Bảo tồn khẩn cấp 'Thành phố sông hồ'!

10/10/2014 13:34 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội đang muốn đề nghị Hồ Tây là danh thắng quốc gia nhằm phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa. Trước đó, Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn cũng đã được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thành phố sông hồ ngàn năm với những đặc trưng riêng vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn để phát huy hết giá trị. Thậm chí, bản sắc kiến trúc, văn hóa đặc biệt này có nguy cơ nhạt phai khi diện tích mặt nước Thủ đô đã và đang bị thu hẹp.

Đó là nhận định của TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, nguyên KTS trưởng TP Hà Nội trong việc nhìn nhận bản sắc Hà Nội qua 60 năm phát triển kể từ khi giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Quan điểm của KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng là quan điểm của nhiều học giả, KTS Hà Nội về yếu tố nhận diện và hướng phát triển kiến trúc đô thị cũng như văn hóa thủ đô trong tương lai.

Bản sắc không chỉ ở di tích

KTS Đào Ngọc Nghiêm nói: Hà Nội là thành phố hiện đại và có bản sắc. Nhưng nếu ta không gìn giữ kiến trúc, văn hóa mặt nước thì sông hồ Hà Nội sẽ bị hòa tan nhạt nhòa trong biển lớn. Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt căn bản của Hà Nội với các thành phố khác không hẳn nằm cả ở các di tích. Hà Nội có hơn 5.000 di tích, gần 1.000 di tích xếp hạng quốc gia, 1.300 làng nghề, trong đó gần 300 làng nghề truyền thống. Nhưng bên cạnh đó Hà Nội còn có hệ thống cảnh quan thiên rất đặc trưng, đặc biệt là sông hồ.


 Đầu năm 2014, hồ Hoàn Kiếm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Đồng nhận định Hà Nội là thành phố sông hồ, PGS Hà Đình Đức, Hội Di sản văn hóa Việt Nam phác họa diện mạo tổng quan về sông hồ kinh kỳ trong lịch sử và những dấu ấn hiện tại: Theo bản đồ Hồng Đức năm 1490 thành Đông Kinh có ghi tên 3 hồ lớn. Đó là Đại Hồ hay Thái Hồ nằm ở phía Nam Hoàng thành chiếm một vùng đất rộng lớn. Quốc Tử Giám nằm trên hòn đảo lớn ở phía Bắc Đại Hồ. Tây Hồ có diện tích chỉ bằng khoảng 1/2 Đại Hồ.

Hồ Hoàn Kiếm khá dài chạy song song và thông với sông Nhĩ Hà (sông Hồng). Một con sông bắt đầu từ phía Nam thành gần Bảo Khánh môn nhận nước từ Đại Hồ và uốn cong theo Đại Hồ qua Lâm Khang cống khẩu chảy qua Nam Giao điện. Một hồ khá lớn nằm ở phía Tây Hoàng thành gần Giảng Vũ điện và Hội Thi trường (nay có thể là hồ Giảng Võ). Ngoài ra còn nhiều hồ nhỏ hơn không ghi tên trong bản đồ. Bản đồ cho chúng ta thấy Kinh thành Thăng Long được bao quanh bởi hệ thống sông hồ. Dấu ấn trên bản đồ còn cho ta thấy vị trí của một số địa danh, di tích văn hóa lịch sử tồn tại tới tận ngày nay như: hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Nhĩ Hà (sông Hồng ngày nay), Tô Lịch giang (sông Tô Lịch), Quốc Tử Giám (Văn Miếu), Trấn Vũ quán (đền Quán Thánh), Bạch Mã từ (đền Bạch Mã), Đoan Môn (hiện di tích này còn trong thành cổ Hà Nội)...

