Kinh hoàng “công nghệ” khai thác cát sông Hà Nội

27/11/2010 10:06 GMT+7 | Thế giới

Tại Hà Nội, việc đua nhau khai thác cát trên sông đã và đang khiến dư luận bức xúc. Bởi, không chỉ gây ô nhiễm và thay đổi dòng chảy, nguy hại hơn, “cát tặc” cùng việc khai thác, tập kết, trung chuyển cát, sỏi đã uy hiếp nghiêm trọng đến sự an toàn của hệ thống đê điều và công tác phòng chống lụt, bão trên địa bàn thành phố Hà Nội.


 Một điểm khai thác cát và tập kết cát ngay sát chân cầu Thăng Long. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Đô thị phát triển mạnh, nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng, nhất là cát, sỏi, đang trở nên “nóng” hơn bao giờ. Trong khi đó, những bãi cát tự nhiên được cấp phép khai thác theo thời gian dần cạn kiệt. Và để cung ứng cho các công trình xây dựng, những kẻ hám lợi đã thò vòi “bạch tuộc” xuống các tuyến sông, hút cát đem bán bất chấp pháp luật và hậu quả…

Những kẻ giết chết lòng sông

Vào một ngày giữa tháng 11, phóng viên cùng các chiến sĩ của Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường thủy số 1 có cuộc hành trình dọc tuyến sông Hồng để kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép. Đây là đơn vị quản lý hai tuyến sông chính gồm 32,3km sông Đà, 51km sông Hồng, đoạn qua 43 xã, phường của các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Chiếc xuồng máy cao tốc lướt trên mặt nước sông Hồng rộng mênh mang, đỏ phù sa màu mỡ. Giọng nói của một chiến sĩ hòa bên tiếng máy nổ đều, sâu sâu, âm âm: “Đấy, các nhà báo nhìn xem. Dòng sông là nguồn sống của con người, từ nguồn nước sinh hoạt hàng ngày đến nước tưới cho hoa màu, lại cũng là huyết mạch giao thông của các phương tiện vận tải thủy. Nhưng bây giờ lại là nơi để những đối tượng khai thác cát trái phép lén lút hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi."

Đứng kế bên chúng tôi, đại úy Khuất Hồng Sơn, đội phó Đội tuần tra cảnh sát giao thông đường thủy số 1 cho biết, chúng thường chọn những địa bàn giáp danh như Sơn Tây-Ba Vì, Phúc Thọ-Đan Phượng, Đan Phượng-Mê Linh, rồi neo đậu tàu ở nơi vắng, thả “vòi rồng” xuống đáy sông hút cát.

Cát từ đáy sông được đưa lên đổ trực tiếp vào khoang thuyền vừa để tận thu cát lại vừa dễ dàng và nhanh chóng rút lui cũng như chạy trốn nếu bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện. Kiểu khai thác cát này đã làm thay đổi dòng chảy của sông, gây sạt lở đê điều.

Lượn một đường cong trên mặt nước, xuồng máy áp sát con tàu mang biển kiểm soát VP 0116, tải trọng 80 tấn, đang được lai dẫn về đội 1 để xử lý. Vừa nhanh nhẹn leo lên chiếc tàu vi phạm, đại úy Sơn vừa nói với chúng tôi, thuyền trưởng tàu này là Nguyễn Văn Vinh, sinh năm 1973, ở Xuân Phú-Yên Dũng- Bắc Giang.

Khi tuần tra, các chiến sĩ đội 1 đã phát hiện tàu này khai thác cát trái phép trong phạm vi hành lang bảo về luồng ở địa bàn giáp danh Ba Vì-Sơn Tây, phía bên mạn Hà Nội-Vĩnh Phúc. Rồi anh chỉ tay về phía tuyến đê hữu Hồng - đoạn qua phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây - nơi lộ ra những vết sạt trượt dài, nham nhở, nhiều chỗ đã ăn sâu vào cả trăm mét như muốn xé toạc con đê cho biết, đoạn đê này vừa bị sạt trượt cách đây vài ngày. Nguyên nhân được xác định có liên quan đến khai thác, tập kết cát tại khu vực này.

Hút trộm, chạy trốn, chống đối

Với cách khai thác cát lén lút hiện nay, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một chiếc thuyền loại vừa, với công suất hút cát trung bình, có thể “móc” từ dưới lòng sông lên khoảng 100m3 cát.

Chi phí cho 1m3 cát khi khai thác lén lút chỉ dao động từ 70.000-80.000 đồng nhưng khi cập bến, bán ra có thể kiếm lời gấp 3 lần. Nếu “găm” hàng lại, đợi vào mùa kiệt nước, thì với sự khan hiếm về vật liệu xây dựng, cát sẽ có giá tới 280.000 đồng/m3 đến 350.000 đồng/m3. Vì thế, kinh doanh cát là một vốn bốn, năm "lời."

Đầu tư ít, lợi nhuận cao như vậy nên những đối tượng khai thác cát trái phép rất manh động và liều lĩnh. Chúng thường họat động theo phương thức hút trộm, chạy trốn và chống đối.

Các chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội vẫn nhớ như in vụ bắt “cát tặc” vào hồi tháng 3 vừa qua. Trong đêm tối, chiếc tàu NB-6365 do Dương Văn Tùng, ở xã Đông Thượng, huyện Ninh Phúc, tỉnh Ninh Bình, điều khiển, có trọng tải gần 1.000 tấn lặng lẽ rẽ nước sông Hồng, tiến về phía khu vực kè Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, thò chiếc vòi “bạch tuộc” xuống lòng sông hút trộm cát.

Phát hiện thấy đối tượng hút cát trái phép, tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát số 3 đã ập tới, bắt giữ. “Cát tặc” Dương Văn Tùng đã chống trả quyết liệt. Đơn vị đã phải tăng cường thêm 1 tổ công an hỗ trợ mới bắt được phương tiện và đối tượng.

Nói về nạn khai thác cát trộm, Phó Phòng cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Cương cho biết, hiện nay, với tổng số chiều dài của cả hệ thống sông Hồng, sông Đuống và sông Đà, đoạn chảy qua Hà Nội, lên tới hơn 280km đã khiến công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát gặp nhiều khó khăn.

Toàn thành phố có tới 29 điểm khai thác cát, trong đó có 4 điểm cố định, song 2 điểm giấy phép đã hết hạn. Những điểm còn lại chủ yếu là khai thác cát lưu động không có giấy phép khai thác, tập trung trên dọc hai tuyến sông Hồng và sông Đuống tại địa bàn các quận, huyện Từ Liêm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Phú Xuyên.

Rồi ông Cương cho hay, thực tế, để phát hiện, bắt giữ một đối tượng khai thác cát trái phép đã khó nhưng để xử lý được lại càng khó hơn. Chúng sẵn sàng giằng co, chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu không cho vào, để phương tiện trôi tự do… gây khó khăn cho việc xử lý.

Nhưng khó hơn nữa là việc thiếu bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Bởi mỗi chiếc tàu dài gần 20m, rộng 3m; cả dàn thuyền, tàu vi phạm bị tạm giữ thì không biết sẽ cần đến bao nhiêu diện tích mới đáp ứng đủ. Thực tế này khiến nhiều địa bàn rất “ngại” xử lý tàu, thuyền hút trộm cát, ngay cả khi chế tài áp dụng phạt là tương đối nghiêm khắc.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link