06/02/2025 05:45 GMT+7 | Thể thao
Ngay ở các hội thảo gần đây liên quan đến Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam 2030-2045, thì những trao đổi về lĩnh vực kinh tế thể thao cũng rất ít đề cập đến nguồn thu từ bản quyền hình ảnh. Cho đến nay, dường như đây chính là điểm tắc lớn nhất, khó giải quyết nhất của thể thao Việt Nam (TTVN). Thậm chí, ngay cả việc đặt câu hỏi "bao giờ mới có" cũng đã rất khó.
Ấy thế nhưng hơn 20 năm trước, suýt nữa đã có một thỏa thuận lịch sử về bản quyền truyền hình tất cả các giải đấu thể thao quốc gia tại Việt Nam. Những gì đã xảy ra đã là lịch sử, và cũng chẳng ai dám chắc là nếu thỏa thuận ngày đó được thực hiện thì liệu nó có tồn tại đến bây giờ hay không? Hiện nay, chỉ duy nhất bóng đá là đạt được một thỏa thuận có thể xem là cụ thể hóa được giá trị thương mai về bản quyền thể thao tại Việt Nam thông qua việc độc quyền phát sóng các giải chuyên nghiệp của FPT Play trong 5 năm.
Có một thực tế thế này: rất nhiều môn thể thao tại Việt Nam có "hình ảnh" nhưng không tồn tại được khái niệm "bản quyền" nếu hiểu theo nghĩa khai thác thương mại. Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội đã cho phép mọi trận đấu từ đỉnh cao đến phong trào ở mọi môn thể thao "phát sóng" trực tiếp trên những nền tảng cà truyền hình lẫn mạng xã hội, cả cho những dịch vụ có thu phí người dùng đến miễn phí. Vấn đề là dù các Liên đoàn hay những nhà tổ chức có thu được tiền hay không, thì thực tế là chẳng có khái niệm "bản quyền" nào cả. Hình ảnh gần như được "cho không", chỉ hy vọng ở mức độ "tử tế" của các kênh phát, tối thiểu là một lời xin phép.
Sòng phẳng mà nói, ngay đến bóng đá phổ biến và phức tạp trong việc sản xuất hình ảnh, nhưng đến gần đây mới "bán" được bản quyền thì rõ ràng rất khó hy vọng những môn thể thao khác sẽ kiếm ra tiền từ hình ảnh của các sự kiện – giải đấu thuộc sở hữu của mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trước khi tính đến chuyện bán được hay không, bao nhiêu tiền, thì phải làm cho tốt hoạt động "bản quyền". Mà việc này, dường như lại nằm ngoài tầm tay, hoặc không được quan tâm một cách đúng mức từ các đơn vị điều hành thể thao đỉnh cao tại Việt Nam.
Và đấy là vấn đề của TTVN trong nỗ lực tìm kiếm một nền kinh tế thể thao thực thụ. Ngay khía cạnh quan trọng bật nhất của công tác kiếm tiền, thuộc quyền sở hữu duy nhất của mình, thế mà vẫn chưa thể "đóng gói" hoàn chỉnh để có một "sản phẩm" mà chào bán. Số giải đấu quốc gia chính thức do các bộ môn tổ chức hàng năm khá ít, tối đa cũng chỉ 3-5 giải, quy tụ những VĐV hàng đầu, bao gồm các ngôi sao vốn có tầm ảnh hưởng nhất định đối với công chúng cũng như có lượng người hâm mộ riêng trên mạng xã hội. Đó là một "tài sản" rất giá trị mà các liên đoàn/bộ môn đang độc quyền khai thác. Thế nhưng, có vô số các trận đấu hay trên YouTube ở các giải vô địch quốc gia của nhiều môn khá phổ biến tại Việt Nam được phát sóng mà hoàn toàn không có bất kỳ logo hay được "đóng dấu" sở hữu bởi các Liên đoàn.
Hai ba mươi năm trước, việc sản xuất và khai thác hình ảnh, đặc biệt là phát sóng trực tiếp, sẽ khó khăn do yêu cầu về kỹ thuật. Nhưng hiện nay, để tổ chức livestream các trận đấu, nhất là các môn diễn ra trong nhà thi đấu, thì lại quá đơn giản và chi phí thấp, hoàn toàn nằm trong khả năng của các Liên đoàn để họ vừa sản xuất và "đóng gói" sản phẩm quan trọng nhất của hoạt động kinh tế thể thao. Tiếc là …
Nếu câu hỏi "Bao giờ bán được bản quyền" có thể còn rất lâu mới thành hiện thực, thì có một câu hỏi dễ hơn "khi nào thì các môn thể thao của Việt Nam tự mình sở hữu bản quyền?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất