27/04/2012 08:44 GMT+7 | Biếm Họa
(TT&VH) - Việc tổ chức Giải Biếm họa báo chí Việt Nam trong thời gian qua, và đặc biệt là chuyến "du Nam" của Triển lãm biếm họa tại TP.HCM hôm qua đã làm nức lòng những người yêu biếm họa của mảnh đất này. Liệu Giải biếm họa có thực sự trở thành những "live show" hoành tráng như kỳ vọng của họa sĩ NOP?
>> Truy cập website Giải Biếm họa báo chí Việt Nam tại đây
Ngay sau Lễ khai mạc Triển lãm, Bà Trương Lê Kim Hoa, TBT báo TT&VH, Trưởng BTC Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam đã hé lộ những dự định về việc "nâng tầm" giải thưởng này cả về mặt quy mô và... tiền thưởng.
Bà khẳng định:
"Giải Biếm họa báo chí Việt Nam các kỳ tiếp theo sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy những mặt mạnh trong công tác tổ chức. Cụ thể là tiếp tục duy trì một BGK có uy tín cả về đẳng cấp chuyên môn lẫn tinh thần công tâm, trách nhiệm như HS Lý Trực Dũng, Nguyễn Quân, NHOP... BTC kiên định phát triển Giải với mục đích: Tiếp tục khích lệ phong trào sáng tác biếm họa tồn ẩn trong những “nhà báo vẽ” ở khắp mọi nơi; Tổ chức triển lãm và ra sách về biếm họa, đem lại món ăn tinh thần cho đông đảo người xem; Tiếp tục đưa trở lại và phát huy hơn nữa những sức mạnh vốn có cho thể loại báo chí biếm họa; Là nơi tôn vinh xứng đáng cho các tác giả biếm họa thời kỳ mới. Tạo đà để biếm họa nâng tầm hàn lâm về chuyên môn, đại chúng và đa dạng về ngôn ngữ như vị thế của nó ở các nước phát triển".
Từ phải sang: Bà Trương Lê Kim Hoa, HS NOP, HS Hữu Lộc và ông Nguyễn Tiến Lễ (Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP.HCM) |
Để hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển của thể loại biếm họa, bà Kim Hoa cho rằng, BTC sẽ tăng cường xã hội hóa, tìm kiếm các nguồn tài trợ để đảm bảo một cơ cấu giải thưởng ngày một hấp dẫn hơn nhằm khuyến khích người tham gia cũng như tính đến khả năng thành lập Quỹ Phát triển biếm họa (gọi tắt là Quỹ Biếm họa) , hỗ trợ một phần công tác đào tạo, sáng tác biếm họa…, tất nhiên là khi có điều kiện chín muồi.
Bên cạnh đó, BTC Giải Biếm họa cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức có liên quan. Với Hội Nhà báo Việt Nam, BTC Giải thưởng mong muốn Hội sẽ kêu gọi các báo tích cực quan tâm, dành nhiều “đất dụng võ” hơn nữa cho Biếm họa để đăng tranh. TT&VH cam kết sẽ đi “tiên phong” trong kế hoạch này bên cạnh một số tờ báo đã có truyền thống về tranh biếm như Tuổi trẻ Cười, Làng Cười... Báo TT&VH sẽ mở chuyên mục định kỳ về biếm họa, trước hết nhằm mục tiêu hướng tới Giải tiếp theo. Đối với Hội Mỹ thuật Việt Nam, BTC Giải vận động Hội tiếp tục đưa ra những sáng kiến, những kế hoạch để khuyến khích, tôn vinh biếm họa, động viên các họa sĩ biếm họa hội viên trong việc làm nghề.
Các kỳ Giải Biếm họa tiếp theo, BTC sẽ tăng cường hợp tác để mở rộng quy mô, như dự kiến sẽ mời Hội Mỹ thuật Việt Nam hay một tờ báo chuyên về biếm họa cùng tham gia tổ chức, và nếu mọi việc hanh thông thì có thể bắt đầu ngay từ mùa giải lần thứ 4 tới.
Một trong những điểm yếu của biếm họa Việt Nam là chưa thực sự hòa nhập sâu vào đời sống biếm họa thế giới, vốn có bề dày và sức ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Vì thế, trong các mùa giải tiếp theo, BTC sẽ xây dựng kế hoạch để tăng cường giao lưu với các họa sĩ biếm quốc tế, bằng các hoạt động như: mời các HS biếm họa quốc tế có uy tín tham gia chấm giải, tổ chức các hoạt động sáng tác hoặc triển lãm chung giữa các HS trong và ngoài nước; gửi tranh dự thi đạt chất lượng cao tham dự các triển lãm hoặc giải thưởng... Xây dựng, nâng cấp chuyên trang biemhoa.thethaovanhoa.vn thành "Cổng thông tin" về biếm họa của Việt Nam cũng như thế giới để tạo sân chơi rộng rãi nhất cho những người yêu biếm họa trên toàn quốc. Chuyên trang này cũng sẽ là diễn đàn nghề nghiệp của các HS chuyên nghiệp.
Đây là lần thứ 2, Triển lãm Biếm họa báo chí Việt Nam được đưa vào TP.HCM. Và đây cũng là một dịp hiếm hoi để công chúng và những người yêu biếm họa thành phố, sau khi được thưởng thức những chủ đề thiết thực sát sườn như giao thông, môi trường, còn được giao lưu với các họa sĩ biếm họa. Và sau đó, sản phẩm mang về không chỉ là những tiếng cười "bằng mười thang thuốc bổ" mà còn là những bức tranh chân dung hý họa của chính mình được các họa sĩ tài năng vẽ tặng trong khuôn khổ triển lãm. Với mỗi bức hý họa ấy, công chúng không phải băn khoăn xem phải trả cho họa sĩ bao nhiêu, mà tùy tâm mình, có thể bỏ những đồng tiền "mua 10 thang thuốc bổ" ấy vào quỹ từ thiện. Công chúng cũng có thể tham dự đấu giá tranh biếm họa để đóng góp thiết thực vào các quỹ từ thiện hay vào Quỹ Phát triển Biếm họa" - bà Hoa khẳng định.
Nguyễn Sinh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất