V-League đột biến bàn thắng: 'Lưới rung là tin nhắn về'

26/06/2014 13:10 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Tân HLV trưởng ĐT Việt Nam từng khẳng định sẽ xây dựng lối chơi cho đội bóng dựa trên con người mà mình có trong tay. Nhìn vào danh sách 24 tuyển thủ trong đợt tập trung chuẩn bị cho trận giao hữu quốc tế với ĐT Myanmar  ngày 2/7 tới đây vừa được thuyền trưởng người Nhật trình lên VFF, có thể dự đoán lối chơi “made in Việt Nam” sẽ đậm chất… SLNA, khi có đến 7 – 8 cái tên hoặc đang khoác áo SLNA, hoặc trưởng thành từ lò Sông Lam.

Từ kỷ lục bàn thắng ở V-League…

Có đến 41 bàn thắng được ghi trong 6 trận đấu ở vòng 19, V-League 2014 (trung bình 6,8 bàn/trận), một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử giải bóng đá cao nhất xứ sở. Rất nhanh chóng, người ta đã liên tưởng đến những hiệu ứng (tích cực) từ World Cup 2014 đang diễn ra ở Brazil, với thứ bóng đá sexy, rượt đuổi hấp dẫn, kịch tính cho đến phút cuối. Thực tế, khi tính “kịch” lấn qua sân cỏ, đó là điều đáng lo.

Năm 2009, khi số lượng bàn thắng tại các trận đấu của V-League tăng một cách đột biến (đỉnh cao là 34 bàn trong 7 trận ở vòng 26), với rất nhiều pha lập công được thực hiện vào khoảng thời gian nửa cuối hiệp 2, chúng tôi cũng đã đề cập đến khả năng các cầu thủ “làm bóng” để chính họ (hoặc người thân) giành chiến thắng trên các trang cá cược bất hợp pháp. Kiểu như “lưới rung là tin nhắn về”?!

Hiệu ứng này tiếp tục lan toả ở những mùa giải sau đó, khi VPF nhận tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, kể từ mùa giải 2012. Song, bất luận thế nào, Ban tổ chức (từ VFF đến VPF bây giờ) vẫn điền chi tiết này vào bản tổng kết giải và xem nó như một trong những tín hiệu đáng mừng, rằng các trận đấu V-League thực sự rất đáng xem, với chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao!



Công Vinh tiếp tục là trụ cột trên hàng tấn công đội tuyển Việt Nam

Nếu để ý, trong khoảng 4 – 5 năm qua, giải V-League vẫn chỉ những con người ấy, từ cầu thủ đến đội ngũ HLV. Và bên cạnh một số đội bóng đã rút lui không kèn trống, cùng một B.Bình Dương độc hành trên lộ trình của riêng họ, thì Hà Nội.T&T, Hải Phòng, SHB.Đà Nẵng hay Hoàng Anh Gia Lai, dường như đã thu mình lại với chính sách chuyển nhượng “thắt lưng buộc bụng”…

Về mặt logic, V-League không (hoặc chưa) tích luỹ đủ lượng để có thể biến đổi thành chất mới, thậm chí là ngược lại. Vậy sự bùng nổ về số lượng các bàn thắng phải là hiện tượng đáng lo, mà tối giản nhất phải là khâu tổ chức phòng ngự quá kém. Trước VCK World Cup lần thứ 20, người ta cũng đã bán tín bán nghi về việc, các trận đấu có thể bị nhà cái thâu tóm. Và đó vẫn là khoảng tối không dễ gì vạch ra.

Khi bóng đá còn là một trò chơi, bàn thắng luôn là đỉnh cao của mọi trận cầu. Nhưng khi bóng đá được sự trợ giúp đắc lực của khoa học, của hệ thống các triết lý chiến thuật, trở thành môn thể thao vị thành tích được ưa chuộng nhất, một đội bóng ắt phải được xây dựng từ tuyến thấp nhất (hàng phòng ngự). Nói như “người đặc biệt” Jose Mourinho: “Tôi không tạo sức ép các bạn phải thắng, nhưng chúng ta sẽ không thua bàn”.

Sự bùng nổ (bất thường) về hiệu suất ghi bàn, suy cho cùng, nó là hệ luỵ của sự dễ dãi, từ xây dựng lối chơi – chiến thuật, đến cao hơn là tổ chức đội bóng (quản lý), chứ không phải kỷ nguyên mới (mà cũ) của thứ bóng đá tấn công thời những năm 70 của thế kỷ trước được kéo về.

Đến lối chơi “made in SLNA”

Trở lại với vấn đề lối chơi của ĐT Việt Nam. Trên sân Lạch Tray, tiền đạo số 1 của V-League và của cả ĐT Việt Nam, Lê Công Vinh, đã đào sâu khoảng cách với những người bám đuổi về kỷ lục hơn 100 bàn thắng. Tất nhiên, Công Vinh (cũng như Micoslav Klose của ĐT Đức) sẽ chưa dừng lại, khi trước mặt anh vẫn còn rất nhiều các trận đấu nữa.

Cùng với Vinh, những người Nghệ Tĩnh (cũ) khác như Đinh Thanh Trung ở QNK.Quảng Nam, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Hải Anh (Đồng Nai)…, cũng thi nhau bùng nổ. Hải Anh và Thanh Trung đã tích luỹ cho riêng mình 11 bàn thắng, kể từ đầu mùa giải và họ đang là các chân sút nội tốt nhất V-League 2014. Việc bộ đôi cầu thủ này có tên trong danh sách 24 tuyển thủ của HLV Miura là xứng đáng.

Dựa trên bản danh sách của HLV Miura để lên sơ đồ đội hình ĐT Việt Nam, với Nguyên Mạnh (SLNA) trong khung gỗ, Ngọc Hải – Hoàng Thịnh (đều SLNA) đá cặp trung vệ, Âu Văn Hoàn biên phải, Trọng Hoàng, Hải Anh, Thanh Trung án ngữ ở tuyến 2 để hỗ trợ cho Công Vinh, tạm thời sẽ có 8/11 vị trí là người gốc Nghệ Tĩnh. Nếu có thêm Đình Luật (trung vệ), Văn Bình (tiền vệ) và Hồng Tiến là đủ bộ.

Trên thực tế, Đình Luật, Văn Bình và Hồng Tiến cũng đang có phong độ cao, nhưng vì lý do gì, họ không có tên trong lần tập trung này, chỉ người trong cuộc mới biết. Thay vào đó, các cố vấn của ông Miura đã lại điền tên Đinh Tiến Thành (hậu vệ Hải Phòng vừa mãn án kỷ luật), cùng bộ đôi tiền vệ trẻ của SHB.Đà Nẵng là Minh Tâm và Huy Toàn. Chúng ta sẽ có ngay câu trả lời về vấn đề này trong vài ngày tới.

ĐT Việt Nam sẽ có ít nhất 1 tuần tập trung, chuẩn bị cho trận đấu với Myanmar (2/7, tại sân Bình Dương), màn ra mắt của HLV Miura, nhưng có thể hiểu và thông cảm cho thuyền trưởng người Nhật Bản, nếu ông chỉ có thể sắp hình, dựa trên những cái tên đã được người khác quy hoạch. Nếu người viết bài báo này có thể tư vấn cho Toshiya Miura, hãy thử nghiệm với 8/11 vị trí người Nghệ Tĩnh cùng vào sân một lúc.

“Tiki-taka” đã về nước cùng với những chú bò tót Tây Ban Nha, sau trận đấu cuối vòng bảng với Australia, chấm dứt kỷ nguyên thống trị làng túc cầu của nửa bên này bán đảo Iberia; “kick & rush” của người Anh một thời được ưa chuộng, nhưng đã không bao giờ chạm lại được đỉnh vinh quang, kể từ sau năm 1966, rồi lối chơi nhỏ - nhuyễn của Nga, hoang dã từ lục địa đen…, đồng loạt thất bại.

Những trường phái cũ bị tiêu diệt, nhưng VCK World Cup 2014 chưa thể đem đến một cuộc cách mạng khác về lối chơi, khi sự bùng nổ cá nhân vẫn là điểm nhấn duy nhất. Thế nên, hỏi Toshiya Miura học được gì ở Brazil để áp dụng cho Việt Nam, kể cũng khó. ĐT Việt Nam lúc này có bao nhiêu cá nhân xuất chúng? Hỏi để tự trả lời.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link