08/07/2014 14:44 GMT+7 | Bán kết
(Thethaovanhoa.vn) - World Cup là nơi tạo ra các huyền thoại và là lời khẳng định của những thế lực bóng đá. Nhưng liệu những ngôi sao lớn đương đại như Lionel Messi hay Neymar có vượt qua được cái bóng của những bậc tiền bối như Pele hay Maradona?
Đó là chủ đề bàn tròn hôm nay, với khách mời là nhạc sĩ Hà Quang Minh, nhà báo Đinh Đức Hoàng (báo Lao Động) và cây viết thể thao Phan Tất Đức.
“Khó mà lật đổ những quyền lực cũ”
Phạm An: Bán kết năm nay, chúng ta lại gặp những cái tên cũ: Brazil, Đức, Argentina, Hà Lan.
Chúng ta đã thấy những kịch tính (đặc biệt là các trận Brazil - Chile và Hà Lan - Costa Rica), nhưng rốt cục thì chẳng có bất ngờ nào cả. Dù trình độ các đội tuyển có vẻ đã gần nhau hơn, nhưng đúng là thương hiệu lớn có giá trị của riêng nó?
Hà Quang Minh: Tôi thấy là các nền bóng đá đã không còn khoảng cách quá lớn với nhau nữa. Nếu cứ phát triển tịnh tiến thế này, biết đâu chừng, nhiều chục năm nữa, Brazil lại thuộc dạng lót đường nhỉ.
Tất Đức: Tôi đồng ý là trình độ các đội tuyển có vẻ gần nhau hơn, nhưng cá nhân tôi có cảm giác đấy là do sự suy yếu, có vấn đề của những đội bóng lớn, chứ không hẳn là do những đội chiếu dưới tiến bộ nhanh. Ấy vậy mà, cuối cùng đâu vẫn vào đó.
Đức Hoàng: Tôi không đồng ý với anh Hà Quang Minh. Tôi cho rằng những hiện tượng như Costa Rica, Colombia, Bỉ thì lúc nào cũng tồn tại. Chỉ có điều năm nay họ ngẫu nhiên tập trung đôi ba đội vào cùng một thời điểm.
Chứ còn thật khó để mà lật đổ được những quyền lực cũ. Hàng thế kỷ nay "bố cục" của bóng đá thế giới vẫn như vậy, và vòng bán kết này vẫn như vậy.
Phạm An: Sự suy yếu này có gắn liền với sự mất bản sắc của họ không, thưa các anh? Theo tôi thì không có một nền bóng đá mạnh nào hiện tại đủ sức tạo ấn tượng như những gì đã định hình trong quá khứ?
Hà Quang Minh: Bóng đá hiện đại không còn bản sắc nữa. Toàn cầu hóa đã giúp bóng đá được cập nhật ở mọi nơi. Ngay tại Việt Nam thôi, người ta cũng có thể chọn lối đá hiện đại nhất hiện nay, miễn là phù hợp với năng lực cầu thủ. Tôi cho rằng cũng chính toàn cầu hóa đã khiến các nền bóng đá lớn tiến với tốc độ chậm trong khi các nền bóng đá nhỏ thì tăng tốc vì họ được tiếp cận với kinh nghiệm quý giá nhanh hơn.
Tất Đức: Mất bản sắc thì hẳn rồi. Brazil không nhảy Samba, Hà Lan không còn nổi lốc... Nhưng đấy là sự suy yếu của cả nền bóng đá. Còn ví dụ như ĐT Đức, họ vẫn còn đấy những cá nhân tuyệt vời, nhưng quả thật họ chơi không ấn tượng như cách đây 4 năm. Tuy nhiên, chẳng sao cả nếu cuối cùng họ vẫn vô địch.
“Bóng đá hiện đại triệt tiêu bản sắc”
Đức Hoàng: Trong thế giới phẳng thì việc triệt tiêu các phong cách là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là khi bóng đá không hoàn toàn là văn hóa. Nếu sự mai một về văn hóa mới đáng bàn. Bóng đá không thuần túy văn hóa, mà còn là kinh doanh. Nên nó cần đặt tính hiệu quả lên trên.
"Kinh doanh" ở đây không chỉ là việc các đội bóng, cầu thủ, HLV kiếm được tiền. Khi một đội bóng vô địch thì thương hiệu quốc gia được nâng lên, đó chính là "kinh doanh".
Nếu như nó là một điệu nhảy, một điệu hát Xoan, chỉ hát cho dân ta nghe thì bản sắc lúc ấy mới là thứ cần bảo toàn tuyệt đối - không được thỏa hiệp.
Phạm An: Các anh có nghĩ ngôi sao ngày xưa luôn hay hơn ngôi sao bây giờ không? Ví dụ như Pele và Maradona là những người mà Messi hay Neymar không bao giờ có thể vượt qua, dù họ có giành được nhiều chiến tích vĩ đại thế nào đi nữa?
Đức Hoàng: Theo tôi, bóng đá bây giờ chỉ còn trông vào sự ngẫu hứng của các ngôi sao, chứ còn toàn bộ hệ thống đã trở thành một khối xơ cứng. Người ta cũng không còn cảm thấy sự cần thiết của những phong cách bóng đá nữa.
Hà Quang Minh: Tại truyền thuyết thôi An ơi. An có tin là 30 năm nữa, chả ai nhắc Pele, Maradona và Platini cả, câu chuyện sẽ cứ Messi, Ronaldo và Zidane không? Truyền thuyết cần thời gian để xây dựng.
Phạm An: Tôi không tin, anh Hà Quang Minh, truyền thuyết tạo ra nhờ thời gian và ấn tượng, 30 năm nữa, ấn tượng về Pele và Maradona vẫn sẽ mãi còn, vì họ là người đi tiên phong, Messi và Neymar đã bị đóng đinh trong ấn tượng là hậu bối của họ rồi.
Tất Đức: Phạm An nói đúng, sẽ khó có ai vượt qua Pele hay Maradona. Đơn giản bởi những thứ đó đã đi vào tiềm thức, chưa kể truyền thông giai đoạn ấy chưa phát triển, thế hệ sau sẽ không có dịp theo dõi trực tiếp nhiều những màn trình diễn của họ, ngoài nghe kể. Mà những lời kể thì thường được thậm xưng hơn thực tế.
Đức Hoàng: Thú thực là trong số chúng ta ở đây chưa ai theo dõi trọn vẹn sự nghiệp của Pele, Eusebio hay thậm chí là Maradona (giai đoạn anh đá cấp CLB ở Argentina) cả.
Và tất nhiên, các ngôi sao ngày xưa không bị truyền thông "dày vò" theo kiểu Giggs ngủ với em dâu, Messi trốn thuế, Neymar chơi bời, ngạo mạn. Có lẽ là những câu nói hớ của họ cũng không bị mổ xẻ, bị quy chụp. Có lẽ Pele cũng đã từng mắng mỏ đồng đội một vài lần, nhưng không có một vạn bài báo nói anh ta là kẻ lạm quyền như Messi ở Barca.
Hà Quang Minh: Tôi đồng ý với anh Hoàng. Nên ta bị truyền thuyết ru ngủ họ là thần thánh. Thì sau này, thế hệ sau cũng như ta thôi, khi nói về Messi.
“Sẽ không ai vượt qua ấn tượng về Pele hay Maradona”
Phạm An: Các anh có thấy đó là sự bất công không? Ngôi sao ngày nay chạy 11 km một trận là chuyện bình thường, trong khi ngôi sao trước kia (thời Pele chẳng hạn) chạy 7 km/ trận đã là nhiều rồi? Rồi chiến thuật bóng đá hiện đại cũng khắc chế khả năng các cá nhân nữa? Tôi thấy các ngôi sao bây giờ phải chống chọi với nhiều thứ hơn, và họ tỏa sáng được cũng là điều phi thường hơn, nhưng họ luôn phải sống dưới cái bóng của những huyền thoại mà lịch sử đã dựng lên. Đúng như anh Đức Hoàng nói, cái gì mà càng mù mờ thì lại càng lắm thần tượng và huyền thoại.
Đức Hoàng: Thể chất con người cũng thay đổi mà anh An. Ngay cả trong những môn điền kinh mà vận động viên không chịu sức ép của truyền thông, thì kỷ lục thế giới vẫn được phá đều đặn.
Tất Đức: Bù lại cầu thủ bây giờ nhận được nhiều sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật hơn mà Phạm An. Nếu coi đó là bất công thì sao không coi đó là động lực cho các ngôi sao hiện tại?
Phạm An: Ngay cả thế, tôi vẫn cho là thật bất công nếu một thời đại mà đa phần đều không trực tiếp xem Pele và Maradona, hay Beckenbauer đá bóng, mà luôn phải coi họ là những Vua, Hoàng đế, Cậu bé Vàng duy nhất. Messi, Ronaldo, hay Neymar không xứng đáng với điều đó sao? Họ tạo lịch sử cho riêng mình thế nào với những ấn tượng ăn sâu như thế?
Tất Đức: Vì họ là những người khai phá. Beckenbauer tạo ra vị trí libero, Pele tạo ra thương hiệu bóng đá Brazil, Maradona là số 10 của thế giới... bao giờ những người đặt nền tảng cho những cuộc cách mạng mà chẳng tạo ra những ấn tượng sâu đậm.
Hà Quang Minh: Cầu thủ về sau, để lên tầm huyền thoại khó hơn cầu thủ ngày xưa rất nhiều. Vì câu chuyện truyền thuyết về họ sẽ dễ bị kiểm chứng bởi các thông tin và hình ảnh tràn lan trên mạng.
Và làm được điều khó hơn, chắc chắn họ phải giỏi hơn nhiều.
Đức Hoàng: Chúng ta quay trở lại câu chuyện cũ: Những ngôi sao đó gắn bó với một "trường phái bóng đá", là khai tông lập phái. Ngoài đời có thể có nhiều người giỏi võ hơn và đánh thắng được Lý Tiểu Long hay Diệp Vấn chứ. Nhưng họ không phải là kẻ khai tông lập phái.
Trong một thế giới bóng đá không còn coi trọng trường phái như hiện nay, thì cầu thủ chỉ là một chi tiết máy. Nên họ không thể làm Hoàng đế, làm Vua nữa. Cũng như Ngô Kinh hay Chân Tử Đơn không thể trở thành Lý Tiểu Long mới được.
Phạm An: Vâng, có lẽ đó là câu chuyện của thời đại và có lẽ tất cả chúng ta đều phải chấp nhận vậy.
Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất