'Bán vé xem mỹ thuật nhằm tạo một thói quen công bằng'

09/08/2017 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2 tháng trở lại đây, Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, TP.HCM) đã áp dụng việc bán vé cho khán giả. Mức giá họ đưa ra là 35.000 đồng đối với người lớn, 25.000 đồng với sinh viên, miễn phí với người 16 tuổi trở xuống. Đây có lẽ là mô hình mỹ thuật tư nhân đầu tiên tại Việt Nam áp dụng việc bán vé xuyên suốt, mà mục đích trước mắt của họ không phải để có thu nhập.

Đại diện cho The Factory, Lê Thiên Bảo (trợ lý của giám tuyển và giám đốc nghệ thuật Zoe Butt) trao đổi cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về mô hình còn khá mới mẻ này.

“The Factory muốn tạo một thói quen công bằng. Chúng tôi nhận thấy đã đến lúc công chúng cần ý thức việc thưởng thức mỹ thuật bằng tấm vé. Điều này ở Việt Nam tuy chưa phải là thông lệ, nhưng có một thực tế mà mọi người đều phải công nhận: nếu cộng đồng không chung tay đóng góp cho mỹ thuật thì chúng ta không thể phát triển tự nhiên, bền vững được” - Lê Thiên Bảo nói.

Chú thích ảnh
Trợ lý giám tuyển Lê Thiên Bảo. Ảnh: Alexander McMillan

* Gần 2 tháng áp dụng việc bán vé, khán giả đến The Factory chủ yếu là ai?

- Thời gian đầu, do chúng tôi ở khu vực quận 2 nên khách hàng chủ yếu là người nước ngoài sinh sống lân cận. Càng về sau, nhờ cách quảng bá và thiết kế chương trình hướng đến công chúng địa phương (tất cả các thông tin chúng tôi đưa ra đều bằng tiếng Việt trước, tiếng Anh sau; chương trình có diễn giả nước ngoài đều có người phiên dịch), nên hiện nay thành phần mua vé tham quan đã gần 80% là người Việt. Trong đó hơn một nửa là sinh viên, học sinh, hoặc khán giả dưới 35 tuổi.

* Đưa ra quyết định này có gây khó khăn gì cho The Factory không?

- Lúc đầu cũng có những ý kiến trái chiều về việc bán vé này, vì nó có vẻ mâu thuẫn với thực tế tại Việt Nam, khi mà đa phần triển lãm là miễn phí. Từ khi thành lập vào tháng 4/2016 đến đầu tháng 6/2017, The Factory cũng mở cửa hoàn toàn miễn phí như vậy.

Khi bán vé từ giữa tháng 6/2017, chúng tôi tin rằng vẫn còn nhiều khán giả chưa quen với việc phải bỏ ra một chi phí (dù rất nhỏ) để tham quan triển lãm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của The Factory, cũng không ít người tham quan rất ý thức và vui vẻ đóng góp, chúng tôi hướng đến họ.

Chú thích ảnh
The Factory có diện tích rộng hơn 1.000m2, hoạt động theo mô hình của không gian đương đại. Ảnh: FCAC

* Các bạn tìm kiếm điều gì từ những tấm vé bán được?

- Chúng tôi tìm kiếm ý thức và sự quan tâm, chia sẻ. Như vậy, chỉ những ai thực sự muốn xem mỹ thuật đương đại mới bỏ tiền ra mua vé. Lúc ấy họ sẽ chịu khó hơn trong việc tìm hiểu triển lãm, cũng như sẽ dành nhiều thời gian hơn trong phòng đọc. Chính sự tìm hiểu kỹ ấy phần nào giúp họ hình dung được những chương trình trong tương lai, và giá trị đồng tiền mà họ trả cho chúng tôi.

Đồng thời, việc bán vé cũng hạn chế các thành phần đến đây chỉ để sử dụng không gian và tác phẩm như một phông nền chụp hình phục vụ các mục đích phi nghệ thuật khác. Nếu khách mua vé, tham quan và tiếp tục muốn quay lại thì đó mới thực sự là đối tượng mà chúng tôi nhắm đến.

* Vậy thì định hướng của The Factory hướng đến một trung tâm đương đại như thế nào về mặt nghệ thuật và thương mại?

- Ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng The Factory là một trung tâm nghệ thuật ưu tiên cho việc giáo dục, không phải chỗ để đến cho vui, hoặc để chụp hình “tự sướng”. Với mỗi sự kiện hoặc triển lãm, người xem chỉ phải mua vé 1 lần, giữ vé đó có thể quay lại xem bất cứ lúc nào trong thời gian diễn ra sự kiện hoặc triển lãm đó.

Mỹ thuật Việt Nam ‘nhập cuộc’ cùng ‘ngoại giao văn hóa’

Mỹ thuật Việt Nam ‘nhập cuộc’ cùng ‘ngoại giao văn hóa’

Sáng nay (8/4) tại Hà Nội đã diễn Lễ bàn giao tranh của các họa sĩ tham gia chương trình Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa của Vụ Văn hoá Đối ngoại và Unesco (Bộ Ngoại giao)

Theo ước tính, tuy tiền vé mỗi tháng chỉ đủ trả tiền điện nước cho không gian, nhưng sẽ giúp chúng tôi sàng lọc được khách hàng thực sự quan tâm và thích chia sẻ. Đây cũng là khởi đầu cho việc “mua vé tham quan mỹ thuật là đương nhiên”, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng rằng “nghệ sĩ và không gian sáng tạo cũng cần phải sống” như mọi ngành nghề khác.

Đôi nét về Lê Thiên Bảo

Lê Thiên Bảo hiện là trợ lý của Zoe Butt - giám tuyển và giám đốc nghệ thuật của The Factory. Tổ làm việc này có 3 người, gồm Zoe Butt, Bill Nguyễn và Lê Thiên Bảo. Họ cùng nhau lên chương trình, giám tuyển và tổ chức toàn bộ các chương trình, sự kiện, triển lãm, trưng bày... tại The Factory.

Một số dự án giám tuyển tiêu biểu của cô: dự án giáo dục “Những can thiệp nối dài” (2016) của Lê Phi Long, The Factory, TP.HCM; triển lãm “Mắc Xích” (2017) của Lê Hoàng Bích Phượng, TP. HCM; đồng giám tuyển triển lãm “Trong tôi, của tôi” (2017) với Saigon Artbook 7, nhóm 5 nghệ sĩ, The Factory, TP.HCM.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link