Hiện tại, hồ Hà Nội có thể phân chia thành 3 khu vực chính: khu vực hồ Gươm, khu vực hồ Tây và các hồ địa phương. “Hồ Gươm là nơi minh chứng giữa bảo tồn và phát triển, thể hiện tài năng của KTS Việt Nam và là biểu tượng mạnh về ý chí cộng đồng, ý chí nhân dân cả nước và ý chí của bạn bè nước ngoài đối với Hà Nội. Rất nhiều dự án kiến trúc quanh hồ từ việc xây nhà vệ sinh công cộng tới khách sạn vàng đối diện nhà hàng Thủy Tạ hay cả mở rộng nhà hàng Thủy Tạ ra mặt nước đều được công luận chú ý, phản biện mạnh. Còn Hồ Tây đậm đặc dấu ấn suốt chiều dài lịch sử của cả Việt Nam. Hồ Tây cũng là một trong bốn khu vực trọng yếu trong quy hoạch thủ đô (cùng Trung tâm chính trị Ba Đình, phố cổ và hồ Gươm). Các hồ khu vực cũng chứa đựng những hàm lượng văn hóa đậm đặc và nhiều tiềm năng khai thác”- KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Cũng theo nguyên KTS trưởng TP Hà Nội, suốt dặm dài lịch sử, đặc trưng sông hồ của Hà Nội đã tác động tới kiến trúc đô thị, kinh tế Kẻ Chợ, thúc đẩy kỹ thuật điều hòa mặt nước của nhân dân, và trực tiếp liên quan tới các lễ hội văn hóa địa phương. Đồng thời nét độc đáo của hồ Hà Nội là các mặt hồ thường được phủ một màn sương huyền thoại, truyền thuyết. Nó kết hợp với điều kiện tự nhiên, hài hòa với đời sống tâm linh, ghi dấu những ước vọng của cả cộng đồng.

Ghi chép về kinh tế sông nước của Thăng Long thời Lê - Trịnh, giáo sĩ Richard cũng đã viết: “Số lượng thuyền bè rất lớn, đến nỗi khó mà lội xuống bờ sông. Những bến sông buôn bán sầm uất của chúng ta, kể cả Venice với tất cả những thuyền lớn nhỏ của nó cũng không thể làm người ta hình dung được đúng sự hoạt động buôn bán và dân cư đông đúc trên sông Kẻ Chợ”.


Hồ Trúc Bạch và hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Bảo tồn khẩn cấp!

Do những biến thiên thăng trầm của lịch sử, diện tích mặt nước của Hà Nội nay đã bị thu hẹp nhiều. Tháng 3/2014 vừa qua,  Hà Nội đã lập quy hoạch công viên, hồ, vườn hoa, cây xanh. “Trước đó, năm 1996 rồi năm 2008 khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cũng đều đã có quy hoạch cây xanh mặt nước. Quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước nhưng các giải pháp để giải quyết căn cơ là vấn đề vẫn chưa thực sự rõ rệt” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

“Song những thời điểm đó, việc quy hoạch mới chỉ là chuyện của Hà Nội và chính phủ” - ông Nghiêm nói tiếp - “Nhưng đợt quy hoạch vào tháng 3/2014 là lần đầu tiên cả nước thông qua Luật Thủ đô đặt kỳ vọng vào quy hoạch cảnh quan mặt nước để bảo vệ bản sắc Hà Nội. Bức thiết nhất là hồ Tây”.

Theo nguyên KTS trưởng TP, trong Luật Thủ đô, Luật Bảo tồn di sản văn hóa nêu rõ có những khu vực phải tập trung nguồn lực bảo tồn và tôn tạo. Trong đó, các công trình truyền thống trước năm 1954 Hội đồng Nhân dân TP đã ra nghị quyết quản lý để bảo tồn, khu phố cổ, hồ Gươm đã được tôn vinh, hệ thống các di sản, làng cổ, làng nghề truyền thống đã có quy hoạch. Duy chỉ còn hồ Tây (một trong bốn khu vực trọng yếu trong quy hoạch TP) chưa được chú trọng xứng tầm.  

“Hồ Tây có chu vi 16 km, diện tích bề mặt hồ lên tới 500 ha, với nhiều trầm tích văn hóa có vai trò đặc biệt trong việc hình thành diện mạo đô thị, văn hóa thủ đô. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ mất vai trò của danh thắng này. Đồng thời ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể và văn hóa sông hồ của thủ đô. Tôi thấy, đã đến lúc đưa hồ Tây thành danh thắng để có một quy chế kiến trúc đặc biệt nhằm bảo tồn” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Điều đáng chú ý, theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội: “Xung quanh khu vực hồ Tây có 81 di tích với nhiều loại hình phong phú như: đình, đền, chùa, am, phủ, lăng mộ, nhà thờ họ, trong đó có 11 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa”.  Điều này đồng nghĩa với việc những di tích nằm quanh hồ, trong quần thể danh thắng cũng sẽ được bảo vệ theo Luật Di sản.

