Thế giới tiến sát tới khả năng chữa lành HIV

07/03/2014 07:31 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Một đứa trẻ ở Mỹ đã có thể trở thành bé thứ hai trên thế giới được "chữa lành" HIV, sau khi dùng thuốc kháng virus từ khi mới sinh ra. Sự kiện này đang được cộng đồng khoa học theo dõi kỹ, bởi nó có thể mang tới hướng đi đột phá trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS.

Các bác sĩ Mỹ đã thông báo kết quả mang tính đột phá này tại một cuộc hội thảo về HIV/AIDS tổ chức ở Boston trong ngày 5/3.

Phép màu thứ hai

Đứa trẻ được điều trị đã có HIV trong cơ thể kể từ khi bé chào đời tại Los Angeles vào tháng 4 năm ngoái. Các bác sĩ đã lập tức cho bé dùng các loại thuốc chế áp virus chỉ 30 giờ kể từ khi chào đời. Kết quả tới nay cơ thể bé đã sạch bóng virus HIV.

Timothy Ray Brown là người duy nhất trên thế giới được chứng nhận đã chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS nhờ ghép tủy ở Berlin, Đức

Timothy Ray Brown là người duy nhất trên thế giới được chứng nhận đã chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS nhờ ghép tủy ở Berlin, Đức

Tuy nhiên đứa trẻ hiện vẫn đang dùng thuốc điều trị HIV/AIDS nên không ai có thể chắc chắn việc bé đã được chữa lành hay chưa. Có điều khi tiến hành hàng loạt các thử nghiệm phức tạp nhất, trong nhiều lần, người ta vẫn không thể tìm kiếm được dấu vết của virus.

Tiến sĩ Deborah Persaud, một bác sĩ từ Đại học John Hopkins đang lãnh đạo hoạt động thử nghiệm, nói rằng các dấu hiệu thu được từ đứa trẻ không giống với các bệnh nhân nhiễm HIV có dùng thuốc khác. "Chúng tôi không biết bé đã thuyên giảm hoàn toàn bệnh hay chưa... nhưng tình hình hiện nay cho thấy có vẻ bé đã lành bệnh" - Tiến sĩ Yvonne Bryson, một chuyên gia về bệnh lây truyền ở Bệnh viện Nhi Mattel, người đã tham gia tư vấn về trường hợp của bé gái trên, cho biết.

Báo chí Mỹ nói rằng đứa trẻ đầu tiên được "chữa lành" AIDS/HIV tới từ Mississippi, nay đã 3 tuổi rưỡi và dường như hoàn toàn không bị lây nhiễm, dù bé đã ngừng điều trị HIV/AIDS trong 2 năm.

Tại Mỹ phần lớn các bà mẹ nhiễm HIV đều được dùng thuốc chế áp virus trong thời gian mang thai, qua đó giảm thiểu khả năng họ lây truyền bệnh cho con. Tuy nhiên bà mẹ ở Los Angeles không được chăm sóc khi mang thai và chỉ được phát hiện nhiễm HIV khi lâm bồn.

Các bác sĩ đã quyết định cho con của người phụ nữ này dùng thuốc kháng virus liều cao, ngay khi vừa chào đời, thậm chí trước cả khi người ta có thể tiến hành làm xét nghiệm để xác định bé có nhiễm bệnh hay không. Đứa trẻ hiện vẫn đang được theo dõi, nhưng trông rất khỏe mạnh.

Thời gian tới, các bác sĩ sẽ tiến hành thử nghiệm hoạt động điều trị kiểu mới này trên 60 đứa trẻ sơ sinh mang HIV trong cơ thể ở Mỹ, Nam Phi và Brazil. Hoạt động thử nghiệm có thể kéo dài vài năm, nhưng có vẻ như họ đã tìm ra cách để giảm bớt số lượng 250.000 đứa trẻ chào đời cùng HIV mỗi năm.

Các phương thức điều trị đột phá

Ngoài phương thức chữa HIV/AIDS mang tính đột phá nhưng còn gây tranh cãi trên, thời gian gần đây thế giới cũng tìm ra nhiều cách chữa khác, chủ yếu dựa trên liệu pháp gene. Ý tưởng sử dụng liệu pháp gene tới từ trường hợp 1 bệnh nhân HIV/AIDS người Mỹ được chữa lành sau ca phẫu thuật ghép tủy ở Berlin cách nay 7 năm. Phần tủy sống mà anh nhận về có chứa một loại gene đặc biệt với khả năng bảo vệ cơ thể khỏi HIV/AIDS.

Vấn đề là hiện chỉ 1% dân số thế giới mang trong người 2 phiên bản của loại gene này, vốn giúp họ có đề kháng tự nhiên với HIV/AIDS. Ngoài ra hoạt động ghép tủy quá đắt đỏ và không phải lúc nào cũng an toàn.

Vì thế các nhà nghiên cứu đã tìm một hướng điều trị khác, mang tính thực dụng hơn, để đạt được kết quả tương tự. Họ dùng liệu pháp gene để điều chỉnh tế bào máu của bệnh nhân.

Thời gian tới các bác sĩ sẽ mở rộng hoạt động thử nghiệm ra 60 đứa trẻ ở Nam Phi, Mỹ và Brazil

Thời gian tới các bác sĩ sẽ mở rộng hoạt động thử nghiệm ra 60 đứa trẻ ở Nam Phi, Mỹ và Brazil

Gần đây nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Carl June tại Đại học Pennsylvania đã tiến hành một nghiên cứu đặc biệt trên 12 bệnh nhân. Thông thường HIV sẽ lây nhiễm vào các tế bào máu nhờ bám vào một protein trên bề mặt tế bào mang tên CCR5. Một công ty ở California tên Sangamo BioSciences đã tìm ra phương thức điều trị có thể loại bỏ các gene tạo ra CCR5.

12 bệnh nhân kể trên sẽ được lọc máu để thu lấy một số tế bào. Tiếp đó tế bào của bệnh nhân được gửi tới Sangamo BioSciences để loại bỏ protein CCR5, trước khi được bơm trở lại cơ thể họ.

4 tuần sau thử nghiệm, một nửa bệnh nhân đã tạm ngưng dùng thuốc kháng virus để xem hiệu quả điều trị. Kết quả là virus trở lại ở gần như tất cả các bệnh nhân, ngoại trừ 1 người. Tế bào qua chỉnh sửa dường như đã bảo vệ người này khỏi virus HIV và dễ sống sót hơn các tế bào tự nhiên.

"Chúng tôi biết virus sẽ trở lại, nhưng hy vọng nằm ở chỗ tế bào đã qua chỉnh sửa sẽ dần tăng số lượng, tới mức giúp bệnh nhân có thể kiểm soát lượng virus trong người mà không cần dùng thuốc hỗ trợ" - Tiến sĩ Pablo Tebas, một trong các nhà nghiên cứu của trường Pennsylvania nói. Nói một cách đơn giản hơn, bệnh nhân được coi như đã "chữa lành về mặt chức năng" và sẽ thoải mái sống tiếp mà không phải bận tâm tới việc phải dùng thuốc kháng HIV đến hết đời.

Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link