Ngày 19-2, Seoul lên án kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng, coi đó là sự khiêu khích nghiêm trọng, đồng thời là một âm mưu phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.Tên lửa tầm xa của Triều Tiên năm 2009
Ảnh: Christian Science Monitor.
Bình Nhưỡng có đủ vật liệu tạo 10 quả bom nguyên tử?Hàn Quốc đã đặt toàn bộ thủ đô Seoul trong tình trạng báo động về an ninh. Các quan chức Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng, sau khi bắn tên lửa phóng vệ tinh, có thể CHDCND Triều Tiên sẽ cho thử hạt nhân thêm lần nữa.
Thứ Sáu tuần trước, Triều Tiên công bố sẽ phóng vệ tinh vào quĩ đạo Trái Đất vào tháng tới nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phát ngôn viên Park Jung-ha của Tổng thống Hàn Quốc hôm 19-3 nói: Chính phủ Hàn Quốc coi cái gọi là phóng vệ tinh của Triều Tiên lên quĩ đạo vào tháng tới là một sự khiêu khích nghiêm trọng, nhằm phát triển các phương tiện tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Việc Bình Nhưỡng công bố phóng vệ tinh xảy ra đúng hai tuần sau khi Bình Nhưỡng và Washington ký một hiệp định sâu rộng toàn diện. Washington cho rằng, chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của Bình Nhưỡng đang phát triển nhanh chóng.
Năm ngoái, các quan chức quân sự Mỹ cho rằng, nước Mỹ lục địa có thể bị đặt dưới tầm nguy hiểm của tên lửa Triều Tiên chỉ trong vòng 5 năm tới.
Đến nay, Bình Nhưỡng thử hạt nhân hai lần. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn còn nghi ngờ việc Triều Tiên đã có năng lực thu gọn hạt nhân để đặt vào đầu đạn.
Nhiều chuyên gia quân sự thế giới tin rằng, Bình Nhưỡng đã có đủ vật liệu hạt nhân gây phản ứng nhiệt hạch cho khoảng chục quả bom nguyên tử.
Quân đội Hàn Quốc trong tình trạng báo độngNgày 19-3, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak triệu tập một cuộc họp đặc biệt với các quan chức ngoại giao, an ninh, quốc phòng để thảo luận việc Bình Nhưỡng công bố kế hoạch phóng vệ tinh.
Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc nói rằng, Hàn Quốc vào tuần tới sẽ làm việc chặt chẽ với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, những quốc gia tham gia đàm phán 6 bên về giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trong khuôn khổ hội nghị quốc tế cấp cao về an toàn hạt nhân diễn ra tại Seoul.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết đã thành lập một đơn vị chuyên theo dõi việc phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị dự kiến từ ngày 12 đến 16-4 tới, quân đội Hàn Quốc luôn đặt trong tình trạng báo động.
Phát ngôn viên Yoon Won-shik của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, Seoul và Washington sẽ sử dụng hệ thống giám sát để giám sát căn cứ tên lửa của Triều Tiên ở Tongchang-ri và sẽ theo dõi đường đi của tên lửa Triều Tiên sau khi rời bệ phóng.
Phía Bình Nhưỡng cho rằng, việc phóng vệ tinh này không ảnh hưởng gì đến nước láng giềng.
Các quan chức Triều Tiên nói việc phát triển một cách hòa bình và sử dụng vũ trụ là quyền lợi hợp pháp được công nhận rộng rãi của bất cứ quốc gia có chủ quyền nào.
Nhật Bản cho biết sẽ làm hết sức để ngăn chặn bất cứ thiệt hại nào do cuộc phóng vệ tinh sắp tới của Bình Nhưỡng gây ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka phát biểu tại Thượng viện Quốc hội nước này rằng, căn cứ vào kinh nghiệm từ vụ Triều Tiên phóng tên lửa năm 2009, Nhật Bản có thể cân nhắc việc triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 và tàu thủy ra đa cảnh báo sớm Aegis để có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên.
Đến nay, Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa tầm xa hai lần, nhưng cả hai lần (năm 1998 và 2009) đều không thành công.
Theo Tiền Phong