Ông Sarkozy khởi động kế hoạch ở lại điện Elyse

16/02/2012 10:46 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 15/2, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gây bất ngờ khi tham gia mạng xã hội Twitter, không lâu trước khi ông lên truyền hình để tuyên bố khởi động chiến dịch tái tranh cử vào ghế Tổng thống Pháp. Tuy nhiên giới phân tích đánh giá chặng đường trước mắt Sarkozy đầy chông gai và cơ hội chiến thắng của ông là không lớn.

"Chúc ngày mới tốt lành với các bạn. Tôi rất hạnh phúc khi mở tài khoản Twitter hôm nay. Cám ơn các bạn, những người muốn dõi theo thôi" - ông nói trong thông điệp đầu tiên, phát đi từ tài khoản @NicolasSarkozy - "Tôi đã nhận lời của kênh TF1 để xuất hiện trên kênh tin tức 8h tối nay và tôi mời các bạn cùng tham gia với mình".

Các đối thủ khó nhằn

Với việc chính thức tham gia cuộc đua Tổng thống Pháp, Sarkozy dự kiến sẽ phải chạm trán khoảng một chục đối thủ trong vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 22/4/2012. Hai ứng viên có số phiếu bầu cao nhất sẽ bỏ phiếu lần 2 vào ngày 6/5. Dự kiến Bộ trưởng Môi trường Nathalie Kosciusko-Morizet sẽ là phát ngôn viên chiến dịch. Henri Guaino, cố vấn đặc biệt của Sarkozy, sẽ là người viết diễn văn. Còn ông sẽ bắt đầu lãnh đạo các cuộc tuần hành vận động bầu cử lớn kể từ ngày 16/2, bắt đầu tại thị trấn Annecy.

Khoảng 40 phút sau khi tài khoản Twitter của Sarkozy được kích hoạt, ông đã có 5.457 người theo gót, một sự khởi đầu khá nhanh, nhưng vẫn còn kém xa con số 146.120 người của Francois Hollande, kỳ phùng địch thủ của ông tới từ đảng Xã hội.

Không chỉ tụt hậu trên không gian ảo, Sarkozy còn kém cạnh đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận. Một cuộc thăm dò của IFOP tiến hành hôm 14/2 cho thấy Hollande đã tụt tỷ lệ ủng hộ khoảng 1%, nhưng vẫn rất ổn với 30% cử tri ủng hộ. Trong khi đó, Sarkozy vất vả bám theo ông này với 25,5% tỷ lệ ủng hộ, tăng có 0,5% so với trước đó. Và đây mới chỉ là thăm dò về vòng đầu của cuộc bỏ phiếu. IFOP dự báo nếu viễn cảnh này không thay đổi, Hollande sẽ là người chiến thắng rất rõ trong vòng 2, với số phiếu ước đạt 57,5 %, trong khi ông Sarkozy chỉ có 42,5% số phiếu bầu. Ngoài Hollande, Sarkozy còn vấp phải sức ép dữ dội từ chính trị gia cánh hữu Marine Le Pen.

Song những cộng sự của Sarkozy vẫn bày tỏ tin tưởng rằng ông không dễ bị đánh bại. "Cuộc chơi còn lâu mới kết thúc. Các cuộc thăm dò, bình luận... sẽ bị xóa sạch trong vòng 3 tuần trước khi diễn ra bầu cử" - Thủ tướng Francois Fillon, đồng minh lâu năm của Sarkozy nói với tờ Le Monde - " Ông ấy vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với người Pháp. Trong chiến dịch tranh cử, ông ấy sẽ tìm ra những ngôn từ và lối đi để tới gần với họ hơn".

Ông Sarkozy đang nỗ lực vận động cử tri để giành thêm một nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm nữa

Thách thức lớn nhất: thành tích cá nhân

Việc Sarkozy thua sút về tỷ lệ ảnh hưởng là một kết cục đáng buồn dành cho ông. Còn nhớ khi đắc cử hồi năm 2007, ông đã là một ngôi sao, với tỷ lệ ủng hộ lên tới 57%. Tại sao Sarkozy lại tụt giảm ảnh hưởng lớn tới vậy? Trang tin Reuters đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính: là cách thức điều hành đất nước và lối sống riêng.

Sarkozy lên nắm quyền với lời hứa sẽ tạo nhiều việc làm vào cuối nhiệm kỳ và nâng cao mãi lực, đúc kết lại trong khẩu hiệu "làm nhiều để hưởng nhiều hơn". Ông hứa sẽ phá tan sự trì trệ kinh tế đã có trong những năm cuối dưới thời Jacques Chirac.

Ông triển khai chương trình cải cách giáo dục bậc cao được nhiều lời ca ngợi hồi năm 2009, trong đó cho các trường đại học hưởng nhiều quyền tự quản hơn và cuối năm 2010, ông đã tăng tuổi về hưu lên 62 tuổi, tăng 2 năm so với trước đó. Ông cắt giảm thuế đánh vào những ai làm việc trên 35 giờ mỗi tuần, khuyến khích lao động và thay đổi thuế thu nhập.

Nhưng lo ngại bất ổn xã hội, ông không dám tiến hành các cải cách cấu trúc sâu hơn, để lại một chế độ phúc lợi và một thị trường lao động cứng nhắc, khiến các công ty Pháp dần trở nên thiếu tính cạnh tranh, dẫn tới khoản thâm hụt ngân sách tới 70 tỉ Euro (91 tỉ USD) trong 2011 .

