17/03/2011 10:55 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Hụt hẫng là cảm giác của khá nhiều người khi những cảnh kết của bộ phim Bi, đừng sợ! khép lại. Gây chú ý bởi hàng loạt giải thưởng ở các LHP quốc tế (không chỉ đến lúc thành phim mà ngay từ khi còn là kịch bản đã nhận được tài trợ của nước ngoài), nhưng dường như Bi, đừng sợ! không như hình dung của không ít người xem.
“Quá” hay chưa đến “độ”?
Với những lát cắt nhẹ nhàng nhưng không kém phần sắc lạnh về một gia đình đô thị, Bi, đừng sợ! bày ra trước mắt người xem khá nhiều mảng tâm trạng... Rất tiếc, người xem khó bị dẫn dụ bước vào thế giới tâm hồn của các nhân vật trong phim vì những “ba-ri-e”. Chẳng hạn, Thúy - cô của Bi rập rình sau đám cỏ lau để xem cậu học trò mà cô có cảm tình mặc quần cộc đá bóng giữa trời mưa, tay cầm ô nhưng vẫn mặc cho mưa như chan, như trút trên mặt. Khi trận bóng tan, trời vẫn mưa và cô vẫn đứng giữa mưa để dõi theo tấm lưng trần của cậu học trò mặc quần lót ngồi ăn khoai nướng với các bạn. Chẳng có sự diễn giải nào khiến người xem có thể hiểu và chia sẻ với những kìm nén dục vọng của cô “gái già” (chữ của nhân vật tự nói về mình trong phim) ấy, khiến khán giả không hiểu vì sao cô hành động đến mức... quá lên như vậy. Chỉ thấy đêm đêm cô đi đập nước đá mà với bản phim được chiếu thì không ai hiểu cô đi đập nước đá vì “động cơ” gì. Chỉ những người đã xem “bản full” hoặc đã nghe rỉ tai thì mới hiểu là để dùng làm “công cụ giải tỏa ẩn ức” có một không hai!
Cảnh trên poster phim Bi, đừng sợ!
Dù Bi (6 tuổi) chiếm được cảm tình của người xem vì nét chân thật, tự nhiên nhưng cũng có đôi chút “gợn”. Lúc tắm cho Bi, cô Thúy cởi quần Bi để kỳ cọ thì như phản xạ, Bi kéo quần lên ngay. Vậy mà Bi vẫn... hồn nhiên vòi xem cô tắm. Bi không còn là đứa trẻ lên 3, 4 nữa nên nghe khó “xuôi”. Tính cách và lời thoại của Bi trên phim dường như phù hợp với đứa nhỏ tuổi hơn là cậu bé đã lên 6 có thể một mình tung tăng ra cánh đồng đi tìm những chiếc lá hay một mình vào chơi trong nhà máy nước đá...
Tiếng ồn của vận hành máy móc và nhịp độ lao động khẩn trương ở nhà máy nước đá. Tiếng nhai cà giòn tan của bố Bi hay tiếng nhai cua bể rau ráu của anh chàng người yêu Thúy... Những âm thanh của đời sống được thu vào phim gây cảm giác sống động và chân thật nhưng trong một số trường hợp không thể bù đắp sự thiếu hụt cảm xúc của nhân vật.
Bi, đừng sợ! khởi chiếu từ 18/3 tại Hà Nội (TTCP Quốc gia) và TP.HCM (Galaxy Tân Bình, Mega Hùng Vương).
Có phải vì một số cảnh phim có ý nghĩa quan trọng bị cắt để lại những “khoảng trống” trong tâm trạng của các nhân vật? Diễn viên Hà Phong - người thủ vai bố Bi trong phim - “gật đầu” khi phóng viên TT&VH chia sẻ băn khoăn này. Phan Đăng Di hơn một lần bày tỏ tiếc nuối khi một số cảnh trong phim bị cắt bỏ...
“Mong mọi người đừng bỏ về giữa chừng”
Khá nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về bộ phim trên các diễn đàn, dù hầu hết mới xem trailler hay xem “đĩa lậu bản full” phim này. “Chẳng thấy giống con người Việt Nam”, “không tiêu biểu cho gia đình Hà Nội”, “bóp méo sự thật, không coi trọng con người”... là một số nhận xét khá nặng nề trên báo chí mà một số đạo diễn và nhà phê bình điện ảnh có tên tuổi dành cho Bi, đừng sợ!.
Chia sẻ với một tờ báo, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn lại cho rằng Phan Đăng Di nhập vào dòng phim hiện thực với những chuẩn mực của nó. Phim mô tả cuộc sống của một gia đình bình thường với những trắc trở của cuộc sống...
Có thể nhận ra hai luồng ý kiến: người thì cho rằng phim xa lạ với hiện thực hay nhìn cuộc sống bi quan, một màu... Có ý kiến còn cực đoan cho rằng, cuộc sống có bao điều cần nói sao chỉ chĩa vào chuyện... tính dục. Nhiều người trẻ có cái nhìn mới mẻ thì ủng hộ những tìm tòi và khám phá của Phan Đăng Di. Họ cho rằng, phim phản ánh phần nào thực trạng của nhiều gia đình ở thành thị, khi mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo và gia đình hiện đại bị đe dọa bởi nhiều cám dỗ từ bên ngoài...
Ngoại trừ những hụt hẫng từ một vài kết nối giữa các nhân vật và trong bản thân một số nhân vật, Bi, đừng sợ! đem đến cho khán giả những phút xao lòng trước cảnh đẹp thơ mộng của bãi lau xanh mềm nghiêng mình trong gió, của những doi đất nhô ra ngoài bãi sông như bức tranh lãng mạn, hay những hình ảnh ấn tượng về những người tắm truồng trát đầy bùn còn loang loáng nước bước lên từ bờ sông, hai chú bé con vục tay vào “bốc” ruột quả dưa hấu đỏ chót giữa bãi sông mênh mông... Những hình ảnh đẹp và nhiều sức gợi này gắn với thế giới tuổi thơ trong trẻo của Bi, góp phần làm “cân bằng” những bức bối, dồn nén của “thế giới người lớn” bao quanh Bi... Đặc biệt, hình ảnh viên đá lạnh như “chất keo” gắn kết không chỉ tạo nên ý tứ thú vị cho phim mà còn góp phần hiệu quả về mặt tạo hình. Nhịp phim nhẹ nhàng, thong thả như chính cuộc sống vốn dĩ diễn ra hàng ngày xung quanh có thể góp phần giúp người xem tìm thấy chút gì của mình hay một hình ảnh thân thuộc nào trong đó...
Có lẽ, Phan Đăng Di là người hiểu nhất về “đứa con” của mình nên trước khi mở màn buổi chiếu ra mắt báo giới tại Hà Nội, anh mong mọi người đừng bỏ về giữa chừng...
Hải Đông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất