Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Quy hoạch xây dựng khu dãn dân và Điều lệ quản lý quy hoạch, trình UBND TP phê duyệt trong tháng 6/2013.Việc bảo tồn còn nhiều hạn chế
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, công tác quản lý, bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm tuy có cố gắng nhưng còn nhiều hạn chế. Cụ thể là, chưa hoàn thiện Quy hoạch và các chính sách cho việc bảo tồn; mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp…
Ông Thảo cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trên là do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đây là mô hình bảo tồn làng cổ đầu tiên, chưa có tiền lệ nên rất khó khăn; đồng thời công tác chỉ đạo của UBND thị xã Sơn Tây, UBND xã Đường Lâm còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt; chưa có sự phối hợp thường xuyên giữa các sở, ban, ngành thành phố; ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích của một số ít người dân chưa cao.
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy hoạch làng cổ Đường Lâm
Do vậy, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây cùng lãnh đạo Sở VHTTDL tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích; giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang bức xúc trong phạm vi thẩm quyền. Trên cơ sở đó đề xuất UBND Thành phố xem xét giải quyết những vấn đề khó khăn.
Đồng thời, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn, Quy hoạch xây dựng khu dãn dân và Điều lệ quản lý quy hoạch làng cổ Đường Lâm, trình UBND Thành phố phê duyệt trong tháng 6/2013. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm, thực hiện nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa.
Đối thoại với người dân Đường LâmTrước đó, (chiều 15/5), tại Nhà Văn hóa xã Đường Lâm, Sở VHTTDL Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức đối thoại trực tiếp với một số hộ dân ký vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia để nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân ở làng cổ Đường Lâm.
Tại cuộc đối thoại, người dân Đường Lâm đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng xung quanh các vấn đề: Việc chưa lập khu giãn dân mà không cho phép xây nhà cao tầng gây ảnh hưởng đến cuộc sống dân sinh; khi một số hộ gia đình vi phạm xây dựng, việc cắt điện, nước và nhất là cưỡng chế khiến các gia đình bức xúc; làng cổ được công nhận là di tích, nhưng người dân chưa được lợi gì; người dân muốn biết tiền bán vé tham quan làng cổ sử dụng ra sao…
Đại diện Sở VHTTDL, UBND thị xã Sơn Tây đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến chính đáng của bà con ở làng cổ Đường Lâm. Đại diện Sở VHTTDL khẳng định: Đường Lâm là ngôi làng đầu tiên ở nước ta được công nhận là di tích quốc gia, mà đã là di tích quốc gia thì phải được điều chỉnh bằng Luật di sản văn hóa. Việc thực hiện Luật không chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mà bản thân người dân cũng cần thực hiện. Những ý kiến chính đáng của bà con sẽ từng bước được giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Theo Gia Huy
Chinhphu.vn