Đối mặt với 'hội chứng' làng cổ

13/05/2013 09:10 GMT+7

(Thethaovanhoa,vn) - 1. Cái làng Đường Lâm - xứ Đoài ấy tôi yêu không biết tự bao giờ. Có lẽ từ ngày tôi bắt đầu có bạn trên phía Ba Vì - Bất Bạt… Nhưng, có lẽ tôi yêu xứ Đoài xưa hơn từ ngày biết đọc thơ Quang Dũng:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?

Và tôi yêu cái đất ấy, phần vì nó cổ kính, nó thâm trầm như cái màu đá ong bao lần tôi lên chỉ cốt để sờ bàn tay thô ráp của mình vào đấy để cảm nhận cái thô ráp của mạch nguồn, như thể đất đai này là quê quán tôi xưa… Và rồi đời nhiều xê dịch nên tôi ít trở về nơi ấy, dù vẫn dõi theo cái tên làng  trên từng trang báo khi Đường Lâm  bỗng dựng mặc định là tài sản của quốc gia...

Mấy bận lên Đường Lâm, lần thì hội thảo du lịch, lần thì tham gia cứu cây đa cổ cổng làng Mông Phụ..., tôi vẫn thắc thỏm ít nhiều, vẫn phân vân ít nhiều khi cái mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở nơi đây chưa có một lời giải thỏa đáng.

Và bi kịch đã xảy ra khi hơn bảy chục người dân Đường Lâm ký đơn xin trả lại di sản như báo chí đã loan tin suốt tuần qua...

2.  Xung đột  có tính quy luật ấy là khó tránh. Và “hội chứng” di sản ở Đường Lâm chỉ là một “giọt nước tràn ly” của vấn đề bảo tồn những khu phố cổ, làng cổ khắp đó đây.

Dưới mạn Hưng Yên lâu nay tỉnh vẫn còn dự án bảo tồn làng Nôm huyện Văn Lâm đấy thôi. Nhưng mà nay trở lại, thấy đã mất mát nhiều quá. Những ngôi biệt thự nguy nga mọc lên ngày một nhiều thay cho những nếp nhà cổ, những từ đường mấy trăm năm. Chùa Nôm đang bị “hoành tráng hóa” thành ra phá vỡ mất không gian hài hòa cổ kính của ngôi làng. Chỉ còn cây cầu Nôm  mòn vẹt tháng năm đứng đó như là nhân chứng cuối cùng...

Vậy thì vấn đề ở đây không còn là của Đường Lâm, của làng Nôm, của phố cổ Hà Nội, hay nhà rường Huế nữa... Vấn đề bây giờ là các nhà quản lý phải đối mặt với một “hội chứng”. Phải tháo gỡ cho mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Người dân những nơi ấy ai dám bảo họ không quý trọng di sản văn hóa của mình? Nhưng tại sao họ (hay chính xác hơn là một bộ phận trong số họ) đòi từ bỏ nó? Câu hỏi đặt ra là làm sao để cuộc sống của họ phát triển, nơi ăn ở phải được cải tạo tiện ích hiện đại mà vẫn giữ lại được không gian cổ kính của làng. Có những quy định ngặt nghèo của luật đem vận dụng ra sao để đừng cứng nhắc, gây khó dễ cho người dân...

3. Tại sao không quy hoạch những ngôi nhà cổ làm du lịch và giãn dân để giữ lại không gian cổ xưa? Sự thỏa thuận ở đây là cần thiết để người Đường Lâm tự bảo tồn và lo phát triển. Bài học ở nhiều bản làng Thái, Mường như bản Lác ở Mai Châu, Hòa Bình… cho thấy khi người dân cảm thấy thoái mái được sử dụng di sản văn hóa của mình để phát triển du lịch thì tự mâu thuẫn sẽ triệt tiêu.

Người Đường Lâm cũng cần xác định  cái “mất mát” tạm thời của mình khi giữ lại được di sản, giữ lại niềm tự hào là “đất hai vua”. Những người già hãy cứ hoài cổ, hãy giữ lấy những kiến trúc và nếp sống cổ. Tài sản văn hóa và tiềm năng  kinh tế du lịch ở đó... Đất nước cần người Đường Lâm gìn giữ di sản như giữ gìn những mảnh hồn Việt. Đường Lâm là vô giá, nếu biết trân trọng giữ gì. Và nếu thành di sản thế giới nay mai, tự di sản là tài sản lớn của đất nước và của chính người Đường Lâm. Không có con đường nào bế tắc, nếu quyết tâm tìm lối ra. Điều quan trọng là các nhà quản lý không thờ ơ trước những “hội chứng văn hóa” như vậy...

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link