30/11/2017 11:17 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp những ngày gần đây, thông tin về các vụ việc bạo hành với trẻ nhỏ khiến xã hội chấn động.
Một cháu bé chưa đầy 2 tháng tuổi bị người giúp việc đánh, tát, quăng quật, tung lên cao. Các em nhỏ học trường mầm non bị đập bằng chai nhựa, nắp vung, bị đánh bằng dao. Em bé đi ngoài phố bị bảo vệ khu phố cứa đứt cổ. Em gái ở cùng cha và dì ghẻ mang những vết bỏng như bị dí que sắt nung đỏ. Đỉnh điểm là vụ một bé sơ sinh 20 ngày tuổi tại Bỉm Sơn (Thanh Hoá), bị sát hại bởi chính bà nội của mình.
Mỗi một vụ việc là một hoàn cảnh. Người giúp việc – thủ phạm trong vụ tung em nhỏ lên cao, khi bị bắt đã khai rằng đứa trẻ quấy khóc, khiến bà ta bức xúc và “đầu óc không bình tĩnh”. Chủ trường và các bảo mẫu trong vụ hành hạ các học sinh mầm non thì biện minh rằng, các bé hiếu động khiến họ “nóng nảy”, phải “dằn mặt” để các con nghe lời.
Bé gái 7 tuổi ở Kiên Giang, được hàng xóm cho hay thường xuyên bị cha và mẹ kế hành hạ, đôi khi chỉ vì lý do em tạt vào thăm ông bà ngoại.
Gã bảo vệ giết em nhỏ khai với cơ quan công an là “nghe văng vẳng có tiếng thằng bé chửi mình, nên cắt cổ cho đỡ phải nghe”. Còn người bà đã đang tay giết chết đứa cháu ruột 20 ngày tuổi, lý do ban đầu chỉ là “nghe lời thầy bói phán, nếu đứa bé chết thì bà được sống”.
Xuyên suốt những vụ việc trên, đặc biệt là vụ bà nội sát hại cháu điểm chung nhất là những người lớn, dù người ngoài gia đình hay ruột thịt, vì những lý do nào đó, không hề e ngại khi hành hạ những đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Những đứa trẻ non nớt trở thành “vật tế thần” trong những cơn giận dữ, ức chế, hoang mang, hay trạng thái tâm thần không ổn định, của những người lớn. Họ - những kẻ “mạnh” , tự cho mình quyền được đánh đập, hành hạ kẻ “yếu” hơn mình, thậm chí ngay trước mắt những đứa trẻ khác.
Hậu quả của những vụ bạo hành, bên cạnh những đau đớn thân thể hay sinh mạng của các em nhỏ, là những vết thương tinh thần không bao giờ lành của những đứa bé bị hành hạ, hay chứng kiến cảnh hành hạ dã man. Hơn thế nữa, những vụ bạo hành trên còn gây nên những xót xa, bàng hoàng của những người còn nhân tính trong xã hội khi xâu chuỗi những vụ việc, thấy phần “con” đầy bản năng trong những người lớn độc ác, đã không được điểm soát. Vì những lý do nào đó, không loại trừ sự dồn nén của ấm ức, hận thù cá nhân, người ta hành xử bất tuân đạo lý và pháp luật.
Hơn lúc nào hết, bên cạnh những hình phạt đích đáng giành cho những kẻ bạo hành trẻ em trong những vụ việc như thế này, mỗi cơ quan chức năng cần phải có những hành động tích cực, hiệu quả và kịp thời hơn nữa, để bảo vệ các em nhỏ và ngăn ngừa các hành vi tương tự. Các cơ quan lập pháp cần kịp thời đưa ra những quy định pháp luật mạnh mẽ, cụ thể, hiệu quả hơn để bảo vệ các em, thông qua những cơ chế giám sát đặc biệt đối với những cơ sở giáo dục, những đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan tới trẻ em. Cần có những tư vấn kịp thời, về các chính sách dành cho các bà mẹ sau sinh, để thời gian nghỉ sinh của mẹ dài hơn, không phải gửi con quá nhỏ ở những cơ sở không đảm bảo.
Các nhà trẻ, trường mầm non có những kế hoạch xây dựng và tổ chức các lớp nhà trẻ đảm bảo chất lượng để chăm sóc các bé. Cần những sự giám sát thường xuyên từ ngay những người dân, những tổ chức xã hội ở các địa phương, nơi có trẻ nhỏ sinh sống và học tập, để ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại trẻ em.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thể hiện qua các quy định, chính sách nhằm bảo vệ trực tiếp các em nhỏ, cũng rất cần những quan tâm đầy đủ về cả kiến thức đến sức khoẻ và tâm lý đối với những những thành phần tiếp xúc thường xuyên với trẻ em, từ phụ nữ sau sinh, tới người nhà, người trông trẻ. Và thật sự rất cần có những chương trình tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn phù hợp, để nâng cao nhận thức của xã hội, về những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ, những phương pháp để nuôi dạy, chăm sóc trẻ.
Đặc biệt, là những biện pháp để kiểm soát những phản ứng tiêu cực của mỗi người, tránh tình trạng những bức xúc, vất vả trong công tác chăm sóc trẻ em có thể gây nên những hành vi vượt tầm kiểm soát. Ở phạm vi rộng hơn, cần có những chương trình giáo dục, tư vấn, hướng dẫn hợp lý, để mỗi thành viên trong xã hội biết chùn tay trước hành động độc ác, và ngay trong mỗi cá nhân không để cái ác xâm nhiễm, vượt lên phần nhân tính.
Theo Thuỳ Hương - Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất