quan y tế khi có sự đồng ý của người dùng hoặc trong trường hợp người dùng là ca nghi nhiễm.
Hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE để quản lý tiếp xúc
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 quốc gia sử dụng công nghệ BLE phục vụ quản lý tiếp xúc. Ngoài công nghệ BLE còn có một số giải pháp khác như sử dụng GPS để ghi nhận vị trí, quét mã QRcode để ghi nhận lượt tiếp xúc. Công nghệ BLE mang lại sự tiện dụng cho người sử dụng, bảo mật thông tin cá nhân hơn các giải pháp khác do người dùng hoàn toàn ẩn danh.
Bluezone cũng giống như mọi ứng dụng quản lý tiếp xúc khác (contact tracing) trên thế giới, chỉ ghi nhận các lượt tiếp xúc giữa các thiết bị được cài Bluezone chứ không cho biết tiếp xúc với ai và ở đâu.
Bluezone sẽ duy trì hoạt động kể cả trong trường hợp máy tắt màn hình. Bluezone có thể chạy ngầm, tức chỉ cần bật sẵn trong điện thoại, bạn không cần trực tiếp sử dụng ứng dụng (trực tiếp quét), Bluezone vẫn có thể quét ra những lượt tiếp xúc của bạn.
Cứ mỗi 15 phút mã Bluezone lại thay đổi 1 lần để đảm bảo tính ẩn danh nên nếu các máy điện thoại nào ở gần nhau trong thời gian dài, số lượt tiếp xúc sẽ tăng dần. Bạn cần đảm bảo ứng dụng luôn chạy ngầm và bật bluetooth.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người
Theo các chuyên gia, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao. Bộ TT-TT, Bộ Y tế khuyến nghị toàn dân hãy cài Bluezone cho mình và cho 3 người khác.
Để thực hiện việc quản lý tiếp xúc gần, đầu tiên người dùng cần tải về và cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone tại địa chỉ https://www.Bluezone.gov.vn/taiapp
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất