Những suy nghĩ tản mạn khi xem bức ảnh chân dung Văn Cao

05/09/2008 09:23 GMT+7 | Entry của bạn


Bức ảnh chụp chân dung Văn Cao này được trao giải của hội nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nó được chụp vài năm trước khi Văn Cao mất.


Những phím piano ngả ố, thời gian.

Một bức tượng chân dung đặt trên bệ đàn.

Có bó hoa vàng, phải chăng ai vừa tặng?

Cửa sổ căn phòng đã khép.

Người nhạc sỹ im lặng. Sự im lặng dài ba mươi năm…

.


Những biến cố thời cuộc, những định kiến hẹp hòi đã một thời gian đằng đẵng cố đẩy người nghệ sỹ ấy vào lãng quên... Nhưng mây mờ có thể che phủ ngôi sao, chứ không thể dập tắt ánh sáng của ngôi sao ấy. Văn Cao, con người của một thời vang bóng đã được chào đón trở lại trong vô vàn tình yêu mến. Ngày đó, ngày quang mây.

Có câu chuyện kể rằng một nhà báo nước ngoài đã hỏi Văn Cao: giờ đây ông muốn nói điều gì sau bao năm phải im lặng? Người nhạc sỹ già trả lời: “Tôi đã im lặng ba mươi năm, hãy để tôi được im lặng nốt...”.

Không hiểu sao khi nghe câu chuyên ấy, tôi lại hình dung trên môi ông sẽ lãng vãng một nụ cười, nụ cười đó không hề chua chát mà hồn hậu như trẻ nhỏ. Một người đã học im lặng ba mươi năm; một người đã biết cách im lặng ba mười năm; để im lặng ba mươi năm – sẽ không ai làm được nếu trái tim chất chứa quá nhiều trách cứ.

Ngay cả khi sự trớ trêu của số phận chưa trả cho người nghệ sỹ già này cái vinh dự mà lẽ ra phải thuộc về ông, thì con người ông, nhân cách đặc biệt của ông vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sỹ. Tôi từng biết, một nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chụp Văn Cao ngồi bên dương cầm, bàn tay không phải chơi mà nắm lại, đấm xuống phím đàn… Có cả những bức ảnh của đồng bạn chụp Văn Cao trong đời thường, ông nâng ly rượu, thả ánh mắt vào xa xăm; hay nụ cười đôn hậu, bình dị của ông giữa giữa cuộc tửu ngộ, hòa tan vào xiết bao tấm chân tình trìu mến; hay cái dáng xiêu xiêu chậm rãi, tưởng chừng lẫn vảo mảng tường rêu cũ kĩ nơi các con phố… tất cả đã trở thành kí ức bao thế hệ - không phân định đó là kí ức trải nghiệm hay kế thừa.

Người nghệ sỹ già ấy vốn sinh ở Hải Phòng, nhưng cuộc đời ông sống phần lớn ở Hà Nội. Cũng tự bao giờ, tâm thức con người nơi đây đã đồng nghĩa ông với một mảnh hồn Hà Nội.

.

Mỗi lần ngắm bức ảnh trên, trong tôi, cái cảm giác gợi lên là Văn Cao như đã ngồi đấy từ rất lâu rồi, bên sắc nâu bình dị trang nhã, trong nắng thu vàng rộm và những bông cúc chả bao giờ phai sắc, kể cả khi sang mùa…

Những phím đàn im lặng

Bức tượng im lặng.

Người nghệ sỹ già im lặng. Ông im lặng trong tiếng tung hô của bao người, cũng như đã im lặng suốt nửa phần đời.

Một huyền thoại im lặng.

Bỗng nhiên, tôi vẩn vơ câu hỏi, cái gì đang len lỏi trong không gian vô thanh đấy.

Hoài niệm ư? Có thể lắm. Kí ức của người nghệ sỹ đang thả về cõi Thiên Thai, nơi Suối Mơ, hay khúc hào sảng bất khuất của Trường ca sông Lô, hay hóa thân thành chàng Trương Chi đang “vỗ mạn thuyền”...

Nhưng nếu vậy, thì có lẽ chẳng còn gì nhiều để nói…

...Và rồi một lần khi ngắm bức ảnh, tôi thử thay đổi tâm thế của mình, đó là cố khám phá mối giao cảm giữa người nhạc sỹ già với bức tượng tạc chính mình.

Bức tượng chân dung đó do một nhà điêu khắc hâm mộ và yêu quí nhạc sỹ tặng. Ở một nghĩa nào đó, nó giống một tượng đài nghệ thuật về tài năng Văn Cao, một giá trị thẩm mỹ có tên Văn Cao được hữu hình hóa.

Bức tượng Văn Cao đang dõi mắt nhìn xuống chính Văn Cao của ngày hôm nay bằng xương thịt.

Mái đầu bạc trầm xuống. Bàn tay từng viết nên những giai phẩm mê ảo thõng trên phím đàn.

Phải chăng gánh nặng thời gian?

Hay con người trác việt ấy không muốn đối diện với sự trác việt của chính mình, khi mà giờ đây, ông bất lực?...

Người nghệ sỹ trong ông cúi đầu. Im lặng.

.


Với tôi, cái tên Văn Cao không chỉ là sự ngưỡng vọng mà còn như một huyền thoại. Trong âm nhạc, “Văn Cao sang trọng như một ông hoàng”. Ngôn ngữ của ông “vừa cao siêu, vừa trong sáng, vừa thơ mộng”...

Bên cạnh những thành tựu nghệ thuật, tôi còn ngưỡng mộ ông với tư cách là một hiệp sỹ đầy quả cảm. Con người bé nhỏ với nụ cười đôn hậu ấy trước cách mạng từng là đội viên đội ám sát, trực tiếp thi hành các bản án của Việt Minh, như bắn chết Đỗ Đức Phin – Việt gian thân Nhật ở Hải Phòng; hay vụ ông bắn hụt Cung Đình Vận, tuần phủ Thái Nguyên tại Hà Nội…

Có nhiều danh hiệu cấp nhà nước được trao để khẳng định sự cống hiến của một cá nhân như nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú… Nhưng cũng có những người mà trước họ, những danh hiệu này bỗng trở nên nhạt nhòa. Văn Cao là người như vậy. Suốt đời mình, ông được gọi là Nghệ sỹ, và chỉ là Nghệ sỹ thôi, nhưng hàm chứa trong từ viết hoa ấy trọn vẹn ý nghĩa trân trọng và cao quí.

Tài năng Văn Cao, cuộc đời Văn Cao, con người Văn Cao... đã quá nhiều sách báo nói đến, tôi không có ý nhắc lại những điều ấy trong bài viết nhỏ này. Cái tôi muốn đề cập ở đây chỉ là lát cắt suy ngẫm tản mạn cá nhân, chút cảm khái khoảng vô thanh trong đời người nghệ sỹ. Có thể lắm, như nốt lạc trong dàn hợp xướng.


Những dấu chấm than (!) cũng không xuất hiện ở bài viết nhỏ này, bởi thiển nghĩ , một con người đã im lặng ba mười năm, đã im lặng ngay cả khi được chào đón trở lại giữa thảm hoa, trong vô vàn lời xưng tụng... thì những dấu chấm than (!) khi nói về ông trở nên vô nghĩa.

Ông im lặng, bởi trong cuộc đời mình, ông không cần những dấu chấm than (!).
 
 
 
Đinh Vũ Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link