10/10/2016 05:31 GMT+7 | Bóng đá Anh
(Thethaovanhoa.vn) - Số mới nhất của tạp chí 4-4-2 có một bài phỏng vấn Paul Scholes, một cầu thủ Anh hiếm hoi nhận được sự kính nể từ những siêu sao cùng thời của mình. Đó là một bài phỏng vấn ngắn, chỉ 7 câu hỏi-đáp, và không một lần nào Scholes nhắc đến Rooney cả.
1. Những người đồng đội được Paul Scholes kể đến chỉ có Sheringham; Andy Cole; Yorke; Nistelrooy; Ferdinand và Beckham. Không có Rooney, nhưng Rooney lại nên đọc bài phỏng vấn ấy, bởi nhiều chi tiết anh có thể học được từ đó, ít ra là để một lần đưa ra quyết định sáng suốt cho mình.
Trước câu hỏi “Anh kết thúc sự nghiệp với việc lui về chơi tiền vệ trụ, và anh làm quen với vị trí ấy khó không?”, Scholes nói rất rõ rằng “tôi không thích khái niệm làm quen, vì đã chơi tiền vệ, anh phải chơi được mọi vị trí ở hàng tiền vệ ấy”.
Đó là một câu trả lời xuất sắc mà Rooney nên học hỏi từ nó. Đơn giản, tiền vệ là một vai trò chuyên biệt, dành cho người sinh ra và lớn lên cùng nó. Tất nhiên, ở một vài hoàn cảnh nào đó, khi đội bóng gặp khó khăn về nhân sự, một ai đó có thể được đặt vào vị trí tiền vệ vì anh ta có tố chất có thể đáp ứng. Nhưng đó là sự tạm thời, mang tính đối phó mà thôi. Rooney chưa bao giờ được sinh ra như một người chơi tiền vệ, chưa bao giờ lớn lên cùng vị trí tiền vệ. Và bởi vậy, tiếng la ó cho anh ở trận gặp Malta là dễ hiểu. Anh không thể chơi “số 8” bên cạnh Henderson trong hệ thống 4-2-3-1 mà Southgate đặt ra.
Sự trở lại của Alli, ở vị trí “số 10”, đã cho thấy 2.Rooney hết cửa rồi. Ở Man United, sau khi gây thất vọng ở những trận chơi sau lưng Ibra, Rooney lên ghế dự bị. Ở tuyển Anh, mất vị trí trung phong, và giờ mất luôn cả vị trí “số 10” ấy, vị trí mà ngoài Alli, Tam sư còn có cả Lallana, Towsend và Barkley (nếu được gọi) hoàn toàn có khả năng, Rooney sẽ chơi ở đâu, nếu như anh chơi như trận gặp Malta vừa rồi, trận mà anh hoàn toàn có thể hiểu được rằng mình lẽ ra không nên ở đó.
Chơi tiền vệ trụ, Scholes chia sẻ rằng ngay cả anh cũng gặp khó khăn bởi các đồng đội ở hàng thủ đã quá quen việc anh chơi hộ công rồi. Anh cho biết “Ferdinand toàn quát tôi: Lao lên trên đi. Cậu né ra khỏi không gian của tôi cái đi”. Scholes đánh giá, tiền vệ trụ cần nhất là mối liên hệ mật thiết với hai trung vệ. Hai cầu thủ đó sẽ yêu cầu tiền vệ trụ hỗ trợ mình ở điểm nóng nào, thậm chí có thể quát tháo.
Rooney không có được mối liên hệ cần thiết ấy với Cahill và Stones. Dường như họ cũng ngán anh tận cổ. Họ không chỉ đạo anh, cũng không buồn “đuổi yêu” anh như Ferdinand đuổi Scholes. Họ kệ Rooney lang thang trên sân, vô hồn, với những đường chuyền ngang, an toàn và dễ dàng.
3. “Khi chơi số 10, tôi phải luôn ý thức rằng mình có thể phải nhận bóng ở nhiều tư thế khác nhau, nhiều vị trí khác nhau, và luôn tâm niệm đến việc chơi bóng quay lưng về phía khung thành. Nhưng tôi may mắn khi được chơi với van Nistelrooy, một trung phong xuất sắc luôn biết phối hợp với mình”, Scholes chia sẻ. Điều đó khiến Rooney nghĩ gì, nếu anh đọc bài phỏng vấn Scholes? Rooney không thể nhận bóng ở tư thế khó, nên bởi thế anh không giải nguy cho đồng đội khi họ bị đối thủ bao vây được. Anh lại được chơi cặp với những trung phong xuất sắc nhất, biết phối hợp tốt, như Kane, Vardy, Sturridge ở tuyển Anh và Ibra ở Man United. Vậy mà anh chẳng làm được gì, ngoài những cú sút, đỡ bóng vô tình trở thành kiến tạo.
Paul Scholes lý giải nguyên nhân anh giải nghệ lần đầu tiên, hồi 2011, là bởi anh không còn năng lượng nữa để chơi bóng cho tốt. “Hết sức, nên tôi bắt đầu chuyền những đường chuyền an toàn, dễ dàng. Như vậy, tôi chẳng còn mang lại được lợi ích gì cho đội cả. Nghỉ là chính xác rồi”, Scholes cho biết. Rooney bây giờ có khác gì Scholes 2011 không? Có khi còn tệ hơn nhiều bởi những đường chuyền của anh cũng dễ dàng, cũng kiếm sự an toàn đấy nhưng anh còn hay để mất bóng, hay phạm lỗi hơn Scholes.
Vậy mà anh chưa nghỉ là sao? Hay tại vì Southgate là tạm quyền, nên không muốn trảm, và Mourinho thì đang lựa thế “đặt thớt để xuống đao” nên anh nghĩ họ còn cần anh? Trong khi đó, may ra chỉ còn người Trung Quốc cần anh mà thôi. Mà bên đó, lương nghe đâu cũng nhiều chẳng kém…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất