21/03/2015 07:07 GMT+7 | Liverpool
(Thethaovanhoa.vn) - Trong trận đại chiến Tây Bắc nước Anh cuối tuần này, một trong những điểm nhấn nóng bỏng nhất sẽ là mặt trận trung tuyến. Ở đó, hai yếu nhân của Liverpool và Man United sẽ đối đầu...
Mùa giải 2014-15 với cả hai CLB sừng sỏ nhất nước Anh đều là những ngày tháng chuyển giao. Liverpool gần như mất toàn bộ phương hướng ở nửa đầu mùa giải. Đó là hệ quả từ việc không thể tìm người thay Luis Suarez. Với Man United, đó là việc không thể kiếm một hậu vệ đẳng cấp, lại vật lộn với đủ loại hệ thống, sơ đồ mà chưa thấy lời giải ổn định.
May thay, họ vẫn có được những cá nhân đủ ổn định để làm trụ cột. Trụ cột cả về tinh thẫn, cả về chuyên môn. Họ là Jordan Henderson và Michael Carrick.
Trụ cột
Ở Nhật Bản, có một trường phái xây dựng tháp chùa tương đối lạ lẫm, nổi tiếng nhất là hai ngôi chùa Kofuku-ji và Horyu-ji. Thay vì sử dụng nhiều cột chống quanh tháp để chịu lực, họ chỉ sử dụng một chiếc cột duy nhất ở chính giữa. Các tầng của tòa tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và tách rời nhau, thay vì dính liền như các tầng nhà bê tông. Lý do là khi gặp động đất, các tầng sẽ có thể xê dịch chút ít, thay vì dính chặt vào nhau và dễ bị rạn nứt, sụp đổ. Chiếc cột ở giữa đóng vai trò định vị.
Thế nên chiếc cột ấy phải thật chắc chắn, chất lượng. Kofuku-ji và Horyu-ji sử dụng những thân đại thụ khổng lồ với độ tuổi được cho là không dưới 600 năm.
Với Liverpool và Man United, giữa những cuộc chuyển giao, thay đổi đến mức “động đất”, họ vẫn đang đứng vững vàng. Bằng chứng là vị thế cạnh tranh vé dự Champions League cho tới thời điểm hiện tại, thay vì trôi xuống gần giữa BXH như vài mùa giải đã qua.
Jordan Henderson và Michael Carrick chính là những “cột trụ” ấy. Kể từ khi thay Steven Gerrard đeo băng đội trưởng, Henderson làm đầu tàu cùng tập thể đi đến 9 trận bất bại tại Premier League, 8 trong số đó là chiến thắng. Với Carrick, Man United chỉ thua 8% các trận anh có mặt. Con số này tăng lên 25% khi không có anh.
Đối thủ hôm nay, đồng đội ngày mai?
Dĩ nhiên, sẽ rất khó để so sánh hai cầu thủ này, bởi họ là những cầu thủ rất khác nhau. Kể cả khi còn trẻ, Carrick cũng không bao giờ là một “máy chạy” như Henderson. Carrick thường được biết tới với khả năng phân phối bóng cũng như cầm nhịp. Trong khi đó, Henderson là một “máy quét”, một chuyên gia hỗ trợ tấn công ít chạm.
Carrick ít khi xâm nhập vòng cấm, Henderson thì luôn muốn lao lên lập công. Nhìn Carrick thi đấu, người ta cảm nhận được sự điềm đạm đến mức khoan thai. Theo dõi Henderson, máu lửa nhiệt huyết dâng tràn cảm xúc.
Chủ nhật này, không loại trừ khả năng họ sẽ đối đầu trực tiếp nhau ở trung tuyến. Thi đấu trên sân nhà sẽ là một lý do tâm lý tốt để HLV Brendan Rodgers yêu cầu các học trò dâng cao, áp sát từ phần sân đối phương. Khi ấy, Carrick rất có thể sẽ phải chịu sức ép từ chính Henderson.
Ngược lại, khi Liverpool tấn công, khả năng che chắn và điều động phòng thủ của Carrick rất có thể sẽ khiến Henderson gặp khó. Ít ai để ít rằng tiền vệ của Man United thường không cố gắng tranh chấp bóng mà chỉ đọc thế trận, di chuyển qua lại để khiến đối thủ mất “đường” để chuyền. Henderson sẽ không có những khoảng trống to lớn để di chuyển dễ như trận gặp Swansea.
Xa xôi hơn, đây có thể sẽ là giải pháp cho trung tuyến của tuyển Anh. Ngày 19/3 vừa qua, Roy Hodgson đã triệu tập cả hai lên tuyển. Henderson và Carrick khi ấy có thể sẽ không chỉ là trụ cột của hai đội bóng áo đỏ khác nhau, mà có thể sẽ trở thành “một cột” của cùng đội bóng áo trắng.
7 Chỉ tính riêng các tình huống bóng sống, Henderson đã có 7 đường kiến tạo, xếp thứ ba Premier League, chỉ thua Cesc Fabregas (9) và Gylfi Sigurdsson (8). 0,54 & 1,19 Man United chỉ để thủng lưới trung bình 0,54 bàn trong các trận Carrick thi đấu. Con số này tăng lên 1,19 mỗi khi anh vắng mặt. 59,1 Với trung bình 59,1 đường chuyền/trận, Henderson đang đứng thứ 10 ở thống kê này tại giải Ngoại Hạng Anh. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất