16/02/2014 08:02 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa,vn) - Dù BTC Lễ Khai ấn đền Trần nhiều lần khẳng định “Ấn đền Trần không bán, chỉ ban” song người trong quầy phát ấn đã thản nhiên vòi tiền du khách trước ống kính phóng viên.
Sự cứng nhắc của các lực lượng được nhà đền giao nhiệm vụ cũng là một trong những vấn đề mà BTC Lễ hội Khai ấn đền Trần bị đoàn thanh tra Bộ VH,TT&DL nhắc nhở trong cuộc trao đổi trong ngày 15 tháng Giêng Âm lịch, tại đền Trần.
“Mới đưa có 10 ngàn”
Trong clip Thể thao & Văn hóa ghi được tại ngày phát ấn đầu tiên (15 tháng Giêng Âm lịch), một phụ nữ sau khi xếp hàng dài đã không nhận được ấn khi đến quầy phát ấn. Bởi theo người phát ấn, người phụ nữ mới đưa “có 10 nghìn”. Sau khi người phụ nữ phản ứng lại và bảo đã trả đủ 15.000 đồng vào hòm công đức như “luật bất thành văn” để nhận 1 lá ấn trong lễ hội, người trong quầy cúi xuống nhìn hòm công đức, chỉ tay rồi đáp: “mới nhìn thấy mới có tờ 10 nghìn”.
Người phụ nữ lập tức rút 10 tờ 100 nghìn đồng từ từ thả vào hòm công đức và yêu cầu nhà đền nhìn kỹ. Thẹn thùng, người trong quầy phát ấn rút 4 cánh ấn đưa cho người phụ nữ.
Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất cánh ấn đền Trần bị mang ra “cò kè bớt một thêm hai” tại ngày đầu phát ấn. Ngay sau đó, một nam thanh niên khác lên tiếng đòi thêm cánh ấn cho đúng “mệnh giá” tương xứng. Song trước ống kính máy quay, người được nhà đền giao việc phát ấn giải thích rằng du khách lấy lộc đầu Xuân rồi để tiền công đức lại là đúng. "Còn đây không bán nên không đòi thiếu đòi đủ được”- người trong quầy phát ấn nói.
Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, những người phát ấn tại đền Trần (Nam Định) không phải 12 vị thủ từ của đền. Lực lượng phát ấn gồm những người cao tuổi trong khu vực, cùng một vài lực lượng khác...
Nên đặt màn hình để truyền trực tiếp Lễ Khai ấn
Ngay sau đó, đoàn thanh tra của Bộ VH,TT&DL đã làm việc với BTC Lễ hội Khai ấn Đền Trần và đánh giá tổng quan về lễ hội. Dù không bàn tới việc vòi tiền, song đoàn thanh tra của Bộ cũng nhắc nhở nhiều về cách hành xử của những người được nhà đền giao nhiệm vụ.
Ngoài ra, theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, Lễ Khai ấn đền Trần còn tồn tại nhiều hình ảnh chưa đẹp. Cụ thể, ăn mày, ăn xin xuất hiện tràn lan. Dịch vụ đổi tiền lẻ, vui chơi có thưởng (trong đó có cả cờ bạc trá hình)… ngập cửa đền. Điều này khiến những người nặng lòng với lễ hội cảm thấy “tức mắt”.
Lý giải về điều này, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội, thừa nhận những mặt còn hạn chế trên của lễ hội. Bà cũng mong Đoàn thanh tra cùng du khách thập phương chia sẻ về sự khó khăn của BTC khi sức ép về số lượng người quá đông dồn về lễ khai ấn.
Bởi vậy, để đảm bảo công tác an ninh, lực lượng chức năng đôi khi xử lý cứng nhắc. Thêm nữa, do dồn toàn lực để đảm bảo an ninh cho Lễ Khai ấn thiêng liêng, nên từ 10 giờ đêm 14 tháng Giêng (Âm lịch), lực lượng của BTC không thể căng sức ra kiểm soát những hình ảnh phản cảm trên.
Trong buổi trao đổi, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cũng ghi nhận những nỗ lực của BTC. Đồng thời, ông đưa ra ý tưởng lập màn hình lớn ngoài cửa đền để toàn dân có thể xem trực tiếp Lễ Khai ấn. Bởi theo ông Biên, nhu cầu được xem khoảnh khắc thiêng liêng của người dân là chính đáng. Song do diện tích có hạn nên đền Trần không thể mở cửa đón toàn bộ du khách trong giờ khai ấn.
Theo ghi nhận của Thể thao & Văn hóa, sau khi thực hiện phương án của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH,TT&DL), việc phát ấn đền Trần đã hạn chế được nhiều hình ảnh phản cảm. Tuy nhiên, ngoài những vấn nạn như Thanh tra Bộ đã nêu, quang cảnh hỗn loạn như “ong vỡ tổ” sau giờ khai ấn, cùng việc “phe ấn” vẫn ngang nhiên hoành hành (với mức giá khoảng 50.000 đồng/cánh ấn) là những hình ảnh khó có thể chấp nhận được ở chốn tâm linh.
Dự kiến, mùa lễ hội này, nhà đền sẽ phát 35 vạn cánh ấn.
Phạm Mỹ
Thể thao& Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất