Bảo tồn 'ký ức' bất tử tiếng tàu điện, tiếng kẻng... thời bao cấp

22/01/2017 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn còn nhớ tiếng kẻng ra đồng của thời bao cấp? Tiếng tàu điện Hà Nội? Tiếng người bán kem dạo của thời thơ ấu? Và bao nhiêu âm thanh đã chết khác nữa của đời sống cũ?

Ở tầm mức rộng lớn hơn, vượt ra ngoài những đặc điểm của Việt Nam, đó sẽ là tiếng chuông điện thoại bàn, tiếng băng cát-xét kẹt trong máy cát-xét, tiếng lạch cạch của máy Walkman mỗi khi khởi động…

Bảo tàng những loại âm thanh bị đe dọa sẽ biến mất

Chính những nỗi niềm hoài cổ đó đã khiến việc bảo tồn âm thanh trở nên một mối bận tâm đặc biệt, không chỉ nghiêm túc, mà đã trở thành một khoa học, và một nghệ thuật.

Bạn hẳn ngạc nhiên nếu biết có hẳn một Bảo tàng những loại âm thanh bị đe dọa sẽ biến mất (Museum of Endangered Sounds).

Bảo tàng chỉ có trên mạng này, do Brendan Chilcutt lập ra vào đầu năm 2012, nhắm tới việc bảo tồn những âm thanh đã nổi tiếng qua các thiết bị điện tử giờ không còn tồn tại nữa, chẳng hạn như “tiếng lạch cạch của băng video mắc kẹt trong một đầu máy 1983 JVC HR-7100 VCR”.

Công nghệ càng phát triển, chu kỳ sản phẩm càng ngắn, và khi những món hàng mới thời thượng tràn ra thị trường, những món đồ cũ với các âm thanh đầy hoài niệm trở nên lỗi thời, và những âm thanh đó biến mất cùng với sự thay thế công nghệ. Đó là chưa kể bao nhiêu âm thanh của đời sống!


Bảo tàng Musem of Endangered Sounds

Chilcutt nói kế hoạch của anh với nhà bảo tàng là một “chương trình 10 năm”. “Hãy tưởng tượng một thế giới chúng ta không bao giờ được nghe lại tiếng hệ điều hành Windows 95 khởi động”, Chilcutt viết trên trang của anh. “Hãy tưởng tượng một thế hệ những đứa trẻ lớn lên không hề hay biết những nhạc hiệu quen thuộc của truyền hình và đài phát thanh, mà chỉ là những tiếng “buzz” và “beep” trên điện thoại thông minh, một thế giới mà đâu đâu cũng là những thiết bị gọn nhẹ, càng ít tạo ra âm thanh càng tốt?”

Khi mà hầu hết chúng ta nghĩ rằng việc được sở hữu các thiết bị mới đó khiến chúng ta hạnh phúc hơn, hay chúng ta không thể đi đâu mà thiếu chúng, thì với Chilcutt và nhóm của anh, “khi chúng tôi nghe thấy tiếng modem quay số, hay điện thoại bàn quay số, chúng tôi nhớ lại thời kỳ mà cuộc sống của chúng ta còn đơn giản hơn, nồng nàn hơn, thời mà chúng ta cũng rất hạnh phúc”.

Những nỗ lực bảo tồn âm thanh quy mô và nghiêm túc

Chilcutt có thể là một tay chơi lập dị, nhưng những nỗ lực bảo tồn âm thanh đã diễn ra khắp nơi trên thế giới với quy mô và ý định cực kỳ nghiêm túc.

Cục lưu trữ âm thanh quốc gia Anh chẳng hạn, đã mở một chiến dịch 10 năm từ năm 2005 kêu gọi mọi người đóng góp cho họ những âm thanh cực hiếm của thế kỷ 20, như tiếng máy quay video Betamax và đầu video tám rãnh, một phát minh đã chết yểu gần như ngay sau khi ra thị trường, hay các máy nghe băng stenorette và máy ghi âm giọng nói đời cũ.

Cục lưu trữ không chỉ xin âm thanh, mà xin cả các chiếc máy đó nữa, bởi rất nhiều vật phẩm lưu trữ của họ sẽ không thể chạy được nếu thiếu những chiếc máy cũ.

Nigel Bewley, thuộc Cục lưu trữ, nói ông tin rằng còn rất nhiều chiếc máy như thế đang “lưu lạc trong nhân gian”. Cục lưu trữ âm thanh quốc gia Anh hiện có hơn 2,5 triệu tài liệu ghi âm dưới rất nhiều dạng, từ một chiếc máy ghi âm kiểu hình trụ của Thomas Edison tận những năm 1880 tới các file nén mới nhất hiện giờ.

Là một trong những nơi lưu trữ âm thanh lớn nhất thế giới, cục này còn sở hữu một bộ đĩa Voice-o-Graph sản xuất giữa hai cuộc thế chiến mà giờ được coi là “vô giá”.

“Chúng tôi đặc biệt chú ý tới các máy ghi điều lọc với các băng ghi âm ngày nay đã tuyệt chủng”, Noel Sidebottom của Cục lưu trữ nói.

Trước khi băng cát-xét trở nên phổ biến vào những năm 1970, các máy ghi âm điều lọc như stenorette có nhiều cách để ghi âm các bài phát biểu. Một số sử dụng băng từ trên đầu máy quay đĩa, những cái khác là đĩa từ dẹt hay các mảnh nhựa co giãn. Bewley và Sidebottom cũng tích cực tìm kiếm các máy đọc video Betamax, vốn chuyên dụng cho âm thanh hi-fi vào những năm trước 1970.

Ở Mỹ, Thư viện Quốc hội nước này, một trong những trung tâm lưu trữ lớn nhất thế giới, bắt đầu chia sẻ Kế hoạch Bảo tồn âm thanh quốc gia của họ từ năm 2002, trong một nỗ lực kêu gọi sự chú ý của công chúng với chiến lược bảo tồn các âm thanh của nước Mỹ cho những người nghe thế hệ tương lai.

Kế hoạch được Quốc hội Mỹ bảo trợ này là thành quả của hơn một thập niên hợp tác giữa Thư viện Quốc hội và Hội đồng Bảo tồn âm thanh quốc gia, có mặt những nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ âm nhạc, chuyên gia lưu trữ, chuyên gia thủ thư, và các nhà nghiên cứu âm nhạc và âm thanh đứng đầu nước Mỹ.

“Với tư cách là một quốc gia, chúng ta có lý do chính đáng để tự hào về thành tựu sáng tạo trong nghệ thuật và khoa học ghi âm của chúng ta” - James H. Billington, thủ thư của Thư viện Quốc hội Mỹ lúc bấy giờ, nói trong một tuyên bố - “Tuy nhiên, những nỗ lực tập thể của chúng tôi trong việc tạo ra và gìn giữ các âm thanh nguyên bản đã chưa nhận được sự chú ý tương xứng từ công chúng để các nỗ lực đó có thể lớn hơn, thành tựu hơn”.

Kế hoạch 32 điểm của Thư viện Quốc hội Mỹ bao gồm việc bảo tồn “những âm thanh truyền thống đang bị đe dọa”, “lập danh mục âm thanh”, “chính sách quốc gia về bảo tồn âm thanh”, “phân loại và bảo tồn những âm thanh không được chú ý đúng mức”, “bảo vệ các hồ sơ âm thanh kỹ thuật số”…

“Tất cả mọi người ngày nay đều có vẻ mặc nhiên cho rằng nếu cái gì chưa có trên Internet thì rồi sẽ có trên Internet”,  Patrick Loughney, thuộc Trung tâm Bảo tồn âm thanh-hình ảnh quốc gia Mỹ, nói. “Điều ngược lại thật ra mới đúng. Hiện giờ có rất nhiều âm thanh quý giá, những bản ghi âm tuyệt vời, và đủ thứ khác nữa, đang trôi nổi ngoài kia”.

David Woodley Packard, chủ tịch Viện Khoa học nhân văn Packard, hiện là điều phối chính của dự án. “Lý do chúng tôi phải chi nhiều tiền như thế là vì thứ này đòi hỏi rất nhiều tiền”, ông nói. “Không có cách nào làm được trừ khi bạn cam kết lớn”. Thư viện nhận được 120.000 món quà tặng cả phim ảnh lẫn băng đĩa ghi âm từ khắp nơi mỗi năm.

