Góc nhìn: Di Maria không phải... mỳ ăn liền!

12/07/2015 06:56 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Biệt danh của Angel Di Maria là “Fideo”, nghĩa là “mỳ” trong tiếng Tây Ban Nha. Khi chi ra 59,7 triệu bảng để chiêu mộ anh từ Real Madrid trong Hè 2014, dường như Manchester United đã trông chờ vào một thứ “mỳ ăn liền” ngon lành để giải tỏa cơn đói.

1. Tiếc rằng họ đã nhầm. Một điều thú vị đáng để biết tới ở Di Maria là, cũng như nhiều cầu thủ Argentina khác, anh sở hữu một tấm hộ chiếu Italy. Và người Italy thì nổi tiếng với một món mỳ mang tên pasta.

Cùng với bánh pizza, mỳ pasta trở thành hai “vũ khí” để đất nước hình chiếc ủng đấu tranh với trào lưu đồ ăn nhanh (fast food). Pizza và pasta tượng trưng cho đồ ăn truyền thống, cho “slow food”. Đó là những món ăn cần được chế biến, trình bày cẩn thận và cầu kỳ.

Và Di Maria – “Fideo” – cũng không phải mẫu cầu thủ mà đơn giản chỉ đưa anh ta vào đội hình là có thể trông chờ sự tỏa sáng ngay lập tức.

2. Vào thời điểm Di Maria được Man United mua về với giá 59,7 triệu bảng, anh được định giá 35 triệu bảng trên trang thống kê Transfermarkt. Phải chăng Quỷ đỏ đã quá liều lĩnh, vung tay quá trán trong thương vụ này?

Thực ra, có thể hiểu được tâm lý của đội bóng này vào thời điểm Hè 2014. Họ vừa sa thải David Moyes sau mùa giải thảm hại bậc nhất lịch sử CLB từ đầu thiên niên kỷ mới tới nay. Họ đang rất cần những cái tên đủ sức vực dậy đội bóng.

Angel Di Maria thì lại là một thương hiệu gắn liền với những thành công. Anh gắn bó với Real Madrid 4 năm, trải qua 2 đời HLV trưởng và được cả hai coi là trụ cột của CLB. Dưới thời Jose Mourinho, Di Maria luôn chắc chắn có vị trí ở hành lang cánh phải. Vào tay Carlo Ancelotti, vị trí của anh có thể không ổn định – khi ở trung tâm, lúc ở cánh trái – nhưng nhìn chung vẫn được chơi đều đặn.

Trừ mùa giải 2011-12 khi Di Maria gặp một chấn thương và “chỉ” đá 32 trận và ghi 7 bàn, còn lại anh đều đặn chơi từ 52 đến 53 trận mỗi mùa, ghi từ 9 đến 11 bàn.

Những chi tiết nói trên đã tạo ra tâm lý “ảo” cho người hâm mộ Manchester United. Như những kẻ bước đi trên sa mạc, họ có vẻ đã tưởng rằng Di Maria là một bình nước mát trong cơn khát...

3. Khi Di Maria kết thúc mùa giải 2014-15 với 32 lần ra sân và 4 bàn thắng, hàng tấn kỳ vọng đã trở thành thất vọng, thậm chí đến nỗi khi xuất hiện tin đồn tiền vệ người Argentina có thể ra đi, chẳng mấy cổ động viên bận tâm kêu gọi ở lại.

Trên lý thuyết, tin đồn rằng Di Maria đã “đặt một chân” tới Paris là... không có cơ sở. Giá trị của anh quá cao, còn Paris Saint-Germain thì đang phải đối phó với Luật Công bằng Tài chính.

Điều quan trọng hơn là, liệu người ta đã nhận ra rằng Di Maria không phải “mỳ ăn liền” hay chưa?

Mùa giải trước, Di Maria chưa bao giờ có một vị trí ổn định khi ra sân. Anh có thể sẽ là tiền vệ trung tâm, cũng có thể là tiền vệ cánh trái, khi thì lại là tiền vệ cánh phải. Tóm lại là bất định. Đó là câu chuyện không của riêng ai – Man United mùa vừa qua xoay như chong chóng để tìm kiếm đường đứng dậy.

Làm sao để một cầu thủ gặp nhiều chấn thương có thể hòa nhập trong một tập thể thay đổi đến từng trận đấu như thế?

Cần phải nhắc lại rằng, dù đã thi đấu hết sức thất vọng trong màu áo Manchester United, nhưng khi được triệu tập lên ĐTQG Argentina, Di Maria vẫn chơi rất tuyệt vời. Vào sân 9 lần, anh ghi 4 bàn thắng và gần như chiếm suất “cứng” trong kế hoạch của Gerardo Martino.

Vậy ra, vấn đề có lẽ không nằm ở Di Maria, mà nằm ở Man United chăng?

“Fideo” không phải mỳ ăn liền. Anh cần được sử dụng, “chế biến” một cách phù hợp...

DŨNG LÊ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link