Từ chuyện của VPF và VFF: Cái tên & chiếc áo

18/02/2012 15:27 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Cuối tuần) - Đứa trẻ chào đời, tìm cho nó một cái tên với tất cả kỳ vọng là chuyện đau đầu với không ít gia đình, dòng tộc. Nhưng có điều, đôi khi cái tên nội hàm rất đẹp lại không làm nên con người tốt, cũng như chuyện chiếc áo không làm nên thầy tu.

Câu chuyện “cái tên”, “chiếc áo” và mối quan hệ giữa Tổng cục Thể dục thể thao (Tổng cục TDTT) - Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) - Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang là chủ đề “nóng” trong đời sống bóng đá Việt Nam vào lúc này.

Tên nào cũng thế thôi

Tổng cục TDTT vừa  “tuýt còi” VPF, đề nghị công ty này chấn chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến việc điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp. Đấy là chuyện bình thường của một cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động thể dục thể thao nói chung, bóng đá nói riêng. Nhưng, đề nghị “thu hồi” cái tên Super League với lý do không phù hợp với thuần phong, mỹ tục thì quả là khiến người ta khó nghĩ.

Tổng cục ra tay quá muộn, khi trái bóng Super League đã lăn được 4 vòng và chuyện cái tên Super League cũng đã được thông qua trước đó. Sự thay đổi khó tránh khỏi kéo theo bất ổn, và cả tốn kém. Thực tế lâu nay, dấu ấn lãnh đạo, quản lý của Tổng cục TDTT với VFF nói riêng và trong lĩnh vực bóng đá nói chung rất mờ nhạt, đôi lúc thụ động.


Thay vì đối đầu, VFF và VFP cần đoàn kết để cùng phấn đấu vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam

Một phần xuất phát từ việc VFF đã tạo cho mình một thành trì quá vững chắc, trong đó viện cớ những quy định đặc biệt của FIFA, cấm những can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước với các liên đoàn thành viên. Hình ảnh người của Tổng cục tham dự những chương trình nghị sự bóng đá có tính quan trọng, nóng bỏng, căng thẳng... chẳng khác gì một quan sát viên.

“Cuộc chiến” giữa VFF và các ông bầu, bản quyền truyền hình, Tổng cục TDTT cũng bị dư luận cho rằng thiếu quyết liệt, kiểu “tọa sơn quan hổ đấu”. Nếu thực sự có tầm nhìn xa, lường trước những rủi ro mà VPF sẽ mang lại, Tổng cục TDTT hoàn toàn có thể tham mưu cho cấp trên để hoãn giải, kiện toàn mọi vấn đề trước khi cho phép bóng lăn.

Đã đến lúc cần rạch ròi vấn đề: Sự yếu kém của VFF, trong đó công tác tổ chức, điều hành các giải đấu đỉnh cao, là không phải bàn cãi. VPF ra đời là hợp với quy luật khách quan. Nếu VPF không đáp ứng được yêu cầu có tính lịch sử giao phó, chắc chắn họ sẽ bị thay thế. Tương tự, thay thế Super League bằng cái tên gì gì đó cũng không giải quyết được bản chất của giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp, tức cũng chỉ là chuyện “cái tên” và “chiếc áo” mà thôi.

Mảnh đất vàng dứt tình cha con

Cái mới ra đời tất yếu sẽ bị các thế lực cũ kìm hãm dữ dội. Nếu VPF có đủ bản lĩnh, trí tuệ, được việc, thực sự có cái tâm vì bóng đá nước nhà, rồi họ sẽ có được chỗ đứng vững chắc, kể cả trong trái tim người hâm mộ cả nước.

36,5% VFF nắm tới 36,5% cổ phần trong VPF nên trong trường hợp VPF “làm ăn” tốt thì chính VFF sẽ được chia lợi nhuận nhiều nhất.

V-League và hạng Nhất là hai mảnh “đất vàng”, nên việc VFF bị tước quyền làm chủ sở hữu, nếu tổ chức này không cay cú và tìm cách “dạy” cho VPF những bài học mới là lạ.

Có một giả thiết thế này: Một ngày nào đó, sau khi nghe “tiếng thơm” giải chuyên nghiệp Việt Nam thực sự có chất lượng số 1 ở khu vực Đông Nam Á, lãnh đạo FIFA quyết sang thăm một chuyến để “mục sở thị”. Lúc đó, dĩ nhiên VFF mới là tổ chức nở mày nở mặt nhất, được đánh giá công lao lớn nhất, chứ không phải là VPF. Đơn giản, VPF thực chất chỉ là “đứa con” của VFF.

