(TT&VH) -
Quang Hải (9 tỷ đồng), Tài Em (không dưới 7 tỷ đồng), Anh Tuấn (6,7 tỷ đồng), Hoàng Vương, Trường Giang, Nirut, Santos, Văn Khải, Được Em…, tức là toàn sao số cả. Thế nhưng, HLV Mai Đức Chung lại chỉ dám khẳng định: “Navibank.SG sẽ phấn đấu không phải đi “play-off ” nữa”. Ông Chung “xe ca” khiêm tốn, muốn gỡ bỏ sức ép vô hình lên các học trò và đội bóng, hay năng lực huấn luyện của ông chỉ có thế?!“Vì con người thay đổi, nên mục tiêu của chúng tôi năm nay cũng khác đi. Năm ngoái chúng tôi phải đi “play-off”, thì năm nay sẽ phấn đấu để không còn để tình trạng đó diễn ra nữa. Trong bóng đá không thể nói trước được điều gì, nhưng ít ra chúng tôi phải có thứ hạng cao hơn mùa bóng trước. Không phải vất vả để trụ hạng, đó cũng là một mục tiêu”. Mặc kệ ông thầy vẫn thao thao, dè xẻn với tham vọng của đội bóng, cầu thủ Navibank.SG đã lại khẳng định:
“Lãnh đạo đặt mục tiêu cho đội phải vào tốp 5”.Có gì đó không ăn khớp giữa lời nói của ông và cầu thủ?
1. Trong những đội bóng chuẩn bị cho V-League 2011, chắc hẳn Navibank.SG phải là một trong những CLB có sự chuẩn bị công phu nhất. Họ tập trung từ rất sớm và đã có chuyến tập huấn ở Vũng Tàu, ngay cả khi đội bóng chưa có đủ 1/2 quân số. Nhưng điều đáng nói nhất, phải là sự tích cực dị thường trên thị trường chuyển nhượng. Lần lượt Tài Em, Quang Hải, Được Em, Anh Tuấn, Trường Giang, Hoàng Vương và cả trợ lý ngôn ngữ Văn Hiệp, HLV trẻ Hoàng Bửu…, gia nhập đội bóng. Một cuộc vận động hậu trường có quy mô lớn.
Có Tài Em (phải) và nhiều cái tên khá, N.SG sẽ không phải đá “play-off”? Ảnh: Bá Châu |
Với dân kinh doanh, đó là phương án tối ưu để đánh bóng thương hiệu. Giá trị thương mại có “thặng dư” hay không chắc hẳn phải phụ thuộc rất nhiều vào thành tích của đội bóng, và nó cũng phản ánh sự đầu tư hợp lý của các ông chủ ngân hàng. SHB.ĐN xưng vương mùa 2009, bầu Hiển hớn hở ra mặt vì thương hiệu SHB càng ngày được cổ đông ủng hộ. Những khoản thưởng vì thế chỉ là muỗi. Ông chủ Đoàn Nguyên Đức của HA.GL, cũng đã “phản công”, rằng “làm bóng đá mà không vì thành tích thì tôi làm làm gì, để đi nhậu sướng hơn”, khi có người hỏi phải chăng ông chán bóng đá rồi?
2. Trở lại với chuyện của Navibank.SG. Ông Chung xưa nay nổi tiếng điềm đạm và khiêm nhường. Nhưng việc ông không hô hào thành tích hay tốp này tốp nọ trên BXH của V-League mùa tới, có thể vì lý do khác. Ông muốn cởi bỏ sức ép, bắt đầu với xuất phát điểm thấp nhất và nó còn có thể giúp đội bóng tránh được những hậu họa - bị đánh hội đồng. Ông Chung thậm chí còn lảng tránh trả lời phóng viên, nhưng đó không phải là giải pháp hay với một HLV chuyên nghiệp, và nó còn đi ngược với các tiêu chí “PR” trong làng bóng của các ông chủ Ngân hàng Nam Việt.
Tính từ thời điểm cầm B.BD (nửa cuối giai đoạn 1, V-League 2009), có thể thấy tính cách và phương pháp huấn luyện của HLV Mai Đức Chung, không thật sự hợp với các đội bóng có lực lượng mạnh, cũng như tham vọng chinh phục. Với những con người mà Navibank.SG đang sở hữu, cùng các hạng mục đầu tư đính kèm - bổ trợ cho đội bóng, không thể chỉ dừng lại ở mục tiêu trụ hạng được. Mà nếu chỉ trụ hạng, các ông chủ của Navibank.SG cũng không nhất thiết phải xuống nước, để mời lại ông Chung, sau một V-League 2010 “chết đi sống lại”.