Sarkozy có được ca ngợi vì thể hiện vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng ông bị chỉ trích vì để thâm hụt ngân sách tăng cao. Tình trạng này khiến cho tình hình tài chính công của Pháp trở nên bết bát và khiến tổ chức Standard & Poor' lần đầu đánh tụt hạng của Pháp vào tháng trước, một đòn đau dành cho Sarkozy. "Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng ông ấy có thể giải quyết khủng hoảng bằng cách tăng nợ công" - nhà kinh tế Jacques Attali, người từng cố vấn cho Sarkozy nhận xét.

Khi Sarkozy nắm quyền, nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ 2,1% và tỷ lệ thất nghiệp là 8%. Nhưng dưới bàn tay ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng tại Pháp đã về con số 0 tròn trĩnh, còn tỷ lệ thất nghiệp vọt lên 9,3%, cao nhất trong 12 năm qua.  Bất chấp việc giảm số nhân viên nhà nước, chi tiêu công vẫn tăng lên chiếm tới 57% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chỉ đứng thứ 2 sau Đan Mạch trong Liên hiệp châu Âu. Nợ công và thâm hụt ngân sách đã tăng lên tương ứng là 85% và 5,5% GDP, từ mức 64% và 2,3% hồi năm 2006. "Ông ấy được lựa chọn với tư cách một ứng cử viên trọng việc khuyết khích mãi lực nên ông thích chi tiêu hơn là đầu tư làm ăn, chẳng buồn quan tâm tới thâm hụt thương mại và đẩy Pháp đi theo con đường của Hy Lạp" - chuyên gia kinh tế Jacques Delpla nhận xét.

Ngoài vấn đề kinh tế, rào cản lớn nhất của Sarkozy còn là phong cách cá nhân ông, lý do chính để có 68% cử tri không ưa ông. Tiểu thuyết gia Yasmina Reza, người tham gia chiến dịch tranh cử của Sarkozy hồi năm 2007 và đã viết một nghiên cứu tính cách về ông, nói rằng ngài Tổng thống có nhiều sự hiếu động của trẻ con. Ông thích ăn vội vã các bữa ăn chính và ăn vặt suốt ngày. Ông không thể sống một mình và bị ám ảnh bởi các câu hỏi kiểu như : "Anh có thấy tôi không? Trông tôi có ổn không?". Bà chỉ ra rằng ông khác với các Tổng thống bình thường khác của Pháp ở chỗ: ông thích khoe khoang, ủy mị, thích mọi thứ phải hiện hữu, thực tế và sự quan tâm của ông tới thứ gì đó thường rất ngắn. Ông không thích đi lại bằng tàu và thích tới thành phố hơn vùng nông thôn.

Ngay sau khi đắc cử, Sarkozy đã khiến dư luận nhướn mày khi tổ chức tiệc mừng chiến thắng tại điện Elysee, với khách mời là các triệu phú và ngôi sao nhạc rock Johnny Hallyday, một nhân vật đã chạy sang sống ở Thụy Sĩ để trốn thuế. Tiếp đó, các tin nhắn của ông vô tình lọt ra ngoài, đã khiến dư luận trông thấy một cuộc sống riêng như trong phim truyền hình cải lương, khi người vợ hai Cecilia bỏ ông chạy theo người tình ở Mỹ. Vừa bẽ bàng, vừa muốn cải thiện hình ảnh, Sarkozy bắt đầu hẹn hò chớp nhoáng với bà Bruni. Nhưng cuộc tình của hai người là chủ đề để báo lá cải khai thác. Dư luận Pháp lại được phen kém vui khi thấy cảnh ngài Tổng thống mải mê đưa người tình đi Disneyland Paris, tới Jordan, Ai Cập, thay vì lao tâm khổ tứ giải quyết các vấn đề kinh tế.

Hậu quả là trong một năm sau cuộc bầu cử, có tới 2/3 cử tri đã dành cho ông những nhận xét không hay ho gì. Đối thủ thì cảm thấy rằng có vẻ như Sarkozy đang mắc sai lầm. "Người dân muốn nhìn thấy năng lượng từ Tổng thống. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông ấy phải đeo kính Ray Ban hay xài đồng hồ Rolex đắt tiền" - chính trị gia Christian Paul ở Đảng Xã hội nói.

Vẫn có cơ hội chiến thắng

Mấy tuần gần đây, Sarkozy đã vạch ra chương trình tái tranh cử của ông, nhằm cải thiện hình ảnh trong con mắt cử tri. Theo đó, ông sẽ vẽ lại mình như người bảo vệ các giá trị truyền thống, một bàn tay vững chắc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro hồi tuần trước, ông nói rõ rằng sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự xã hội mang màu sắc bảo thủ, thề sẽ chống lại kết hôn đồng giới, chống lại cái chết không đau đớn và giới hạn người nhập cư.

Ngoài ra, ông tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế, thông qua những việc như tăng thuế bán hàng để giảm thuế tiền lương và triển khai khoản thuế rất nhỏ, chỉ 0,1%, đánh vào các giao dịch tài chính. Nhưng nỗ lực của ông cho tới nay vẫn chưa khiến cử tri hài lòng và đẩy tỷ lệ ủng hộ lên cao hơn.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng Sarkozy vẫn có cơ hội chiến thắng, nếu ông có thay đổi để chuyển thông điệp chuẩn xác hơn tới với cử tri. "Ông ấy sẽ không thể lặp lại phép màu của năm 2007" - Alain Minc, một chuyên gia kinh tế và là cố vấn lâu năm của Sarkozy nói - "Song ông ấy có thể phát thông điệp rằng mình đủ khả năng để đưa Pháp ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi Hollande sẽ khiến nước Pháp đâm vào tường sau 2 năm nữa".

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link