18/04/2015 14:05 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Người ta đã biết tới Bollywood của Ấn Độ, Nollywood của Nigeria và giờ đây là phiên bản Hollywood của Uganda, mang tên Wakaliwood. Đây là một nền điện ảnh non trẻ nhưng rất tham vọng.
Đó là một ngày nóng cháy da, một nhóm biệt kích đang thực hiện kế hoạch vượt ngục táo bạo. “Dừng lại, bắt lấy chúng” – Tướng Placdo, một bậc thầy võ thuật, thét lên bằng tiếng Luganda.
“Chúng mày sẽ thất bại thôi, bọn tao sẽ hủy diệt thế giới! Bọn mày sẽ thấy!” – nhân vật phản diện đội mũ bịt mặt màu đen, cầm đầu tổ chức mafia Tiger đáp lại rồi lao vào ẩu đả.
Bệ phóng tên lửa từ chảo rán và ống nhựa
Cuộc vượt ngục đó hiển nhiên không diễn ra ngoài đời mà là cảnh trong bộ phim hành động Operation Kakongoliro (nhái theo phim Biệt đội đánh thuê). Phim đang quay và sẽ ra mắt cuối năm nay.
Bối cảnh là một bãi phế liệu ở khu ổ chuột Wakaliga thuộc thủ đô Kampala của Uganda. Chính tên địa danh này là nguồn gốc của cái tên Wakaliwood, khi người ta ghép nó với từ Hollywood.
“Chúng tôi có thể lớn mạnh như Nollywood, Bollywood hay thậm chí Hollywood – không lý nào lại không thể” – nhà văn, đạo diễn, biên tập kiêm nhà sản xuất Isaac Nabwana (42 tuổi) tự hào về hoạt động sản xuất điện ảnh chính thống của Uganda. Ngành công nghiệp này tiếp nhận tiền đầu tư từ các hãng phim ở Nigeria, Ấn Độ và Mỹ. “Chúng tôi nghĩ những người ở Hollywood rồi sẽ tìm đến đây” – anh nói.
Wakaliga ngày nay có dân số dưới 2.000 người. Gia đình nhà sản xuất Nabwana đã không có TV để xem cho đến tận năm 1984. Trước đó anh biết về các bộ phim qua lời kể lại của các anh trai, sau khi họ đi xem phim ở trung tâm chiếu phim của địa phương.
Học hết trung học, Nabwana đóng gạch để kiếm sống. Nhưng giấc mơ điện ảnh vẫn nung nấu trong đầu anh. Từ năm 2005, Nabwana đã gây dựng hãng phim hành động đầu tiên của Uganda là Ramon Film Productions và dùng nó để theo đuổi ước mơ.
Nhưng đến hôm nay, mơ ước ấy vẫn trong quá trình xây dựng.
“Chúng tôi không có đủ đạo cụ, chúng tôi phải tự làm mọi thứ” – Nabwana nói, giải thích rằng các bệ phóng tên lửa trong phim của anh thực tế được làm từ chảo rán và ống nhựa. Đoàn làm phim phải dùng máu bò để hóa trang cho các nhân vật bị thương. Diễn viên dán đầy bao cao su chứa đầy phẩm màu đỏ lên ngực để tái hiện các cảnh trúng đạn, chết chóc hoành tráng. “Chúng tôi cần máy quay tốt, phần mềm hiện đại” – Nabwana nói - “nhưng thách thức lớn nhất vẫn là tiền”.
Bất chấp trở ngại, Nabwana đã sản xuất khoảng 46 phim truyện dài. Thành công nhất là Who Killed Captain Alex (Ai giết đội trưởng Alex), được quay xong chỉ trong một tháng vào năm 2010, với kinh phí... 200 USD (4,3 triệu đồng). Giống như Operation Kakongoliro, phim này cũng xoay quanh tổ chức mafia Tiger với những nhân vật phản diện quen thuộc trong phim của Nabwana. Đội trưởng cảnh sát Alex được cử điều tra, nhưng đã bị giết hại một cách bí ẩn. Đoạn giới thiệu phim được đăng lên YouTube vài tuần trước, nay có hơn 2 triệu lượt xem.
Diễn viên cũng phải đi bán phim
Hoạt động làm phim của Nabwana còn giúp anh thu hút được các cộng sự có kinh nghiệm. Được truyền cảm hứng cảm hứng sau khi xem một số phim của Nabwana trong năm 2011, Alan Hofmanis (45 tuổi), người từng làm phim ở New York, đã đến Uganda và trở thành một nhà quảng bá cho điện ảnh Uganda.
Nabwana nhận xét, các phim của hãng Ramon đã khiến anh nhớ đến loạt phim Indiana Jones. Tuy nhiên, theo Hofmanis, trở ngại chính của ngành công nghiệp điện ảnh của Uganda là “phim lậu tràn lan”.
“Nabwana giống như Martin Scorsese nhưng đang cố gắng tìm hiểu cách phân phối và quảng bá cho các bộ phim của mình. Anh ấy chỉ có mấy ngày để kiếm lợi nhuận sau khi phim ra mắt. Nhưng rất khó bán phim, vì đĩa phim lậu ở đây có giá vỏn vẹn 500 shilling (hơn 3.500 đồng)” – Hofmanis nói.
Trong khi quay phim, các nhân viên sản xuất và diễn viên đều phải tự chuẩn bị quần áo của mình và trang điểm. Còn khi phim quay xong, họ phải đi khắp Uganda rao bán phim với giá chỉ 3.000 shilling (hơn 21.500 đồng) một đĩa.
Hofmanis hiện đóng vai trò làm cầu nối Wakaliwood với phương Tây. Anh đang thực hiện chiến dịch gây quỹ cộng đồng qua mạng để quyên tiền mua thiết bị làm phim và hy vọng có thể mở một trường quay. Chiến dịch đang thu hút sự chú ý từ Đức, Hàn Quốc và Mỹ. Thậm chí một gia đình ở Indonesia đã gửi tặng những cuốn băng quay phim.
Trong lúc này, giấc mơ sánh vai với Hollywood vẫn được nhắc đến ở Uganda như một giấc mơ Mỹ thời hiện đại. “Tôi sẽ trở thành sao giống như Arnold Schwarzenegger, Bruce Willis” – Dauda Bisaso, một ngôi sao hành động của Wakaliwood, mơ ước.
Nhà sản xuất Nabwana cũng ước mong ngày nào đó phim của anh sẽ nổi tiếng ở Hollywood. “Tôi muốn mang những câu chuyện của Uganda đến với thế giới” – anh nói.
Hạ Huyền (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất