Chữa bệnh di tích phải đúng “bác sĩ”

03/09/2012 11:09 GMT+7 | Văn hoá

KTS Lê Thành Vinh, viện trưởng Viện Bảo tồn di tích - Bộ VH-TT&DL, là chuyên gia đầu ngành của VN về lĩnh vực bảo tồn và tu bổ di tích.

Ông đã bày tỏ với PV quan điểm của mình trong việc chữa chạy cấp bách và bảo tồn lâu dài những di tích đang xuống cấp và bị xâm hại.



Gác khánh trong chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội trong giai đoạn trùng tu - Ảnh: Hà Hương

* Thưa ông, Viện Bảo tồn di tích mà tiền thân là Trung tâm Bảo tồn di tích từng thực hiện một dự án điều tra di tích VN trong nhiều năm. Vậy kết quả điều tra cho thấy thực trạng của các di tích ở VN hiện tại như thế nào?

- Dự án điều tra di tích của chúng tôi đã làm từ cả chục năm nay rồi nhưng mới chỉ có thể khảo sát các di tích ở khoảng 90 huyện vùng đồng bằng Bắc bộ. Các số liệu khảo sát hiện đã được lập hồ sơ lưu trữ tại viện, thực trạng của các di tích đến thời điểm này có thể không còn giá trị thời sự, nhưng có thể nói tỉ lệ di tích đã và đang xuống cấp thì rất nhiều, chủ yếu do tuổi tác quá cao, môi trường khắc nghiệt, vật liệu kém bền vững, kể cả do bị trùng tu sai quy chuẩn.

Còn các hành vi xâm hại thì nhiều vô kể: đơn giản nhất là không chăm sóc, sử dụng vào mục đích khác, tiếp đến là tự ý trùng tu hay bổ sung một cách tùy tiện, nặng nề nhất là phá đi xây mới toàn bộ. Kết quả dự án đã có, nhưng còn việc sử dụng kết quả đó rồi khắc phục những tồn tại như thế nào thì vượt quá quyền hạn và chức năng của cơ quan chúng tôi.

Ông LÊ THÀNH VINH

* Cứ một thời gian, công luận lại dấy lên làn sóng phẫn nộ về việc một di tích nào đó bị hủy hoại, các cơ quan chức năng lại truy cứu trách nhiệm lẫn nhau và rồi mọi chuyện... lặp lại như cũ. Là người thường được mời đến “cấp cứu cho di tích” trong những trường hợp như vậy, quan điểm của ông ra sao về việc “cấp cứu tích cực” và “chăm sóc lâu dài”?

- Không phải quan điểm riêng của tôi, mà mục tiêu quan trọng của ngành bảo tồn di sản là chăm sóc và bảo vệ di tích trước những nguy cơ xâm hại. Di tích là một thực thể cao tuổi và luôn đối mặt với nguy cơ xuống cấp, tiềm ẩn nhiều bệnh. Cao tuổi, “cống hiến” nhiều, đương nhiên cần được vinh danh.

Nhưng có bệnh thì phải chữa, mà chữa bệnh cho di tích thì phải gọi đúng bác sĩ di tích chứ không được gọi lang băm. Như vậy, điều quan trọng là việc can thiệp vào cơ thể “người cao tuổi” di tích nhất thiết phải giao cho những chuyên gia bảo tồn có đủ hiểu biết và năng lực cần thiết. Mà bác sĩ đã đến thì việc đầu tiên là chẩn bệnh và cấp cứu, chứ không ngồi đợi truy trách nhiệm ai gây ra bệnh. Cái đó để sau tính. Vấn đề tiếp theo, để cấp cứu được, chúng ta cần khẩn cấp một đội ngũ bác sĩ - chuyên gia lành nghề để có thể cấp cứu tất cả di tích trên toàn quốc mỗi khi có bất kỳ sự cố lớn nhỏ nào.

* Nhưng thưa ông, vụ sửa chữa chùa Trăm Gian vi phạm nghiêm trọng Luật di sản xảy ra nhưng lúc đó chuyên gia ở đâu? Và làm sao có cơ chế khiến chuyên gia lập tức biết thông tin về vụ việc để có ý kiến kịp thời?

- Di tích lịch sử văn hóa ở VN hầu hết là các di tích “sống”, tức là chúng vẫn đang được sử dụng theo đúng chức năng vốn có của nó. Bởi vậy các di tích vừa có giá trị lịch sử văn hóa vừa có giá trị sử dụng. Chúng ta vừa bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa lại vừa duy trì giá trị sử dụng của di tích. Chính việc duy trì, cải thiện chức năng sử dụng của di tích cũng có tác dụng bảo tồn di tích. Như vậy việc vị trụ trì cùng các phật tử ở

chùa Trăm Gian có ý nguyện sửa sang, thêm thắt trong chùa là điều hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được. Tuy nhiên, khi ngôi chùa đã trở thành di tích thì mọi việc tác động đến nó phải không được làm suy giảm, mất mát giá trị của di tích. Do đó vấn đề chính ở đây là làm sao để những người sử dụng, trông coi đền, chùa - di tích thấu hiểu điều này. Người ta có thể thành tâm mong muốn ngôi chùa của làng mình tốt lên, nhưng làm thế nào để giữ gìn giá trị của nó thì cần phải nhờ đến sự tư vấn của các nhà chuyên môn.

"Ở VN, hiện tại theo Luật di sản sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, muốn tham gia trùng tu phải có giấy phép hành nghề trùng tu di tích. Nhưng hiện tại với nhiều lý do khác nhau, việc đó chưa được thực hiện. Trên toàn lãnh thổ, chưa có ai được cấp giấy phép hành nghề cả, kể cả các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích cũng như nhiều cơ quan chuyên ngành khác. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người không có nghề vẫn có thể can thiệp vào di tích"

Những việc không hay đã xảy ra do nhiều nơi tự ý tu sửa, thay mới ở các di tích cho thấy dường như họ đã không nghĩ tự ý trùng tu là làm hại di sản, là phạm luật. Nhà chùa, nhà đền sử dụng không gian di tích để hành lễ và sinh hoạt hằng ngày nên mặc định mình có quyền và nghĩa vụ tu sửa cho nó khang trang. Phật tử đóng góp với tất cả lòng thành kính để sửa chữa, thậm chí xây mới cho “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mà không bận tâm mình đã làm sai lệch nguyên gốc, thậm chí phá hoại di sản. Tất cả phạm luật một cách nhiệt tình và hồn nhiên.

Một khi cộng đồng đã cho là tốt, là đẹp, đã tự làm, không báo thì làm sao các cấp quản lý có thể biết hết được? Để dần dần ngăn chặn tình trạng này, rõ ràng việc nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong bảo tồn di tích là hết sức quan trọng.

Để mọi người hiểu rằng “di tích không phải của riêng nhà chùa, nhà đền, không phải của riêng làng xã thôn xóm nào mà là tài sản quốc gia, thậm chí của nhân loại, không ai được tự ý tu bổ di tích mà phải cần đến các nhà chuyên môn, phải theo luật định” thì phải có một chính sách giáo dục di sản một cách hữu hiệu. Học sinh và mọi người cần hiểu Luật di sản như luật giao thông. Sẽ đến lúc bất cứ hành vi mang tính “dao kéo” nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào với di sản đều được người dân phản đối tại chỗ và báo kịp thời cho cơ quan chức năng. Như vậy là thành công. Tuyên truyền và giáo dục, đó mới là việc của cơ quan văn hóa, chứ không phải chỉ kiểm tra và phạt khi sự đã rồi.

* Nhưng thưa ông, ngay cả khi đã mời được các nhà chuyên môn, không phải khi nào cũng tạo được sự đồng thuận xã hội. Vụ việc trùng tu ô Quan Chưởng là một ví dụ. Cơ quan, cá nhân nào được phép trùng tu? Trùng tu như thế nào là đúng quy chuẩn? Vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp cuối cùng từ cơ quan quản lý văn hóa cao nhất.

- Vâng, chúng tôi đã chịu nhiều sức ép dư luận khi trùng tu ô Quan Chưởng theo một chương trình hợp tác tài trợ văn hóa. Hoàn toàn với tinh thần và bài bản như đã áp dụng khi trùng tu đình Chu Quyến, cũng không có gì sai lệch với các nguyên tắc trùng tu trên thế giới. Nhưng báo chí và dư luận, nhất là các nhà chuyên môn (ở lĩnh vực khác) chỉ nhìn trên báo cũng lên án gay gắt vì nó trông có vẻ tinh tươm quá (!?). Nhiều cấp quản lý, nhiều đoàn chuyên gia trong và ngoài nước đã đến tận nơi xem xét tại chỗ, thẩm định từng chi tiết và kết luận: chúng tôi làm đúng.

Giờ ô Quan Chưởng trông lại “quen mắt” rồi. Du khách có thể thích trầm mặc cổ kính, rêu phong (kèm theo đó là ẩm mốc), nhưng nhà trùng tu - bác sĩ di sản nhìn rêu mốc với cây ký sinh như kẻ phá hoại vì nó gặm nhấm bệnh nhân của mình. Cái cốt lõi mà chúng tôi cần phải bảo tồn là đặc điểm, ngôn ngữ kiến trúc; là cấu trúc, đường nét cơ bản; là cái nguyên gốc của vật liệu; là cái tinh thần vốn có, cái hồn của di sản, chứ không phải là rêu phong hay không rêu phong.

Và điều quan trọng là đừng nên chú trọng những hoạt động bảo tồn, trùng tu từ nguồn vốn ngân sách hơn những nguồn vốn khác. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là một quá trình tất yếu và di tích là một trong những thiết chế văn hóa được xã hội quan tâm, đồng sử dụng, phát huy nên nguồn vốn xã hội hóa cho trùng tu di tích sẽ ngày một nhiều. Đừng lo sợ hay xa lánh nguồn vốn dồi dào đó, hãy biết sử dụng nó một cách hữu hiệu nhất cho những di tích vô giá nhưng cao niên, dễ bị tổn thương của chúng ta.

Theo Tuổi trẻ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link