Báo chí - mạng xã hội - showbiz là mối quan hệ tương hỗ

21/06/2015 18:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Công Hân (VOV): Báo chí - mạng xã hội - showbiz là mối quan hệ tương hỗ

Mạng xã hội ra đời thực sự mang lại rất nhiều tiện ích, thuận lợi cho phóng viên. Cách đây 10-15 năm, khi muốn phỏng vấn một nghệ sĩ, ca sĩ nào đó, tôi thường phải hẹn qua điện thoại, rồi xin ảnh rất khổ sở mới có được. Bây giờ thì những chuyện đó giải quyết vô cùng dễ dàng qua Facebook, thậm chí, chỉ cần inbox là có thể trao đổi, phỏng vấn trực tiếp được nghệ sĩ đó rồi.

Có thể thấy, mạng xã hội khiến công việc của phóng viên đơn giản hơn rất nhiều. Chẳng thế mà có nhiều báo và trang tin điện tử còn lập hẳn đội ngũ biên tập viên chỉ việc ngồi nhà lướt Facebook của người nổi tiếng để viết thành tin, bài.

Nhưng, chính sự dễ dàng đó khiến phóng viên, biên tập viên cẩu thả, dễ dãi với nghề, nhiều khi họ không cần kiểm chứng thông tin mà nghiễm nhiên coi những status và hình ảnh của người nổi tiếng đưa ra là đúng và đưa lên trang báo một cách hồ đồ. Còn nghệ sĩ, nhiều người bực mình khi thông tin đời tư, hình ảnh cá nhân bị xài “chùa” trên báo mà không hề được phóng viên xin phép. Ngược lại, cũng có nghệ sĩ lợi dụng sự dễ dãi của báo chí đó để đánh bóng tên tuổi, tung scandal gây ầm ĩ trên báo chí.


Nhà báo Công Hân

Tôi nghĩ mối quan hệ tay ba “báo chí - mạng xã hội - showbiz” là mối quan hệ tương hỗ, ba bên cùng có lợi. Tuy nhiên, báo chí - phóng viên vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc đạo đức cơ bản của nghề báo, đó là thông tin trung thực, khách quan!

Gần đây, câu chuyện “Tập đoàn thánh bóc” moi móc đời tư của nghệ sĩ tung lên Facebook, theo tôi, đó là những chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách. Có thể có hàng trăm ngàn người đọc và chia sẻ thông tin đó, nhưng tôi tin, nhiều người chỉ đọc cho vui, đọc để giải trí chứ họ không coi những thông tin đó đáng tin cậy.

Nói vậy để thấy, sức mạnh lớn nhất của báo chí vẫn là sự trung thực, khách quan, chỉ có điều đó mới giúp báo chí có được độc giả, để độc giả thấy cần báo chí.

Nhà báo Trần Việt Tú (VTC News): Sự cạnh tranh khốc liệt của báo chí và mạng xã hội

Hiện nay, không chỉ có báo in mà báo điện tử đang bị mạng xã hội cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút độc giả. Trước đây khi mạng xã hội chưa ra đời, có thể nói các tờ báo là nguồn duy nhất cung cấp thông tin và phân phối thông tin hàng ngày tới đông đảo công chúng, nhưng thế độc quyền này đã bị mạng xã hội phá vỡ.

Trong vòng xoáy  sức mạnh lan truyền và liên kết khủng khiếp của các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter thì chính các báo điện tử, loại hình báo chí được xác định là cập nhật nhanh nhất hiện nay, cũng đang thua về tốc độ.


Nhà báo Trần Việt Tú

Thực tế trên đã đẩy các báo buộc phải dựa vào mạng xã hội để làm báo và phát triển đề tài.

Những thông tin từ mạng xã hội đang là một kho đề tài với các báo. Nguồn đề tài từ mạng xã hội này khá dồi dào, bởi nó được khơi lên từ hàng triệu thành viên mạng.  Vì thế, nếu biết tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá để đưa ra những thông tin chính xác, các đề tài của báo chí sẽ trở nên phong phú hơn.

Trong lĩnh vực showbiz nói riêng, mạng xã hội đang giữ vai trò “định hướng” cho nhiều tờ báo giải trí. Hầu hết các ngôi sao đều biến trang cá nhân của mình thành một kênh cung cấp thông tin chính thức cho người hâm mộ cũng như báo chí. Đồng thời, đây cũng là kênh phản biện các vấn đề liên quan đến cá nhân ngôi sao.

Do đó, nếu trước đây, thông tin báo chí thường chỉ là một chiều, thì hiện nay, bất cứ thông tin nào báo chí đưa ra cũng bị chính các ngôi sao “soi ngược”. Không thiếu các trường hợp thông tin báo chí bị chính các ngôi sao tố cáo là sai lệch buộc người viết phải có cải chính.

Mặt khác không thể phủ nhận, báo chí hiện nay phải lấy mạng xã hội làm thước đo sức hấp dẫn thông tin mình đưa ra dựa trên mức độ lan truyền, chia sẻ, những thông tin trên mạng xã hội hàng ngày.

Đặc biệt trong lĩnh vực giải trí, sự chia sẻ từ các trang cá nhân của người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn hơn bất cứ một trang báo nào. Thậm chí với những trang cá nhân hàng triệu người theo dõi, lượng quan tâm tới bài báo là hàng trăm nghìn người.

Do đó, phương thức làm báo cũng bị thay đổi. Nhiều trang mạng buộc phải làm báo theo những từ khóa hot là tên của các ngôi sao có lượng quan tâm lớn trên mạng để những đề tài làm ra sẽ tạo được hiệu ứng lan truyền với tốc độ nhanh và rộng khi lên trang.

GS Richard Kibon: Nhà báo và blogger - lựa chọn một trong hai công việc?

Trong hội thảo khoa học “Trách nhiệm xã hội và Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số” tổ chức tại Hà Nội hôm 10/6/2015, ông Richard Kibon, Giáo sư danh dự về truyền thông của Đại học Stirling (Scotland) đã nhắc lại scandal của tờ báo lá cải ở Anh - News Of The World. Tờ này đã bị đóng cửa vào năm 2011 sau bê bối nghe lén điện thoại của người nổi tiếng bị phanh phui.


GS Richard Kibon

GS Richard Kibon gọi cách thức làm việc của tờ News Of The World “là một chiến lược vô đạo đức”.

Ông nói: “Ở Anh nghe lén là một hành vi bất hợp pháp, nhà báo nghe lén có thể ngồi tù. Sau vụ việc này công chúng lo sợ dân chủ tự do thái quá sẽ ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân. Vụ việc nói trên đã để lại di chứng cho đến bây giờ vẫn chưa thể khắc phục hết”.

Chia sẻ về việc những người làm báo viết blog hoặc dùng Facebook, GS Richard Kibon cho biết: “Tôi có quen một phó tổng biên tập một tờ báo. Ông ấy cũng là một blogger. Khi viết trên blog ông ấy có quan điểm rất khác với tờ báo của ông ấy. Cuối cùng ông ấy đã phải lựa chọn một trong hai công việc..”.

Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link