KTS Đào Ngọc Nghiêm khuyến cáo: “Chúng ta phải rà soát, chọn lọc cẩn trọng những di tích trong danh thắng để tránh ảnh hưởng tới quá nhiều người dân mà vẫn bảo vệ được không gian kiến trúc, văn hóa quanh hồ”.

Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, chỉ khi quản lý tốt hồ Tây, Hà Nội mới có tiền đề tiến hành những bước đi tiếp theo để bảo tồn hệ thống sông hồ với những mạch ngầm văn hóa ngàn năm đang bị vùi lấp, lãng quên.

TS Vũ Thúy Anh: Báo động việc quản lý di tích quanh Hồ Tây

“Việc bảo tồn và khai thác các giá trị di sản hồ Tây còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, các di tích xuống cấp, bị “hiện đại hóa” trong quá trình tu sửa. Nếu không có một tầm nhìn xa trong bảo vệ, giữ gìn những giá trị di sản này, những di tích ven hồ Tây khó tránh khỏi việc bị biến dạng ít nhiều. Trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ các di sản không được phân công rõ ràng và thiếu sự phối hợp giữa nhà chức trách với người sử dụng, khai thác. Hoạt động trùng tu, tôn tạo còn nhiều bất cập.

Tình trạng giao khoán cải tạo, thậm chí phó mặc cho những người quản lý, đầu tư tự sáng tạo, xây mới như dùng sơn công nghiệp thay cho sơn truyền thống trong trang trí kiến trúc, xây bậc xi măng thay cho bậc bằng đá cũ, thay gạch, bê tông cho các kiến trúc bằng gỗ... làm mất đi giá trị nguyên bản, giảm đi “phần hồn” của các di tích như trường hợp chùa Trần Quốc, chùa Kim Liên, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ... Những bất cập trong cách quản lý này dẫn tới hậu quả khôn lường, không những không thu hút khách mà ở chừng mực nhất định còn làm thương hại đến hình ảnh của điểm du lịch, hình ảnh chung về nền văn hóa”.

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội: “Đẩy mạnh du lịch ở “Bảo tàng nước” của Hà Nội”

“Hồ Tây là hồ lớn nhất nội thành Hà Nội, rộng khoảng 500 ha mặt nước. Con đường đi vòng quanh hồ dài 17 km. Dù được hình thành như thế nào thì hồ Tây là một tài sản vô giá về văn hóa, du lịch của người Long Đỗ, người Đại La, người Thăng Long, người Hà Nội. Cảnh đẹp hồ Tây đã được thơ ca xưa khắc họa và khẳng định: “Địa vô Tây hồ, Thăng Long bất thành đô”. Những danh thắng từ ngàn xưa quanh khu hồ như: chùa Trấn Quốc, đình Yên Phụ, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ... cùng với kho tàng văn nghệ dân gian phong phú và độc đáo đã tạo nên “một vùng văn hóa hồ Tây”. “một “bảo tàng nước” của Hà Nội”. Tuyến du lịch trên “bảo tàng nước” liên kết những di tích danh thắng với truyền thuyết, huyền thoại sẽ thành một giá trị tuyệt vời của vùng đất nước, trời mây có một không hai này của Hà Nội và của Việt Nam”.

TS Phạm Sỹ Liêm: “Cần học hỏi kinh nghiệm các “Thành phố hồ” trên thế giới”

“Hà Nội là một trong những đô thị trên thế giới được mệnh danh là “Thành phố hồ” (City Of Lakes) nhờ có nhiều hồ như Darmouth (Canada), Hyderabad (Ấn Độ), Minneapolis (Hoa Kỳ), Benoni (Nam Phi)...

Các nước có rất nhiều kinh nghiệm về tôn tạo cảnh quan trong đô thị để bảo tồn kiến trúc, văn hóa, phát triển du lịch. Chẳng hạn kinh nghiệm xây dựng nhiều hồ lớn nhỏ trong Công viên Trung tâm rộng 500 ha nổi tiếng thế giới tại khu Manhattan của New York, cũng như bài học phát triển Tây Hồ, thành phố Hàng Châu rộng 639 ha thành Danh thắng văn hóa thế giới (World Cultural Landscape) được UNESCO ghi nhận năm 2011, hoặc đồ án thành phố hướng ra hồ Burley Griffin của Thủ đô Canberra nước Úc...

Đây là những bài học vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu, quy hoạch bảo tồn và phát huy hết tiềm năng của Hà Nội, “thành phố hồ”.

Mỹ Anh (lược ghi)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link