10/04/2015 13:51 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, AFC Champions League và… V-League đều được thai nghén lần đầu tiên năm 2001. Đại diện cho V-League tham dự đấu trường danh giá nhất châu lục dành cho CLB là SLNA và cho đến thời điểm này, trận thua 1-4 của SLNA trước PSM Makassar (Indonesia) tại vòng sơ loại khu vực Đông Nam Á vẫn được xem là dấu mốc, dù chẳng vẻ vang gì.
Cũng như Âu châu, AFC bắt đầu tách hạng các giải đấu cấp châu lục dành cho CLB từ mùa giải 2002, tuỳ thuộc vào năng lực nền bóng đá và thành tích CLB. Theo đó, AFC Champions League tập hợp những đội mạnh nhất và AFC Cup là sân chơi của các đội kém hơn.
"Chiếc áo thừa vải"
Tại AFC Champions League 2006, Đà Nẵng (tiền thân của SHB Đà Nẵng bây giờ) còn tạo nên cột mốc đáng quên hơn, sau thất bại không tưởng 0-15 trước Gamba Osaka (Nhật Bản) tại vòng bảng. Trận thua đau đớn này giáng một đòn chí mạng vào V-League sau nửa thập niên lên chuyên một cách vội vã.
Với 6 trận toàn thua, chỉ ghi được 1 bàn thắng và để thủng lưới đến 27 bàn, Đã Nẵng gần như đã giẫm lên vết xe đổ của HA.GL. Cũng ở giải đấu này năm 2005, HA.GL không tìm nổi 1 điểm, sau 6 trận toàn thua ở vòng bảng, để lọt lưới đến 25 bàn và chỉ ghi nổi 1 bàn. Đây chính là lý do mà AFC phải xem xét lại tư cách đại biểu của Việt Nam.
1 điểm mà Becamex Bình Dương (phải) vừa giành được trước Jeonbuk chưa phải thành tích ấn tượng nhất của các CLB Việt Nam tại AFC Champions League
Tuy nhiên, “1 điểm lịch sử” mà B.Bình Dương vừa mới có được (trước Jeonbuk Huyndai Motors sau 3 trận toàn thua) chưa phải là mốc son chói lọi nhất của các đại diện Việt Nam tại AFC Champions League. Cũng trong năm 2005, Bình Định từng có được 1 trận thắng (trước Krung Thai) và 1 trận hoà (Persebaya, Indonesia).
10 năm qua đi, nhưng thành tích của các CLB Việt Nam tại AFC Champions League không được cải thiện là bao. Liên tục trong 2 năm liên tiếp (2014-2015), Hà Nội T&T phải dừng chân ở vòng sơ loại thứ 3. AFC Cup có vẻ như vừa sức hơn, bằng chứng là, BBình Dương đã từng lọt vào bán kết (2009), còn SHB Đà Nẵng cũng đi đến tứ kết (2010).
Mua dây buộc mình
Bắt đầu từ mùa giải 2015, các CLB V-League chỉ được quyền đăng ký 2 ngoại binh và sử dụng 2, so với 5 dùng 3 như trước đây. Với riêng các đội bóng chơi AFC Champions League hoặc AFC Cup, thì được đăng ký 3, dùng 2 và thêm một cầu thủ châu Á khác để sử dụng ở đấu trường châu lục. Đây được xem là việc làm cần thiết để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ bản địa.
Điều này thoạt nghe thì hợp lý, nhưng trên thực tế, nó dễ tạo một cuộc cạnh tranh thiếu công bằng ngay tại V-League. Ví như B.Bình Dương, bất cứ lúc nào họ cũng có thể thay thế suất ngoại binh đăng ký cho từng trận đấu cụ thể. Mới đây nhất, cuộc tranh cãi nảy lửa đã xảy ra, khi Oseni được đăng ký thay cho Moses (thẻ phạt) ở trận đấu với XSKT Cần Thơ.
Phần lớn các CLB chịu chơi và chịu chi đều phải nuôi báo cô ít nhất 1 ngoại binh (châu Á) chỉ để chơi vài trận đấu ở giải châu lục. Nhưng bất luận thế nào, việc xiết lại suất đăng ký và sử dụng ngoại binh trong khuôn khổ các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia khiến đại diện Việt Nam phải chịu thiệt thòi cực lớn ở AFC Champions League hoặc AFC Cup.
Không biết đến bao giờ V-League mới theo kịp các giải bóng đá chuyên nghiệp khác, song có một điều chắc chắn rằng, với chỉ một hình hài như hiện tại, có lẽ cái ngày các CLB Việt Nam có thể tranh tài sòng phẳng với những đối thủ hàng đầu ở AFC Champions League vẫn còn rất xa.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất