13/11/2015 16:03 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Việc VPF quyết định trực tiếp mua bảo hiểm cho 720 cầu thủ có thể coi như một bước đột phá của bóng đá Việt Nam, dù quyết định này chưa có tiền lệ.
Chữa trị 50 triệu đồng nhận bảo hiểm… 8 triệu
Còn nhớ, tại giải xe đạp TP.HCM mở rộng 2012, cua-rơ Lê Nguyệt Minh đã bị chấn thương nặng dẫn đến gãy xương đòn vai, xương tay và xương đùi phải chữa trị mất 50 triệu chỉ được thanh toán được… 8 triệu. Đó là chưa kể, Minh còn mất tới 50 triệu đồng để khắc phục chiếc xe đặc chủng đã
Mức đền bù ít như vậy vì bảo hiểm đã chi trả đúng theo mức mà đơn vị chủ quản TP.HCM mua năm một tự nguyện cho các VĐV. Lên tới ĐTQG có khá hơn song mức bảo hiểm cao nhất, bất kể chấn thương có nặng đến đâu, kể cả đang làm nhiệm vụ trên các đấu trường quốc tế, cũng không vượt quá 50 triệu đồng.
Do số lượng tuyển thủ tập huấn hàng năm quá đông lên tới cả 1.000 người, lại không được mua riêng nên ngành thể thao cố gắng lắm cũng chỉ cân đối từ nguồn ngân sách sự nghiệp thường xuyên, trích ra vài chục triệu mua bảo hiểm “loại vừa vừa vừa nhất”.
Hiện mới chỉ có các VĐV bóng đá được thực sự quan tâm đến bảo hiểm. Ảnh: V.S.I
Thế nên, nếu tuyển thủ lỡ chấn thương nặng, phải điều trị dài ngày với mức phí tổn lớn, nhất là phải ra nước ngoài phẫu thuật, điều trị thì thực sự là một thảm họa. Bởi khi ấy, hoặc họ phải trông chờ vào ngành thể thao xoay sở cấp thêm, lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, hoặc gia đình phải bỏ tiền ra bù vào.
Không ít tuyển thủ tên tuổi và gia đình đã mất cả số tiền chắt bóp nhiều năm từ tiền công, tiền thưởng rồi thậm chí rơi vào cảnh nợ nần để có tiền chữa trị chấn thương. Đơn cử võ sĩ karatedo vô địch ASIAD Vũ Nguyệt Ánh đã phải chờ đến 2 năm mới may mắn có tài trợ 200 triệu đồng để có đủ tiền sang Singapore phẫu thuật chấn thương đầu gối tai ác dai dẳng.
Vô địch thế giới giải nghệ cũng… tay trắng
Mới đây nhất, người ta lại phải đắng lòng với trường hợp của cựu vô địch thế giới đã giải nghệ và đang mắc bệnh ung thư hiểm nghèo Nguyễn Huyền Trang. Tập luyện, thi đấu đá cầu từ năm 14 tuổi, giành hàng loạt chiến tích sáng giá, song khi giải nghệ, Trang trở về với 2 bàn tay trắng.
Trong suốt 10 năm gắn bó, Trang chỉ là VĐV hợp đồng ngắn hạn của ngành thể thao Hà Nội, với mức thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, và không hề có bảo hiểm y tế. Trang đã phải làm lại từ đầu, với những thiếu hụt mang tính đặc thù của dân thể thao, để có thể tìm kiếm một công việc mới ổn định lâu dài. Thậm chí, thời điểm lấy chồng, chị đang giống như một lao động tự do, hay chính xác hơn là người thất nghiệp.
Rõ ràng Trang không thể tránh được mệnh song tình cảnh sẽ hoàn toàn khác nếu như đang là một người trong khung, chẳng hạn là HLV hay cán bộ nhân viên của ngành thể thao, có bảo hiểm y tế. Khi đó, chị sẽ được nhà nước đảm bảo một cách cơ bản kinh phí điều trị, chưa kể còn có những hình thức san sẻ, hỗ trợ cần thiết khác cả về tinh thần, vật chất từ ngành thể thao. Trang và gia đình đã không phải đơn độc trong cuộc chiến, chỉ với chiếc thẻ y tế tự nguyện có mức chi trả quá thấp. Mới chỉ qua 2 năm, số tiền mà gia đình Trang bỏ ra đã lên tới nửa tỷ đồng.
Quỹ hỗ trợ VĐV, tưởng thật mà “ảo”
Có thể khẳng định cách gần như duy nhất để cứu giúp cho những VĐV chẳng may gặp tai nạn là nhờ cậy vào việc xã hội hóa, thông qua những “quỹ hỗ trợ” với kinh phí được huy động từ nhiều nguồn khác nhau ở trong hay kể cả ngoài nước. Thực tế ngành thể thao cùng các tổ chức liên quan đều đã nhìn ra lối thoát khả thi này song không thực hiện nổi, và nếu có thì cũng chỉ mang tính nhỏ giọt và thời vụ. Rất bi hài vì TTVN từng có 2 “Quỹ hỗ trợ VĐV” ra mắt rất hoành tráng mà hoạt động như đùa rồi biến mất không kèn không trống.
Năm 2003, nhân Việt Nam đăng cai SEA Games 22, một quỹ hỗ trợ đã được một đơn vị của ngành thể thao đứng ra thành lập, vận động được tới cả vài tỷ tiền tài trợ nhờ hào khí sân nhà cùng tình hình kinh tế chung thuận lợi. Các nhà tổ chức cam kết duy trì quỹ lâu dài, mở rộng ra hỗ trợ về nhiều mặt, chỉ có điều rốt cuộc tất cả chỉ dồn hết vào làm được một việc thưởng thành tích cho VĐV rồi giản tán.
Cách đây 2 năm, một đơn vị truyền thông còn công bố một Quỹ hỗ trợ “oách” hơn nhiều dành cho 50 HLV, VĐV gặp chấn thương hay đời sống gian khó. Họ sẽ được nhận ngay hỗ trợ mỗi suất từ 15 đến 30 triệu đồng. Thế nhưng, cùng với thời gian thì người ta cũng quên mất và giải tán quỹ này.
Nhiều VĐV Việt Nam, ngay cả tuyển thủ quốc gia khi làm nhiệm vụ, họ cũng chỉ biết “cầu Trời” để không bị chấn thương. Và nếu có đen đủi thì cũng chỉ bị chấn thương nhẹ. Bởi nếu chấn thương, giải nghệ hay dính thương tật ảnh hưởng đến cuộc sống, chỉ có họ tự lo cho chính mình.
Trước cái khó và cái bó, ngành thể thao đã rất tích cực vận động các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm cho các HLV, VĐV, trước hết là các tuyển thủ quốc gia theo dạng tài trợ và dài hạn, với mức chi trả phù hợp với đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chỉ nhận hỗ trợ cho đoàn TTVN tại các sự kiện lớn như SEA Games, ASIAD hay Olympic chứ không chịu bảo hiểm thường kỳ và dài hạn cho TTVN.
Bóng đá vừa có bước đột phá song đây mới chỉ là 1 trong 40 môn của TTVN. Ngành thể thao vẫn chưa biết tìm đâu ra những chỗ dựa tương tự như VPF hay một đối tác, nhà tài trợ cho cả TTVN hay các môn đơn lẻ khác.
Việc 720 cầu thủ được mua bảo hiểm thân thế, theo một cách nào đó lại càng cho thấy cái thảm cảnh của hàng chục nghìn VĐV các cấp đang phải gánh chịu, với nguy cơ chấn thương, tai nạn thương tích luôn treo lơ lửng trên đầu.
Theo quy định, chỉ các VĐV đã vào biên chế hay hợp đồng dài hạn mới được mua bảo hiểm, trong khi có tới 90% số VĐV Việt Nam hiện tại đều không thuộc diện này. Nó chỉ được ngành thể thao áp dụng theo kiểu ứng phó tình huống, thời vụ trước mắt. Có nghĩa là, chỉ đến khi có nhu cầu khám chữa bệnh, hay điều trị chấn thương, họ mới được xem xét trực tiếp, chứ không được đảm bảo bởi bảo hiểm, hay nếu mua cũng kiểu bảo hiểm tự nguyện ở mức thấp nhất. |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất