31/07/2014 07:27 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Barca từng không là gì so với hai đế chế kinh doanh của bóng đá thế giới Real Madrid và Man United. Nhưng vào thời điểm này, Barca có thể tự hào rằng họ không chỉ xuất sắc trên sân cỏ, mà còn kiếm tiền rất giỏi nữa.
Bây giờ, Barca là số 1
Hôm qua, Barca đã công bố kết quả tài chính chi tiết hàng năm, trong đó, họ đạt doanh thu kỷ lục là 530 triệu euro trong mùa giải 2013-14. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, doanh thu của Barca vượt qua mốc 500 triệu euro. Không những vậy, họ còn là CLB thể thao có doanh thu hàng năm cao nhất trong lịch sử. Kỷ lục cũ thuộc về Real Madrid với 521 triệu euro ở mùa 2012-13. Tuy vậy, do phải tới tháng 9 này, Real mới công bố kết quả tài chính của họ nên Barca hoàn toàn có khả năng bị qua mặt.
Trong một thập kỷ qua, doanh thu của Barca đã tăng gấp 3 lần, kết quả của việc họ đã giành 3 chức vô địch Champions League và sở hữu cầu thủ 4 lần liên tiếp đoạt Quả bóng Vàng, Lionel Messi. Các hợp đồng tài trợ và quảng cáo khổng lồ là nguyên nhân chính giúp Barca tăng trưởng một cách chóng mặt. Như Real Madrid và Man United, Barca có các hợp đồng tài trợ từ khắp nơi trên thế giới.
Barca có hợp đồng tài trợ ở Ấn Độ (Nokia), Indonesia (Head and Shoulders), Avea (Thổ Nhĩ Kỳ)… và thêm vào đó, họ còn là đối tác chiến lược của các hãng lớn trên thế giới như Nike, Qatar Airways và Audi. “Thương hiệu của chúng tôi mạnh hơn nhiều và hiện diện nhiều hơn trên khắp thế giới so với 4 năm trước đây”, phó chủ tịch phụ trách tài chính của Barca, Javier Faus cho biết.
Sự hiện diện trên toàn cầu của các CLB bóng đá lớn có thể được nhìn thấy thông qua sự phổ biến của họ trên các mạng xã hội lớn. Barcelona (71 triệu), Real (68 triệu) và Man United (54 triệu) là 3 CLB thể thao có số lượng người theo dõi trên Facebook nhiều nhất. Đội bóng bầu dục hàng đầu của NFL là Cowboys chỉ có 8 triệu người theo dõi trên Facebook. Sự vượt trội này của các CLB hàng đầu châu Âu giúp họ len lỏi được đến mọi ngõ ngách trên thế giới, qua đó đem về nhiều hợp đồng tài trợ lớn.
Nga và Brazil là hai quốc gia lớn hiếm hoi mà Barca không có nhà tài trợ chính thức. Nhưng Faus tiết lộ rằng Messi có thể được sử dụng để mở rộng thị trường Nga. Trong khi đó, ở Brazil, các hợp đồng tài trợ đến với Barca chỉ còn là vấn đề thời gian khi họ đang sở hữu cầu thủ nổi tiếng nhất của xứ sở Samba là Neymar. Bản thân Neymar, cầu thủ có lẽ chỉ kém Messi và Cristiano Ronaldo về sự nổi tiếng, đã là một thương hiệu lớn để Barca khai thác.
Năm 2010, Barca vẫn xếp ở vị trí thứ 24 trên BXH những CLB thể thao giá trị nhất thế giới, nhưng theo số liệu mới được Forbes công bố, họ đã vươn lên vị trí thứ 2 với trị giá 3,2 tỷ USD. Chỉ Real Madrid là đứng trên Barca với giá trị thương hiệu lên tới 3,4 tỷ USD.
Thêm tiền, thêm siêu sao
“Chúng tôi đã tăng trưởng nhiều hơn bất cứ CLB nào trên thế giới”, Faus tự hào nói. “Và cũng chỉ có Barca là CLB còn nhiều tiềm năng để khai thác. Điều đó sẽ giúp chúng tôi củng cố vị thế toàn cầu của mình. Barca từng nợ nhiều hơn cả giá trị tài sản sở hữu nhưng chúng tôi đã đảo ngược được tình thế”.
Barca từng phải chứng kiến cảnh các siêu sao lũ lượt kéo tới Real Madrid sau mỗi kỳ chuyển nhượng. Đơn giản bởi Real có quá nhiều tiền để đưa về những cầu thủ hàng đầu thế giới. Nhưng vào thời điểm hiện tại, ngay cả Real cũng phải dè chừng độ chịu chơi của Barca.
Mùa Hè năm ngoái, Barca gây sốc khi bỏ ra 86,2 triệu euro để chiêu mộ Neymar. Và chỉ sau một năm, họ tiếp tục chi tới 81 triệu euro cho chữ ký của Luis Suarez. Suarez hiện cũng là bản hợp đồng đắt giá nhất trong mùa Hè này tính tới thời điểm hiện tại. Dường như Barca đang theo đuổi chính sách mỗi năm chiêu mộ một ngôi sao hàng đầu thế giới, vốn quá quen thuộc với Real Madrid.
Nhưng Barca có đủ điều kiện để “ăn chơi”. Barca đang là một “cỗ máy kiếm tiền” hàng đầu thế giới, và chẳng có lý do gì họ không thọc tay sâu vào hầu bao cho các siêu sao.
Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất