(Thethaovanhoa.vn) - Sau những khó khăn, Barca của Luis Enrique đang đi vào quỹ đạo ổn định, với một bộ mặt khác rất nhiều so với các triều đại gần đây - tính từ kỷ nguyên hoàng kim với Pep Guardiola.
Theo đó, Barca đang vận hành theo công thức mà HLV Luis Enrique quyết tâm theo đuổi trong mọi hoàn cảnh.
Bộ khung của Luis Enrique
Luis Enrique đã phải mất tới 29 trận đấu chính thức để tìm thấy một bộ mặt ổn định cho Barca. Giờ đây, đã có một bộ khung nhất định mà Luis Enrique duy trì, và không quá khó để đoán những gương mặt chủ đạo.
Ngoại trừ hai thủ môn Bravo và Ter Stegen thay đổi giữa những giải đấu khác nhau, hàng thủ Barca được trả về với giá trị đã rất cũ, với Dani Alves - Pique - Mascherano - Jordi Alba. Hàng tiền vệ có thay đổi đáng kể, khi Xavi chỉ còn đóng vai trò dự bị, trong khi Ivan Rakitic được lắp ghép vào hệ thống với Busquets và Iniesta.
Hàng công là bộ ba “MSN” (Messi - Suarez - Neymar) mà Luis Enrique không thể không sử dụng. Khác với Pep Guardiola, Tito Vilanova và Tata Martino, trong cách xây dựng chiến thuật của mình, Luis Enrique đã kéo Messi dạt sang phải, và ông rất kiên định với điều này. Ngay cả khi Luis Suarez “tịt ngòi” 29 ngày liên tiếp (trước khi tìm lại mình ở trận thắng Bilbao), Enrique vẫn không thay đổi, khi luôn để Messi đá với vai trò của một “số 7” (tấn công cánh phải).
Tất nhiên, Barca của Enrique không chỉ vận hành với bộ khung trên. Enrique vẫn xoay vòng đều đặn, qua đó tạo sự cạnh tranh cao giữa các vị trí và tăng thêm chất lượng cho các trận đấu. Những nhân tố Bartra, Montoya, Mathieu, Adriano sẽ là giải pháp bổ sung cho hàng thủ. Rafinha luôn sẵn sàng thách thức vị trí của Iniesta; Mascherano được đôn lên thay Busquets để mang đến nét mới; Xavi và Iniesta tùy theo trận đấu sẽ được thay vai trò của Rakitic. Pedro, cùng với Munir và Sandro Ramirez, sẽ giúp duy trì cân bằng về thể lực cho bộ ba “MSN”.
Sức mạnh của Barca
Luis Enrique đang thay đổi Barca như thế nào? Theo những góc độ nào đó, Enrique làm những gì người tiền nhiệm Tata Martino thực hiện dang dở, hoặc thiếu sự kiên định trước quá nhiều sức ép. Cũng không quá khó hiểu với Tata Martino, khi ông lần đầu đến châu Âu, và dẫn dắt một Barca có truyền thống kiêu hãnh, đặc biệt là chiếc bóng quá lớn từ Pep Guardiola (phần nào có Tito Vilanova).
Cũng như Tata, Enrique xây dựng một Barca cơ động hơn. Các cầu thủ phải làm việc cường độ cao, luôn di chuyển và tranh chấp liên tục. Nếu Barca với Pep là thứ nghệ thuật tiki-taka, thì Enrique đòi hỏi nhiều hơn về cơ bắp. “Sự tranh chấp luôn là nền tảng trong những cuộc chiến”, Enrique từng tâm sự về triết lý mà ông theo đuổi. Tranh chấp và cả những pha bóng dài nữa.
Giai đoạn đầu mùa, Enrique gặp nhiều khó khăn khi thay đổi Barca, khiến đội luôn thua trước các đối thủ lớn, và không ít lần bế tắc (điển hình là trận hòa 0-0 với Malaga, khi Barca không có một cú sút chính xác nào).
Enrique đã thay đổi mình, bằng cách vẫn duy trì cuộc chiến thể lực, đồng thời gợi lại giá trị dưới thời của Guardiola. Từ chỗ thực hiện trung bình 572 đường chuyền mỗi trận, Barca chuyền 700 lần trong chuỗi 9 trận thắng gần đây (tính đến trước lượt đi bán kết Cúp Nhà Vua). Enrique đang cho phép chuyền bóng ở tốc độ cực cao. Trước đối thủ Elche mà Barca đá như đi dạo, họ vẫn di chuyển 102 km. Trước Villarreal ở La Liga (3-2), cả đội Barca di chuyển rất “khủng”: 117 km.
Công thức của Luis Enrique đang hoạt động hết sức linh hoạt. Messi trở nên toàn diện trên khắp phân sân đối thủ; Neymar hiệu quả từ trận này sang trận khác; Iniesta mang hình ảnh rất khác so với chính anh trước đây. Barca chỉ còn chờ thêm Luis Suarez lấy lại cảm giác của Chiếc giày vàng châu Âu 2013-14 để có thêm căn cứ cho tham vọng ăn ba.
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa