Nhà thơ Trần Mai Hưởng: Người đi tìm những vẻ đẹp

26/11/2016 15:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng vừa cho ra mắt tập thơ đầu tay "Lời người bán rong".  Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, PCT Hội Nhà văn VN nhận xét: "Trần Mai Hưởng là một nhà báo. Cũng vì thế mà đề tài chính trị, thời sự không thể không đi vào thơ ông. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị của một lương tâm, thời sự ông mang vào thơ là thời sự của một lịch sử dân tộc".

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

"Tay run mình đỡ tháng năm

Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người..."

Tôi muốn mở đầu bài viết nhỏ về tập thơ của nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hưởng bằng chính hai câu thơ lục bát nói trên của tác giả. Hai câu thơ đó ở giữa nhiều những câu thơ đáng nhớ khác, nó không phải hai câu thơ trong bài thơ mở đầu và cũng không phải hai câu thơ mà tác giả lấy làm đề từ. Nhưng tôi lấy hai câu thơ ấy làm đề từ cho những suy nghĩ của tôi về thơ ông.


Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng, Nguyên TGĐ Thông tấn xã Việt Nam

Tại sao tôi lại lấy hai câu thơ ấy như một đề từ, như sự mở đầu của bài viết ? Trong cách nhìn của mình, tôi nhận thấy, trong tập thơ này, tác giả Trần Mai Hưởng đề cập đến nhiều không gian, thời gian và sự kiện khác nhau, nhiều vấn đề mà con người đang phải đối mặt trong đó có cả những vấn đề thời sự trong nước và ngoài nước.

Thế nhưng, điều xuyên suốt những bài thơ cho dù trực tiếp hay gián tiếp và câu hỏi vang lên không ngừng trong những bài thơ ấy là ý nghĩa đích thực của đời người và những vẻ đẹp của đời sống. Cho dù ý nghĩa đích thực và vẻ đẹp ấy lại thường đi qua chúng ta thật mong manh.


Bìa tập thơ "Lời người bán rong"

Sau bao nhiêu năm sống trên thế gian này, con người Trần Mai Hưởng đã đi qua bao thách thức, bao buồn vui và có những năm tháng đi qua chiến tranh cận kề cái chết, nhưng khi nhìn lại những năm tháng ấy, ông đã cảm nhận đời sống này trong một cảm xúc nâng niu, trân trọng và run rẩy. Câu thơ “Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người ” làm tôi thực sự xúc động và ấn tượng.

Tôi như cảm nhận được ngọn gió của đời sống trong câu thơ ấy thổi qua những kiếp người trên thế gian. Tôi không bàn về nghệ thuật của câu thơ này khi mà hầu như những câu thơ viết về thời gian mà tôi biết có động từ “chảy” thì chưa ai viết “ chảy ngang mặt người” như tác giả Trần Mai Hưởng. Tôi chỉ muốn nói đến sự nhận biết lớn lao của tác giả về đời sống của một kiếp người.


Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng (bên trái) và nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long trên đường chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

Không có sự nhận biết ấy, ông sẽ không có những tiếng kêu đau đớn về những giá trị đích thực và những vẻ đẹp của đời sống đang bị lãng quên và đang bị chà đạp hoặc đánh tráo. Và không có sự nhận biết ấy thì ông không thấy thời gian chảy ngang mặt người được. Câu thơ ấy giản dị và mong manh nhưng lại có sức chứa thật lớn về kiếp người.

Trần Mai Hưởng là một nhà báo. Ông theo đuổi nghề báo trong mấy chục năm cho đến lúc về hưu. Chính thế mà một một đặc điểm nổi trội trong thơ của tác giả Trần Mai Hưởng là tính chính luận và thời sự.

Cũng vì thế mà đề tài chính trị, thời sự không thể không đi vào thơ ông. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị của một lương tâm, thời sự ông mang vào thơ là thời sự của một lịch sử dân tộc.

Bởi thế ông viết về chính trị là viết về Nhân Dân, vì Nhân Dân là mục đích duy nhất và tối thượng của một nền chính trị chân chính:

Bao trận cuồng phong nhân dân là gió
Cuốn phăng đi cung điện đền đài
Đưa đất nước qua thời tao loạn
Lại trở về với hạt lúa củ khoai

Bao biến động nhân dân là biển
Triệu giọt li ti nên sóng cả muôn trùng
Ẩn trong những phận người phiêu dạt
Từng mảnh nhân dân khắc khoải điêu linh

Và:

Những người dân thường
Gánh xứ sở này trên vai
Đi dọc thời gian
Máu thắm từng khoảnh đất

Bởi thế ông viết về chiến tranh :

Những người giữ đất năm xưa ấy
Mây trắng giờ về muôn nẻo xa
Người còn nằm lại bên ghềnh đá
Mùa về cây gửi những nhành hoa

Và đây là những câu thơ thời sự của ông:

Biển xanh quá sao lòng không yên tĩnh
Nghe trong sóng vỗ tiếng gươm khua
Hồn nước mênh mang trong gió chướng
Muôn đội hùng binh cưỡi sóng hiện về.

Với một lương tâm và lòng trắc ẩn ấy, mà ông, một nhà báo, đã viết những câu thơ về nghề báo của mình thật đặc biệt, thật mới và thật nhân văn :

Anh ngồi đây
Âm thầm đón đợi
Những con chữ tìm tổ bay về
Như một đàn ong cần mẫn
Sáng mai này
Em thấy trên tay
Ngày mới thơm trên từng đôi cánh chữ

Cập nhật những vấn đề thời sự là công việc của một nhà báo, nhưng tìm ra ý nghĩa nhân văn sâu sắc và bền vững từ những sự kiện thời sự ấy là sứ mệnh của một nhà thơ. Một nhà báo thông thường chỉ biến một sự kiện thời sự thành một sự kiện chính trị, xã hội với những lý giải và thái độ của mình... nhưng một nhà thơ thì phải biến những sự kiện chính trị, xã hội...thành sự kiện của tâm hồn.


Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng (bên trái) và nhà nhiếp ảnh Xuân Lâm tại mặt trận Quảng Trị năm 1972

Trong mỗi bài thơ mà tác giả Trần Mai Hưởng viết về những vấn đề chính trị, xã hội... ông đều nhận ra trong mỗi sự kiện ấy là một giá trị tinh thần và một thông điệp của chủ nghĩa nhân văn. Những câu thơ, khổ thơ mà tôi trích dẫn ở trên đã minh chứng điều đó. Trong tất cả mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống này mà ông là một nhân chứng, lúc nào ông cũng đi tìm lại những gì đã làm nên vẻ đẹp của cuộc sống đó. Trong bài thơ Hồn Làng, khổ thơ cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ Trần Mai Hưởng viết :

Những nông dân không ruộng
Bỗng dưng thành mồ côi
Những làng đang tan vỡ
Hồn về đâu cả rồi ?

“Những nông dân không ruộng” là một vấn đề thời sự, một vấn đề lớn của xã hội. Đấy là thông tin của một nhà báo. Nhưng “Những làng đang tan vỡ/ Hồn về đâu cả rồi” là vấn đề lớn của văn hóa. Và trong hai câu thơ này, một nhà thơ xuất hiện. Lúc đó, tôi hình dung thấy một kẻ lang thang đi tìm hồn của những làng quê đang tan vỡ ấy với một tiếng kêu đau lòng “ Hồn về đâu cả rồi”.


Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng ở Tây Nguyên (1983) khi đang là phóng viên Báo Ảnh Việt Nam

Tiếng kêu ấy cũng chính là lời cảnh báo về một cái chết của văn hóa dân tộc. Đấy chính là cuộc “hành hương” của một con người đi tìm lại những giá trị văn hóa, những giá trị tinh thần đã làm nên ý nghĩa sống của một con người, của một dân tộc, đã làm nên vẻ đẹp và tên gọi của xứ sở này. Cuộc “hành hương” này xuất phát từ bài thơ đầu tiên đến bài thơ cuối cùng.

Cho dù cuộc “hành hương” đó để đi tìm một vùng đất hay một con người cụ thể thì chỉ là cuộc đi tìm lại những giá trị sống. Trong những bài thơ ấy lúc nào cũng vọng lên tiếng gọi của ông, một kẻ đi tìm, không phải đi tìm lại quá khứ mà đi tìm những vẻ đẹp đã mất. Tiếng gọi ấy lúc thì thảng thốt, lúc thì đau đớn, lúc thì buồn bã nhưng da diết và thương nhớ. Xin hay nghe tiếng gọi ấy trong tâm hồn ông:

Buồn vui Nho Quế một nẻo trời
Bao nhiêu mây nước tháng năm trôi
Hỏi sông còn nhớ người tri kỷ
Con sóng xanh như khẽ mỉm cười

(Trích: Bên sông Nho Quế)

Một chiều về qua phố
Chạnh lòng nhớ bạn xưa
Những ngày trong trẻo ấy
Tìm ở đâu bây giờ?

(Trích: Góc phố xưa)

Mùa thu này Hà Nội
Vẫn thấp thoáng bóng người
Trang sách xưa gõ cửa
Sao chưa về người ơi

(Trích: Thu nhớ một người)

Từ nơi xa ngoảnh nhìn đất nước
Cuối trời kia nơi ấy quê mình
Có nỗi nhớ chia đôi bờ nhật nguyệt.
Hồn viễn xứ về nẻo cũ không em...

(Trích: Nỗi nhớ những chân trời)


Nhà thơ, nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Ngô Hà Thái (Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam) trong một lần cùng nhau "chinh phục" đỉnh Phanxipan

Đặt những câu thơ, khổ thơ nói trên một cách liên tiếp là tôi muốn cho chúng ta nghe thấy tiếng gọi da diết, khắc khoải và khôn nguôi của một con người về con người và xứ sở của ông. Tiếng gọi ấy lúc trực tiếp, lúc gián tiếp trong toàn bộ các bài thơ trong tập thơ. Lòng không yêu thương con người, không yêu thương mảnh đất xứ sở này, không nổi giận với những gì bất công, gian trá thì không cất lên được tiếng gọi ấy. Và đấy là điều đã làm nên thế giới tâm hồn và thơ ca của ông.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link