Lựa chọn những âm thanh “bất hủ” và “bất tử”

Mỗi năm, các chuyên gia của dự án lại phải lựa chọn những loại âm thanh sẽ trở thành bất hủ và bất tử để đưa vào dự án của họ. Một ví dụ là phiên bản quốc ca Mỹ của Gloria Gaynor và 24 bản ghi âm khác “có tầm quan trọng đặc biệt về văn hóa, nghệ thuật, và lịch sử” được đưa vào diện bảo tồn đặc biệt.

Cho năm 2015, các phiên bản nhạc pop được đưa vào danh sách là album bạch kim 1986 Master of Puppets của nhóm heavy metal Metallica, hay Let Me Call You Sweetheart, bài single đẹp đẽ, đứng đầu bảng xếp hạng một thời gian dài của nhóm bè Columbia Quartette hát hồi năm 1911.

Kỳ 1: Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên: Rưng rưng với bản thu âm giọng ca Sài Gòn 1900

Kỳ 1: Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên: Rưng rưng với bản thu âm giọng ca Sài Gòn 1900

Vừa qua, một bản ghi âm được suy đoán có liên quan đến đờn ca tài tử, ra đời từ năm 1900 đã được tìm thấy. Chính dấu mốc 'xa xưa' đã khiến người ta giật mình: bao nhiêu loại âm thanh trong quá khứ 'đã chết'?

Có một hội đồng riêng để làm việc này, Hội đồng bảo tồn các bản ghi âm quốc gia, và đề cử sẽ do công chúng thực hiện (để đề cử, một bản ghi âm phải có ít nhất 10 năm tuổi, và thủ tục đề cử có thể xem qua trang web loc.gov/nrpb).

Danh sách còn bao gồm sản phẩm các nhà soạn nhạc Gustave Mahler và Robert và Clara Schumann, cũng như bài phát biểu năm 1947 của Bộ trưởng ngoại giao George C. Marshall công bố kế hoạch Marshall lừng lẫy của Mỹ giúp đỡ châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Cũng có cả những bản ghi âm ít huy hoàng hơn, nhưng giá trị không kém, chẳng hạn như các chương trình phát thanh hài kịch ăn khách Vic and SadeDestination Freedom, những chương trình đã tạo ra các nhân vật tưởng tượng người Mỹ da đen đáng nhớ như Harriet Tubman và Jackie Robinson.

“Tổng kho âm thanh” trong Thư viện Quốc hội Mỹ

Nằm ở mạn tây nam Capitol Hill, Thư viện Quốc hội Mỹ sở hữu một bộ sưu tập khổng lồ các băng ghi âm và hình ảnh: 6,3 triệu vật phẩm tất cả, từ những đoạn ghi hình Charlie Chaplin nguyên bản, âm bản của phim Casablanca, đoạn băng 45-rpm đầu tiên (một đĩa 1949 RCA Victor với nhạc của Johann Strauss II) và những cuộn đèn hình của đài NBC những năm 1940.

Còn có một bản rất đẹp bộ phim năm 1964 của Elvis Presley, Viva Las Vegas, một bộ hoàn chỉnh những màn biểu diễn tạp kỷ của Ed Sullivan và hình ảnh kèm âm thanh của cố tổng thống Franklin D. Roosevelt ngày 7/12/1941, ngày Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản trong thế chiến thứ hai.

Xin nhắc rằng Thư viện Quốc hội có diện tích khuôn viên 18,2 héc-ta và diện tích tòa nhà 38.500 m2, tức gấp 8 lần Nhà Trắng.

Trong 6,3 triệu vật phẩm ở đó, 3 triệu là băng âm thanh, 2,1 triệu là các tài liệu hỗ trợ (như kịch bản và poster), và 1,2 triệu là hình ảnh. Thư viện có 124 khu lưu trữ thiết kế đặc biệt cho phim ni-trát, loại rất dễ cháy từng được sử dụng trong giai đoạn 1889-1951 cho hầu hết các loại phim. Một số khu lưu trữ được giữ ở nhiệt độ -4 độ C quanh năm.

 Không xa khu bảo tồn âm thanh của Thư viện là một mặt quay hình tròn chuyên dụng không rung để đọc các đoạn âm thanh. Cả thế giới chỉ có 20 mặt quay như thế, và Thư viện Quốc hội Mỹ có 13.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link