Di sản 'sống' và người dân cũng cần sống

11/05/2013 07:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Xin trả lại danh hiệu di sản quốc gia (DSQG) vì... khổ quá! Đó là nội dung lá đơn được 70 hộ dân tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) gửi tới các cơ quan chức năng trong tuần qua.

Thành thật mà nói, cả theo Luật cũng như theo thực tế, không ai tin danh hiệu DSQG được thu về chỉ từ một lá đơn như vậy. Câu chuyện ấy chỉ là phản ứng mạnh từ một thực tế: Luật Di sản văn hóa hạn chế rất chặt việc cơi nới, sửa chữa của họ ngay tại nhà mình – những ngôi nhà cổ lâu năm vốn là “xương sống” để Đường Lâm trở thành di sản.

Dư luận vào cuộc và  liên tục cung cấp hàng chục câu chuyện về cảnh vất vả của hơn 1500 hộ dân nơi đây. Đơn cử, đó là chuyện lớp mẫu giáo ở Đường Lâm “nhồi” tới 80 cháu, chuyện 3 cặp vợ chồng cùng ngủ trong căn phòng 10m2, hay chuyện một gia đình 8 người bị cưỡng chế đập bỏ tầng 2 khi... xây trộm. Vắn tắt lại, danh hiệu DSQG chưa mang lại nguồn lợi gì khả dĩ, mà chỉ có vai trò “trói tay” các hộ dân, kể cả khi... có đủ tiền xây nhà.

2. Bất cập của Luật Di sản cũng được phân tích rõ, khi đánh đồng những khu vực quan trọng nhất của Đường Lâm – nơi hàng trăm hộ dân sinh sống – với tính chất của một ngôi đình, chùa, miếu cổ... đơn thuần. Cái khác ở đây: đình, chùa, miếu... mang đặc thù của một di tích công cộng, với các quy chuẩn rõ ràng về hình thức bảo tồn, và khoanh vùng bảo vệ một diện tích theo kiểu “bất khả xâm phạm”. Còn Đường Lâm, lại là di sản “sống” với một diện tích rộng hơn và gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của chính người dân.

Sự thực, khái niệm “di sản đô thị” này đã được nhắc tới khá nhiều trong vài năm gần đây. Nôm na thì những di sản kiểu như Đường Lâm cần được bảo vệ với một hình thức và quy chế mềm dẻo hợp lý, để những người dân đang sống tại đó tự ý thức được việc gìn giữ di sản như nguồn lợi kinh tế quan trọng của mình.  Để so sánh, Phố cổ Hội An và khu phố cổ Hà Nội là minh chứng điển hình cho 2 cực thành công và thất bại của cách xử lý vấn đề “di sản đô thị” ấy.

3. Rất đơn giản nếu nói về những lý thuyết theo kiểu giãn dân, tái định cư hay thu xếp để người dân được “cổ phần hóa”, cùng Nhà nước khai thác tài sản của mình cho du lịch. Nhưng xin nhớ, bản thân phố cổ Hội An cũng đã phải kiên trì và nhẫn nại rất lâu để có thể khai thác được thế mạnh của mình như hiện nay. Còn thực tế, bản thân làng cổ Đường Lâm và phố cổ Hà Nội vẫn đang dở dang với quy hoạch bảo tồn.
Chẳng lẽ, chúng ta phải đưa ra một nhận xét đáng buồn rằng phố cổ Hội An được đầu tư khai thác tốt vì người Quảng Nam biết trân trọng thứ tài sản lớn nhất (và gần như duy nhất) này của một vùng đất nghèo. Còn với Hà Nội, sự tồn tại của hàng trăm di tích khác nhau, khiến người ta phần nào có sự “bỏ quên” sau khi cấp danh hiệu cho di sản, mà Đường Lâm là ví dụ?

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link