Nói thế để thấy, VFF cần xác định rõ hơn bổn phận “người cha” của mình để ứng xử chuẩn mực hơn. Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng VFF chưa thực sự có thiện chí với VPF. Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, đăng đàn bảo rằng VPF cần sự trợ giúp của VFF. Nếu thiện chí thì VFF phải lăn vào mà hỗ trợ VPF, chứ không phải trợ giúp. Họ là cơ quan quản lý VPF, lại là cổ đông lớn nhất. Sự thành công của VPF còn đồng nghĩa với cái túi của VFF cũng “phồng” lên.

Đoàn kết hay là “chết”?

Xấu chàng hổ ai?

Hiện tại, trong bộ máy điều hành và quản lý của VPF, cả Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Hùng Dũng lẫn Giám đốc điều hành Phạm Ngọc Viễn đều là những Phó Chủ tịch đương nhiệm của VFF. Trưởng Ban Trọng tài Dương Vũ Lâm cũng là Ủy viên Ban chấp hành VFF. Nếu VPF có vấn đề gì thì ai phải xấu hổ đây?

Phương châm của đại hội VFF nhiệm kỳ VI là: Trí tuệ - đoàn kết và phát triển. Đoàn kết nằm ở giữa, có ý nghĩa như cầu nối để tập hợp trí tuệ và đưa nền bóng đá nước nhà phát triển. Thế nhưng lâu nay, VFF vẫn bị cho rằng sự đoàn kết là điều xa xỉ. Khẩu hiệu xã hội hóa bóng đá chỉ là nói suông là chính, bởi họ luôn hạn chế tối đa các doanh nghiệp vào tổ chức mình. Họ biến tổ chức này thành một pháo đài, thành trì kiên cố. Xã hội nhận ra tổ chức này bao cấp quá đậm đặc, trì trệ đã lâu, cần tái cấu trúc quyết liệt nhưng không thể.

Việc ra đời VPF chỉ là mới phá được một cánh cửa của thành trì bao cấp. Giải chuyên nghiệp cho dù có thành công thì vẫn chưa khẳng định nền bóng đá nước nhà đi lên ở cấp vĩ mô, khi nhân sự của VFF vẫn cơ bản như cũ.

Thật hài hước khi không ít người đang cố tình cho rằng tất cả những vấn đề nhức nhối đang xảy ra ở giải quốc nội là sản phẩm của VPF. VPF chỉ mới nắm quyền điều hành, tổ chức hai giải đỉnh cao giải quốc nội mới mấy tháng, trong khi đó VFF bao năm rồi còn không làm ngon lành. Bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài..., đấy là chuyện đã xảy ra từ lâu. Trọng tài do VFF quản lý. Ngay cả không ít quyết định của Ban kỷ luật (thuộc VFF) mới đây cũng không chuẩn...

Tương tự, sự thất thế của một số đội bóng có ông bầu nằm trong Hội đồng quản trị VPF là do các ông không có năng lực điều hành bóng đá?

Chúng tôi không có ý bênh vực VPF, không coi đấy là “độc đạo” hay “giải pháp cứu rỗi” của bóng đá VN, mà chỉ tiếp tục nhấn mạnh:

Sự ra đời của VPF không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả tất yếu có sự đồng thuận khá lớn trong xã hội, trước tình cảnh mô hình điều hành cũ quá bất cập. Vậy thì, hãy để lịch sử phán xét, còn trước mắt thì trách nhiệm của VFF phải hỗ trợ tuyệt đối cho VPF, đoàn kết vì đại cuộc, thay vì tạo một hố sâu thăm thẳm như hiện nay.

Chừng nào mối quan hệ giữa VFF và VPF tìm được tiếng nói chung, chừng đó các giải đấu trong nước mới yên, để nghĩ tới chuyện nâng tầm giải chuyên đúng như những “cái tên và “cái áo” mỹ miều mà người ta đang khoác cho bóng đá Việt Nam lâu nay.

Ngày đó, có lẽ sẽ không gần, ít ra phải hết nhiệm kỳ VI này của VFF, tức phải qua năm 2013.

Ngọc Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link