Những cuộc "khẩu chiến" trong bầu cử Mỹ

03/10/2012 09:14 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ứng cử viên Tổng thống phe Cộng hòa Mitt Romney đang tìm kiếm cơ hội thay đổi cuộc chơi bằng cách tham gia cuộc tranh luận trực tiếp với Tổng thống Barack Obama, dự kiến diễn ra trong 2 ngày tới đây. Tuy nhiên giới phân tích nói rằng nếu không chuẩn bị kỹ càng, thay vì thu được sự ủng hộ, ông sẽ phải hối tiếc vì những gì đã diễn ra trong cuộc tranh luận, giống như nhiều người đi trước.

Từ màn đổ mồ hôi của Richard Nixon cho tới tiếng thở dài của Al Gore, từ việc Gerald Ford lớ ngớ khi bàn tới Ba Lan và cuộc Chiến tranh Lạnh cho tới việc Jan Brewer lúng búng khi nói ra thành tích của mình... Tất cả đã được đưa vào danh sách các màn tranh luận trực tiếp để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử Mỹ, kể từ vòng bầu cử sơ bộ cho tới bầu cử chính thức.

Màn đãng trí của Rick Perry

Xuất hiện trong buổi tranh luận ở Michigan hồi tháng 11 năm ngoái cùng các ứng cử viên khác đang tham gia cuộc chạy đua sơ bộ của đảng Cộng hòa, Rick Perry bỗng nhiên "quên béng" 1 trong 3 bộ thuộc chính phủ Mỹ đã bị ông chỉ trích liên tục hết ngày này sang ngày khác.

"Tôi có thể nói cho các vị biết thế này, khi tôi đắc cử, sẽ có 3 bộ biến mất là Thương mại, Giáo dục và... à... bộ thứ ba là gì nhỉ?" -  Trong tiếng cười của các khán giả, Perry cố gắng bình tĩnh tìm đáp án từ các đối thủ tranh luận, nhưng không thành công.

Người điều hành chương trình của kênh CNBC đang chiếu buổi tranh luận là John Harwood đã phải thốt lên: "Nghiêm túc chứ? Ông không thể nêu danh bộ thứ ba à?" Tới lúc này Perry bèn trả lời: "Tôi không thể. Xin lỗi. Rất tiếc".

Tỉ lệ ủng hộ của Perry đã tụt rất nhanh và ông phải chấm dứt cuộc đua 2 tháng sau sự cố.


Do thể hiện sự thiếu quan tâm tới nỗi lo về kinh tế của người dân Mỹ trong cuộc tranh luận 1992, George H.W. Bush (phải) đã thua trước Clinton

Những giọt mồ hôi của Nixon

Năm 1960, Richard Nixon tham gia cuộc đấu với John F. Kennedy. Đó là lần đầu tiên 2 ứng cử viên tranh luận tay đôi với nhau trên truyền hình. Hơn 77 triệu người, tức 2/3 người trưởng thành của Mỹ, đã theo dõi màn "vật nhau" của hai ứng cử viên.

Nixon đã vào cuộc trong tình trạng thể chất không thể tệ hơn. Ông mới nhập viện 12 ngày trước để phẫu thuật đầu gối. Thời gian nằm viện ông bị sút cân, bộ quần áo ông mặc trên người trông cũng không hợp. Nhưng điều khiến cử tri nhớ nhất là hình ảnh Nixon trông mệt mỏi, mồ hôi chảy tong tỏng trước một đối thủ khỏe mạnh, điển trai.

Ông thua cuộc một phần cũng vì những giọt mồ hôi của chính mình.

Tại sao tôi lại ở đây?

Đô đốc James Stockdale, người từng bị bắt làm tù nhân trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chỉ là một tay mơ trong làng chính trị khi ông được ứng viên độc lập Ross Perot chọn vào liên danh tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống 1992.

Stockdale đã có cơ hội giới thiệu mình với nước Mỹ khi tham gia tranh luận với TNS Al Gore và ứng viên Phó Tổng thống của ông là Dan Quayle. Khi tới lượt Stockdale phát biểu khai mạc buổi tranh luận, ông đã pha trò hơi vô duyên: "Tôi là ai? Tại sao tôi lại ở đây?" Khán giả đã cười rần rần sau câu nói đó, nhưng nó cũng cho thấy ông và Perot chẳng còn lại cơ hội nào cả.

Sự chán chường của George H.W. Bush

Vị Tổng thống thứ 41 của Mỹ đã có một năm bầu cử tệ hại khi ông tìm cách tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 1992.

Đối mặt với một nền kinh tế yếu ớt và sự cạnh tranh dữ dội tới từ đối thủ Bill Clinton, Bush đã mất dần sự ủng hộ. Chuyện trở nên tệ hại khi ông tham gia cuộc tranh luận trực tiếp với Bill Clinton và Ross Perot trong năm 1992. Khi được một khá giả hỏi rằng cuộc suy thoái kinh tế có ảnh hưởng cá nhân tới ông ra sao, Bush đã xem đồng hồ, vân vê vạt áo và đưa ra một câu trả lời dài, nhưng không đưa ra được đáp án trúng cho câu hỏi.

Các hành động của Bush được xem là dấu hiệu cho thấy sự chán chường và thiếu kiên nhẫn của ông trước một câu hỏi đang đặt nặng trong tâm trí người Mỹ. Vốn đã bị chỉ trích vì không có hành động vực dậy nền kinh tế, những gì diễn ra trong cuộc tranh luận trực tiếp đã khiến Bush thua nhanh hơn và mở đường cho Clinton lên nắm quyền.

Cái thở dài của Al Gore

Năm 2000, Phó Tổng thống Al Gore tìm cách làm mềm hình ảnh của mình trong cuộc đua vào ghế Tổng thống, bằng cách thể hiện bản thân như một chính trị gia cởi mở. Nhưng ông đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trong màn tranh luận tay đôi với đối thủ George W. Bush. Đó là việc ông thở dài khá to, khá nhiều lần và thường xuyên thể hiện cảm giác thất bại mỗi khi George W. Bush đưa ra quan điểm.

Những tiếng thở dài cho thấy Gore có vẻ đang đứng ở vị trí thấp hơn so với Bush. Chúng trở thành tiêu điểm của các màn chế giễu, đã xuất hiện trong các show truyền hình ăn khách như "The Daily Show" và  "Saturday Night Live", khiến Gore chẳng có cơ hội chiến thắng nào trước Bush.

"Chết" vì phản đối án tử hình

Câu trả lời nổi tiếng của Thống đốc Massachusetts Michael Dukakis về một câu hỏi liên quan tới án tử hình trong năm 1988 đã khiến ông thua trong cuộc đua trước George H.W. Bush.

Tại cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai người, Dukakis được hỏi rằng liệu ông có muốn người ta tuyên án tử hình cho kẻ đã hiếp và sát hại vợ ông Kitty hay không. "Không, tôi sẽ không yêu cầu án tử hình và tôi nghĩ các bạn biết rõ rằng tôi luôn phản đối án tử hình trong suốt cuộc đời mình" - ông trả lời.

Câu nói của Dukakis lập tức khiến ông bị đánh giá là kẻ lạnh lùng, dù người dẫn chương trình Bernard Shaw của kênh CNN cũng bị chỉ trích vì đã đưa ra một câu hỏi sốc như vậy.

Sau cuộc tranh luận, tỉ lệ ủng hộ của Dukakis sụt giảm mạnh và phần lớn các nhà phân tích đều tin ông đã thua ngay từ khi có câu trả lời kể trên.

Cú chen ngang tinh tế của Barack Obama

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hillary Clinton và Barack Obama tăng cao trong cuộc đua sơ bộ của đảng Dân chủ hồi năm 2008, hai người đã có một màn tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình ABC News.

Khi người dẫn chương trình hỏi Hillary rằng bà sẽ nói gì với các cử tri New Hampshire, những người rất mến bà nhưng có vẻ thích Obama hơn, Hillary đã trả lời: "Chà, tôi cảm thấy tổn thương đấy. Nhưng tôi sẽ cố gắng đi tiếp. Ông ấy rất đáng mến. Tôi đồng ý với quan điểm đó. Tôi không nghĩ rằng mình là người xấu đến thế".

Khi Hillary đang vụng về tìm đáp án cho câu trả lời khó, Obama đã ngừng ghi chép, ngẩng lên và chen ngang: "Bà cũng đáng mến đấy, Hillary". Câu trả lời đã khiến bà Hillary cười ngượng rồi bày tỏ lòng cảm kích với thái độ của Obama.

Cú chen ngang tinh tế này là một trong những lý do khiến Obama đánh bại Clinton và trở thành Tổng thống thứ 44 của Mỹ.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link