14/11/2015 13:25 GMT+7 | Bóng đá Đức
(Thethaovanhoa.vn) - Giải đấu cao cấp nhất nước Đức có thể đang làm tốt hơn những giải đồng hạng tại Tây Ban Nha hay Italy, nhưng còn thua xa Anh quốc. Một trong những yếu tố “đóng góp” nhiều nhất cho điều đó chính là giá trị bản quyền truyền hình quá rẻ của họ.
Không có cạnh tranh truyền hình
Lý giải đầu tiên là điều dễ dàng có thể nhận ra, khi nghiên cứu về thị trường. Tại Anh, đang có hai đài truyền hình trả tiền tranh đấu. Đó là BT Sports và Sky Sports. Tại Tây Ban Nha, Telefonica và beIN Media Group cũng đối đầu. Tại Italy, Sky Italia và Mediaset cạnh tranh để có trận đấu hay từng vòng một. Trong khi đó, tại Đức, Sky Deutschland độc chiếm thị trường.
Dĩ nhiên một thị trường không có sự cạnh tranh của hai đối thủ trở lên thì sẽ không thể là một thị trường có lợi cho giải đấu.
Văn hóa cổ động viên
Ngoài tính cạnh tranh thị trường, một yếu tố khác cũng cần nhắc tới là văn hóa cổ vũ bóng đá của người Đức khác biệt rất nhiều với các nước khác, đặc biệt nếu so với Anh.
Nước Đức vẫn thường xuyên được nhắc tới như một ví dụ “dân chủ hóa”, “xã hội hóa” CLB bóng đá khi người hâm mộ hoàn toàn có thể trở thành một cổ đông. Điều này thường gây ảnh hưởng tới giá vé – cổ động viên nào cũng mong một mức giá hợp lý (rẻ). Nhưng đó cũng là lý do khiến tăng trưởng tài chính của các đội khó lòng nhảy vọt.Uli Hoeness – cựu Chủ tịch Bayern Munich – từng trả lời phỏng vấn báo DW (Đức) rằng: “Tại Đức, bóng đá không được coi là một ngành công nghiệp giải trí mà được hiểu là một trải nghiệm cộng đồng. Di chuyển theo CLB tới các tỉnh thành khác là một thú vui của người hâm mộ. Ý tưởng về trả tiền để xem bóng đá trên TV không phải điều gần gũi với người Đức. Thế nên bạn sẽ không thể ép người ta phải trả tiền nhiều như ở Anh”.
Truyền thống đối đầu với hiện đại
Ông Austin Houlihan, giám đốc của tập đoàn Sport Business, một thành viên của tổ viết báo cáo Football Money League thường niên của Deloitte cũng đưa ra nhận xét rằng chính người hâm mộ nội địa là một vấn đề ảnh hưởng tới phát triển kinh doanh của Bundesliga.
“Vấn đề là khi xét tới bản quyền truyền hình, cần nhìn nhận cả trên khía cạnh trong và ngoài nước. Chính bản quyền truyền hình ngoài nước cũng đang góp phần đáng kể vào thành công của Premier League và La Liga. Hiện tại, bản quyền ngoài nước của Bundesliga là vô cùng thấp và còn lâu mới đuổi kịp các giải kia, nếu cứ phát triển với tốc độ hiện tại”.
“Rất nhiều người tại Đức cho rằng việc phát triển thương hiệu toàn cầu là không cần thiết” – ông Houlihan lý giải.
Tóm lại, ở thời điểm này, dù Đức vẫn đang phát triển mạnh mẽ và ổn định về chuyên môn, nhưng họ vẫn sẽ cần rất nhiều bước phát triển và chính sách nếu muốn đuổi kịp Premier League về khả năng kiếm tiền. Dĩ nhiên, câu hỏi cuối cùng vẫn chỉ là liệu họ có thực sự muốn trở thành một “giải đấu tiền bạc” hay không mà thôi.
2,5 Hiện tại, bản quyền phát sóng Bundesliga từ 2013 đến 2017 đã được bán với trị giá tổng cộng 2,5 tỷ euro. 52 Giá trị bản quyền truyền hình chiếm 52% tổng doanh thu hàng năm của Bundesliga. 700 Vào năm 2013, ban tổ chức Bundesliga tuyên bố nhắm tới việc đạt doanh thu trung bình 700 triệu euro mỗi năm từ các hoạt động truyền thông. |
Vu Chân (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất